Đề nghị phạt Phó Tổng Nhật Cường từ 15 – 16 năm tù

GD&TĐ - Kiểm sát viên cho rằng, 14 bị cáo đã giúp sức cho ông chủ Nhật Cường trong việc buôn lậu và “phù phép” sổ sách để trốn thuế. Do đó, cần áp dụng hình phạt tù với nhóm này dù chưa bắt được Bùi Quang Huy.

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Em bỏ trốn, anh chịu án tù

Ngày 6/5, tại TAND TP Hà Nội, đại diện Viện KSND TP Hà Nội được quyền nêu quan điểm xử lý và đưa mức án đề nghị với 14 bị cáo trong vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.

Kiểm sát viên nêu quan điểm, đủ cơ sở xác định từ năm 2014 - 2019, Bùi Quang Huy (đang bỏ trốn) với vai trò Tổng Giám đốc Nhật Cường đã chỉ đạo cấp dưới mua hàng lậu là điện thoại, thiết bị điện tử với tổng trị giá 2.927 tỷ đồng.

Hàng lậu được hệ thống bán lẻ của Nhật Cường phân phối và qua đây, doanh nghiệp này hưởng lợi bất chính 221 tỷ đồng.

Theo kiểm sát viên, việc buôn lậu nói trên là vụ án đồng phạm có tổ chức, có sự câu kết do Bùi Quang Huy người tổ chức, cầm đầu và các bị cáo khác giúp sức.

Ngoài ra, Bùi Quang Huy còn chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, “phù phép” số liệu kinh doanh để trốn đóng gần 30 tỷ đồng tiền thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Người giữ quyền công tố đánh giá, việc vi phạm quy định về kế toán tại Nhật Cường còn nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp; né tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan Nhà nước.

Đánh giá từng bị cáo, kiểm sát viên xác định Trần Ngọc Ánh, Phó Tổng Giám đốc Nhật Cường là người có vai trò cao nhất, chỉ sau Bùi Quang Huy trong việc buôn lậu. Tuy nhiên, bị cáo này đã thành khẩn khai báo, tích cực cung cấp thông tin để cơ quan điều tra chứng minh các hành vi phạm tội khác.

Bị cáo Đỗ Quốc Huy là Giám đốc bán hàng của Nhật Cường cũng biết rõ công ty nhập lậu hàng rồi bán ra thị trường, thu lợi bất chính nhưng vẫn giúp sức Bùi Quang Huy.

Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc Tài chính Nhật Cường cũng bị xác định giúp sức Bùi Quang Huy, Trần Ngọc Ánh buôn lậu số hàng trị giá hơn 2.927 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ngọc còn ghi chép số liệu trên 2 hệ thống kế toán tại 2 phần mềm nhằm che giấu hoạt động bất hợp pháp, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng tiền thuế.

Tuy vậy, Ngọc cũng được phía truy tố đánh giá đã ăn năn hối cải, tích cực cung cấp thông tin về kế toán của Nhật Cường giúp cơ quan điều tra xử lý vụ án.

Tiếp đến, bị cáo Bùi Quốc Việt là anh ruột Bùi Quang Huy, biết rõ Công ty Nhật Cường buôn lậu điện thoại di động nhưng vẫn giúp em mình nhận hàng lậu, đưa về kho.

Bị cáo Việt chỉ thừa nhận có 3 lần chuyển hàng lậu nhưng căn cứ các dữ liệu được trích xuất, kiểm sát viên cho rằng bị cáo này trực tiếp nhận 8 chuyến hàng lậu với 1.524 sản phẩm. Các bị cáo còn lại cũng bị xác định phạm tội vì động cơ kinh tế nhưng đại diện viện kiểm sát ghi nhận họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Từng bị kiểm tra

Từ những phân tích trên Viện KSND TP Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) phạt Trần Ngọc Ánh từ 15 đến 16 năm tù, Bùi Quốc Việt từ 7 đến 8 năm tù cùng về tội “Buôn lậu”; Nguyễn Bảo Ngọc từ 14 đến 16 năm tù tổng hợp về các tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” và “Buôn lậu”; các bị cáo khác phải nhận từ 3 đến 14 năm tù.

Kiểm sát viên cũng đề nghị tòa án tịch thu xung công những phương tiện phạm tội của các bị cáo và tiếp tục tạm giữ một số hàng hóa của Công ty Nhật Cường để bảo đảm thi hành án dân sự.

Được tự bào chữa, Trần Ngọc Ánh cho hay rất bất ngờ, “sốc” khi bị đề nghị mức án lên tới 16 năm tù. Bị cáo này trình bày: “Lúc đó, bị cáo chưa nhận thức được việc kinh doanh điện thoại xách tay ở Nhật Cường là vi phạm pháp luật vì trên thị trường, có nhiều đơn vị khác cũng kinh doanh hàng xách tay.

Tại Nhật Cường, lực lượng quản lý thị trường hay công an kinh tế từng nhiều lần kiểm tra, xử phạt hành chính và sau đó, Bùi Quang Huy nói việc các em đang làm cùng lắm là bị mất hàng hóa, công ty sẽ chịu, các em không phải chịu trách nhiệm”.

Trần Ngọc Ánh nói thêm: “Bị cáo nghĩ nếu không làm sẽ phải nghỉ việc nhưng cần mưu sinh để kiếm sống.

Tháng 9/2018, khi lô 1.200 điện thoại bị bắt giữ tại Sân bay Nội Bài trong đó có một phần hàng của Công ty Nhật Cường và được xác định là hàng lậu, bị cáo mới biết việc làm của mình và công ty là vi phạm pháp luật.

Bị cáo nói với anh Huy là bị cáo sợ, không muốn làm việc này nữa rồi xin nghỉ việc nhưng anh Huy thuyết phục và bị cáo cũng gắn bó với Nhật Cường lâu năm nên tiếp tục ở lại”.

Cũng tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc mong được xem xét mình chỉ là người làm công ăn lương, làm việc theo chỉ đạo của Bùi Quang Huy và Trần Ngọc Ánh.

Ngọc trình bày: “Quá trình điều tra, bị cáo rất hối hận và tích cực hỗ trợ cảnh sát trích xuất dữ liệu của công ty để đưa vào hồ sơ vụ án. Mong HĐXX xem xét vai trò, thái độ thành khẩn của bị cáo để đưa ra phán quyết nhẹ hơn đề nghị của viện kiểm sát”.

Đối với cáo buộc phạm tội vi phạm quy định về kế toán, Nguyễn Bảo Ngọc cho rằng mình không quản lý hệ thống sổ sách kế toán nên mong tòa án xem xét mức độ liên quan.

Các bị cáo khác cũng mong HĐXX xem xét họ chỉ là người làm công ăn lương, thực hiện chỉ đạo của Bùi Quang Huy và đây mới là ông chủ của Nhật Cường. Nhóm này mong nhận được mức án thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.