Xét xử vụ Nhật Cường: Hai tiệm vàng có giao dịch nghìn tỷ

GD&TĐ - Giám đốc tài chính của Nhật Cường khai đã nhờ 2 tiệm vàng tại Hà Nội chuyển hàng nghìn tỷ đồng ra nước ngoài để thanh toán cho các đầu nậu. Do ông chủ đang bỏ trốn nên cơ quan tố tụng sẽ xử lý hành vi này sau.

Hội đồng xét xử vụ án.
Hội đồng xét xử vụ án.

Một bị cáo tử vong

TAND TP Hà Nội tiến hành xét hỏi các bị cáo trong vụ án buôn lậu xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Tại tòa, chủ tọa Trần Nam Hà thông báo đã nhận giấy báo tử của bị cáo Mai Tiến Dũng, Trưởng ngành điện thoại cũ của Nhật Cường.

Tòa án tiến hành xác minh, thấy ông Dũng tử vong ngày 23/4 tại Bệnh viện E Hà Nội vì bệnh nặng nên Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định đình chỉ vụ án với bị cáo này.

Trong vụ, cơ quan tố tụng xác định từ năm 2014, ông Mai Tiến Dũng được chủ Nhật Cường là bị can Bùi Quang Huy (đang bỏ trốn) thuê làm nhân viên kinh doanh điện thoại cũ và sau được phân công là Trưởng ngành hàng điện thoại cũ.

Ông Dũng bị cơ quan truy tố xác định tư vấn giá mua bán điện thoại cũ; trực tiếp trao đổi tin nhắn để tạo đơn hàng và thanh toán cho 1.574 chiếc điện thoại trị giá 45 tỷ đồng.

Sau khi bị khởi tố, ông Mai Tiến Dũng phản cung, không nhận tội nhưng căn cứ các dữ liệu được trích xuất, phía truy tố cho rằng đủ cơ sở xác định ông thực hiện hành vi giúp sức cho Bùi Quang Huy buôn lậu.

Đến phần xét hỏi, kiểm sát viên công bố cáo trạng thể hiện từ năm 2014 - 2019, Bùi Quang Huy sử dụng hệ thống của Nhật Cường để nhập lậu 255.311 sản phẩm điện thoại di động, máy tính… tổng trị giá 2.927 tỷ đồng rồi phân phối. Qua đây, phía Nhật Cường bán được 254.364 sản phẩm, thu hơn 3.213 tỷ đồng và hưởng lợi bất chính 221 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bùi Quang Huy chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán gồm hệ thống ERP nội bộ để theo dõi số liệu thực tế và hệ thống Misa ghi nhận báo cáo tài chính, kế toán để khai báo với cơ quan Nhà nước. Hai hệ thống này có sự chênh lệch về số liệu và theo giám định, Nhật Cường đã trốn đóng hơn 29 tỷ đồng tiền thuế.

Không liên lạc với em trai

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Vì những hành vi trên, ngoài Bùi Quang Huy và một số đối tượng bỏ trốn, viện kiểm sát truy tố 14 bị cáo về các tội “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong đó, bị cáo Bùi Quốc Việt, anh trai ruột Bùi Quang Huy bị truy tố về tội “Buôn lậu” với khung hình phạt tối đa 20 năm tù. Tại tòa, bị cáo Việt khai bản thân đi xuất khẩu lao động tại Đức từ năm 1989 đến năm 2004 mới về nước và được vào công ty của em trai làm bảo vệ, trông xe ở vỉa hè.

Bị cáo Việt khẳng định, chỉ biết em trai có đóng bảo hiểm xã hội cho mình, không biết có ký hợp đồng lao động hay không. “Bị cáo cứ ai giao việc thì làm, công nhân viên nhờ bị cáo sẽ đi, bận việc riêng thì thôi…

Từ năm 2012, bị cáo đi thu tiền từ các cửa hàng bán lẻ, ngày nào cũng đi. Cứ 8 giờ 30 phút bị cáo đến, đi hơn 10 cửa hàng thu tiền rồi ra ngân hàng nộp, đến 12 giờ hết trách nhiệm sẽ về”.

Trả lời HĐXX, bị cáo Việt thừa nhận có một số lần đi nhận hàng lậu thay nhân viên của Nhật Cường nhưng không biết giá trị hàng là bao nhiêu. Do đó, bị cáo này đồng ý quy kết của viện kiểm sát về việc mình đã nhận số hàng lậu trị giá hơn 7 tỷ đồng.

Khai báo về em trai, Bùi Quốc Việt nói mình bị bắt ngày 10/7/2020 tại trụ sở C03 Bộ Công an và trước đó không liên lạc với Bùi Quang Huy; không biết Huy đã đi đâu, làm gì.

Tiệm vàng chuyển nghìn tỷ

Cũng theo cáo trạng, sau khi nhận hàng lậu, Bùi Quang Huy thanh toán cho các chủ hàng bằng tiền mặt hoặc qua các tiệm vàng tại Hà Nội. Tại tòa, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính Nhật Cường khai đã trực tiếp sử dụng hệ thống ERP để duyệt thu, chi của toàn hệ thống doanh nghiệp.

Bị cáo Ngọc phụ trách việc quản lý thu tiền từ các đại lý bán hàng và chi tiền nhập hàng, mua bán, trả lương… Ngoài ra, Nguyễn Bảo Ngọc chi số tiền nhập khẩu hàng không hóa đơn trị giá hơn 2.900 tỷ đồng. Trong đó, Ngọc chi cho bị cáo Ngô Xuân Sửu, Giám đốc Công ty Thanh Sơn khoảng 200 tỷ đồng vì Sửu nằm trong đường dây cung cấp hàng lậu cho Bùi Quang Huy.

Ngoài ra, Ngọc thanh toán cho các nhà cung cấp có địa chỉ nước ngoài thông qua 2 tiệm vàng ở Hà Nội gồm qua tiệm vàng Lộc Phát (ở phố Hà Trung) số tiền hơn 1.729 tỷ đồng và qua tiệm vàng Thuận Phát (ở phố Hàng Bạc) hơn 795 tỷ đồng.

Cáo trạng của viện kiểm sát thể hiện, chủ 2 tiệm vàng trên không thừa nhận giúp Bùi Quang Huy chuyển tiền ra nước ngoài. Đồng thời, do bị can Huy đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra chưa chủ cơ sở xử lý hành vi này.

Cũng trả lời HĐXX, bị cáo Trần Ngọc Ánh, Phó Tổng Giám đốc Nhật Cường khai Bùi Quang Huy là ông chủ doanh nghiệp và có vai trò chính, chỉ đạo toàn bộ hoạt động trong vụ án đặc biệt là mảng nhập hàng lậu.

Ánh khai, ban đầu chỉ phụ trách mở cửa hàng, tập huấn cho nhân viên nhưng: “Từ tháng 7/2015, anh Huy muốn mở rộng thêm lĩnh vực về phầm mềm nên giao thêm quyền cho các bị cáo mua hàng từ nước ngoài gồm nhập khẩu có hóa đơn, hợp đồng và cả mua trực tiếp, thuê vận chuyển, không đóng thuế”.

Tuy nhiên, bị cáo Ánh cho rằng, bản thân chỉ tư vấn cho Bùi Quang Huy về giá nhập khẩu; chủng loại, số lượng hàng cần mua… Bị cáo trình bày: “Anh Huy và bị cáo không bàn bạc với nhau, Huy là ông chủ. Các bị cáo làm thuê lâu năm nên được giao nhiệm vụ cứ làm theo, không ý kiến gì…

Dưới bị cáo có một số nhân viên kinh doanh như Hoàng Văn Phong trợ giúp bị cáo tư vấn mặt hàng cần mua, họ chỉ tư vấn chứ không trực tiếp mua hàng. Tìm nguồn, thỏa thuận giá là anh Huy làm còn các bị cáo chỉ tham gia nên mua hàng nào, giá nào”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.