Để học sinh sống cùng đời sống văn hóa dân tộc

GD&TĐ - Ngày 13/5, Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình tổ chức chuyên đề sân khấu hóa văn học dân gian giúp học sinh sống cùng đời sống văn hóa dân tộc.

Tiết mục múa “Hoa thơm bướm lượn” của các em học sinh lớp 11-A15.
Tiết mục múa “Hoa thơm bướm lượn” của các em học sinh lớp 11-A15.

Thị Mầu háo hức chờ lên… sân khấu

Để có chừng mười phút với một tiết mục trên sân khấu, nói không quá, thì cô và trò mỗi lớp trong Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình đã thực sự có một tháng "ăn, ngủ, dạy, học", sống cùng các tác phẩm văn chương. Với suy nghĩ làm thế nào để chọn một nhân vật thực sự ấn tượng, đặc sắc lại phải bước ra từ tác phẩm văn học mà các em học sinh đã và đang được học trong chương trình, cô giáo Đỗ Thị Ngọc Anh, giáo viên bộ môn Ngữ Văn dạy lớp 10 - A10 đã dành nhiều tâm huyết để cùng các em học sinh tìm tòi, chọn nhân vật. Cuối cùng, cô quyết định hướng dẫn học sinh tái hiện một đoạn trích trong vở chèo "Thị Mầu lên chùa" theo đề nghị của các em.

Vốn có năng khiếu về âm nhạc, lại học tốt môn Ngữ Văn, em Trần Ngọc Trâm học sinh lớp 10-A10, được cô giáo Ngọc Anh lựa chọn vào vai Thị Mầu. Để nhập vai, đưa được Thị Mầu bước từ trong sách giáo khoa lên sân khấu, Ngọc Trâm không những phải cảm thụ, hiểu được bài giảng của cô, nhập tâm vào nhân vật Thị Mầu mà em còn tìm, xem đi, xem lại vở chèo này trên internet để hiểu hơn về cách diễn.

Đặc biệt, để nhập vai một nhân vật đã trở thành kinh điển trên sân khấu chèo có vẻ là đòi hỏi quá sức đối với một nữ sinh đầu cấp trung học phổ thông. Thế nhưng, qua thời gian tâm huyết luyện tập, trước giờ biểu diễn, Ngọc Trâm tâm sự: "Em đã sẵn sàng và đang rất nóng lòng, háo hức chờ được lên sân khấu để thể hiện tròn vai của mình, đem tác phẩm văn chương đến gần hơn với các bạn qua sân khấu hóa!".

Các em học sinh tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa văn học ý nghĩa.

Các em học sinh tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa văn học ý nghĩa.

Quả thực, chỉ gần mười phút trên sân khấu, màn tái hiện vở chèo "Thị Mầu lên chùa" của lớp 10-A10 đã khiến cả sân trường như bùng nổ. Các em học sinh reo hò, vỗ tay tán thưởng sau mỗi cái liếc mắt lúng liếng, hay điệu múa lả lơi của Thị Mầu. Và Ngọc Trâm cũng đã rất tròn vai khi không chỉ thể hiện được vai diễn mà còn cơ bản kết hợp nhuần nhuyễn giữa hát, múa, diễn trên nền nhạc sân khấu của thanh la, mõ, sáo, nhị... với những kỹ thuật cơ bản của hát chèo như đổ hột, nói lệch, cấm giá, bình thảo... để thể hiện hết những cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố... của cô Mầu lúc lên chùa.

Cái hay của đưa văn học lên sân khấu trong chuyên đề của cô và trò Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình là học sinh có thể thỏa sức sáng tạo trên các tác phẩm văn chương và nhân vật văn học có trong chương trình. Cũng chính vì vậy, cùng một sân khấu chuyên đề, có tới hai Thị Mầu có sắc thái khác nhau. Khi cả cô và trò vẫn còn chưa kịp thoát ra khỏi dư âm một Thị Mầu lúng liếng, lẳng lơ, thì có một Thị Mầu khác hồn nhiên, tinh nghịch được cách tân táo bạo trên sân khấu qua điệu nhảy dân gian đương đại sôi động, lôi cuốn của học sinh lớp 10-A13.

Từ sân chơi chuyên đề sân khấu hóa văn học mới biết, những giờ học Ngữ Văn ở Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội) đã không còn dừng ở việc giúp học sinh tiếp cận với tác phẩm mà xa hơn, sâu hơn, có lẽ các thầy cô giáo dạy học Ngữ Văn đã làm cho đời sống văn học, nhân vật trong tác phẩm văn chương thực sự ngấm, thấm và hiện diện sống động trong đời sống tinh thần của các em.

Để học sinh hòa mình vào đời sống văn hóa dân tộc

Trên sân khấu của Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình hôm nay là rực rỡ những sắc màu văn hóa dân gian. 45 tập thể lớp là những làn điệu, những câu hát, những vở diễn sinh động. Các tiết mục không chỉ thể hiện tài năng của học sinh nhà trường mà còn cho thấy đời sống văn học và đời sống văn hóa dân tộc thấm đẫm trong ngôi trường có bề dày truyền thống gần 80 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành.

Tiết mục hát dân ca quan họ Bắc Ninh trong buổi sân khấu hóa văn học dân gian của Trường THPT Nguyễn Trãi.

Tiết mục hát dân ca quan họ Bắc Ninh trong buổi sân khấu hóa văn học dân gian của Trường THPT Nguyễn Trãi.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Lan, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết: "Văn học là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa dân tộc, đã trở thành cội nguồn, là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc Việt Nam. Đưa học sinh đến với văn học, đặc biệt là văn học dân gian, không chỉ giúp các em khám phá cái hay, cái đẹp của những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, mà còn được trang bị thêm vốn hiểu biết vô cùng phong phú về nếp sống sinh hoạt, phong tục văn hóa của cha ông ta từ ngàn xưa, góp phần bảo tồn và phát triển di sản tinh thần quý báu của dân tộc.

Cũng chính vì vậy, ở Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình, sân chơi chuyên đề văn học được duy trì thường xuyên, hằng năm. Qua hoạt động này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dạy học bộ môn Ngữ Văn mà còn phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên và học sinh trong việc gìn giữ, lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc".

Với cách làm không mới, song đội ngũ giáo viên môn Ngữ Văn Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình đã biết khơi gợi và phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học sinh. Đó cũng là cách dẫn dắt để các em chủ động, nắm bắt, tiếp thu kiến thức văn học cũng như tự hòa mình vào đời sống văn hóa dân tộc một cách tự nhiên nhất.

Ban đầu, khi được triển khai kế hoạch, giáo viên các lớp sẽ thống nhất, giao cho học sinh lựa chọn, đề xuất một nội dung, nhân vật hay thậm chí liên kết nhiều tác phẩm trong chương trình Ngữ Văn. Từ đó, lựa chọn loại hình sân khấu phù hợp, như: Kịch, chèo, múa, hát văn... để viết kịch bản và tổ chức luyện tập. Gần một tháng, các em học sinh lớp 11-A15 dưới sự hướng dẫn của giáo viên đã tập luyện và thể hiện thành công tiết mục múa "Hoa thơm, bướm lượn".

Cô và trò Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình hứng khởi trong hoạt động ngoại khóa văn học.

Cô và trò Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình hứng khởi trong hoạt động ngoại khóa văn học.

Từ việc các em được giao lên ý tưởng biên đạo, lựa chọn trang phục, tập luyện... đều tạo nên hứng khởi cho các em học sinh. Sau khi hoàn thành tiết mục trong chương trình, học sinh Trương Thanh Hằng, lớp 11-A15 phấn chấn chia sẻ: "Với việc được tham gia chuyên đề sân khấu hóa văn học lần này, chúng em không chỉ được tạo nguồn cảm hứng để thêm yêu thích và tiếp tục học tốt môn Ngữ Văn mà đây còn là cơ hội để chúng em được tìm hiểu, được thực hành những nét đẹp của văn hóa dân tộc. Đây là cơ hội để chúng em được hòa mình, được sống cùng đời sống văn hóa dân tộc ngay trong nhà trường".

Chia sẻ của Thanh Hằng cùng với làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh (di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại) vang lên xuyên suốt từ đầu cho đến khi chương trình kết thúc trên sân trường là minh chứng sinh động cho thành công mà chương trình mang lại khi đạt được mục tiêu kép (dạy học Ngữ Văn và lan tỏa văn hóa dân tộc). Để rồi, khúc hát giã bạn "Nhớ đêm giã bạn" (Người về ta chẳng cho về/ Ta nắm vạt áo, ta đề câu thơ...) khép lại chuyên đề sân khấu hóa tác phẩm văn học dân gian của Tổ bộ môn Ngữ Văn, Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình như níu chân cô trò sống mãi với dòng chảy văn học và văn hóa dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.