Sống động hoá giờ học nhờ sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử

GD&TĐ - Nhằm nâng cao chất lượng môn Văn, Sử, các trường học ở TP Cần Thơ tổ chức dạy học với mô hình sân khấu hóa.

Sân khấu hóa tác phẩm văn học - lịch sử với tác phẩm “Người ở bến sông Châu” do học sinh Trường THPT An Khánh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) biểu diễn. Ảnh: Q. Ngữ
Sân khấu hóa tác phẩm văn học - lịch sử với tác phẩm “Người ở bến sông Châu” do học sinh Trường THPT An Khánh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) biểu diễn. Ảnh: Q. Ngữ

Bài học từ trang sách được thầy, trò dàn dựng, biểu diễn sống động giúp việc dạy, học hiệu quả hơn.

Những vở diễn sống động

Chương trình sân khấu hóa tác phẩm văn học - lịch sử với tác phẩm “Người ở bến sông Châu” vừa được công diễn thu hút sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, giáo viên, học sinh ở TP Cần Thơ. Đây không phải lần đầu tác phẩm từ trong sách giáo khoa được thầy, trò dàn dựng, đưa lên sân khấu, trước đó, sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử cũng được nhiều trường triển khai hiệu quả.

Để có được tác phẩm ưng ý, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ phối hợp cùng Trường THPT An Khánh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cùng phối hợp tổ chức. Sau gần 5 tháng chuẩn bị và luyện tập, thầy trò tổ chức công diễn tác phẩm “Người ở bến sông Châu” được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của tác giả Sương Nguyệt Minh (trong chương trình Ngữ văn lớp 10).

Tham gia chương trình, bên cạnh các chuyên gia am hiểu lĩnh vực văn hóa, văn nghệ còn có lãnh đạo trường THPT, giáo viên tổ Văn - Sử và học sinh các trường THPT trên địa bàn. Theo cô Phan Thị Thu An - Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Khánh, chương trình sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử nhằm tạo sân chơi bổ ích, rèn luyện đạo đức, ý thức học tập và giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng cũng như định hướng tương lai cho học sinh. Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ phối hợp và đồng hành cùng Trường THPT An Khánh xây dựng kịch bản; diễn viên biểu diễn là học sinh Trường THPT An Khánh.

“Chương trình nhằm khơi gợi trong các em tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Tác phẩm văn học - lịch sử được biểu diễn trên sân khấu mang đến cho người xem nhiều cảm xúc, khắc sâu hơn về hình ảnh của những người chiến sĩ nhân dân, những anh hùng của dân tộc, từ đó giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí, khát vọng hòa bình, độc lập”, cô Thu An chia sẻ.

Em Nguyễn Thị Mỹ Linh - học sinh Trường THPT An Khánh hào hứng cho biết: Nội dung tác phẩm nói về chiến tranh khốc liệt mấy rồi cũng sẽ qua nhưng hậu quả của nó vẫn hiện hữu. Sau mỗi cuộc chiến là nước mắt, nỗi đau.

Viết về đề tài hậu chiến, truyện “Người ở bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh từng gây được tiếng vang bởi ý nghĩa nhân văn, xã hội sâu sắc khi kể về cuộc đời của một nữ quân nhân trở về sau cuộc chiến với biết bao khó khăn của cuộc sống đời thường. Đọc trong sách giáo khoa đã hay, nay được xem biểu diễn càng thấy hay hơn. Qua đó em và các bạn cảm, hiểu hơn về tác phẩm, giúp cho việc học tốt hơn.

Chia sẻ về chương trình sân khấu hóa tác phẩm văn học - lịch sử, ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ nhận xét: “Việc phối hợp thực hiện mô hình sân khấu hóa đã mang đến nhiều lợi ích trong học tập, phát triển năng lực và phẩm chất quan trọng đối với học sinh phổ thông.

Thông qua trải nghiệm các loại hình nghệ thuật múa, hát, kịch..., các em có cơ hội phát triển năng lực tự chủ, khám phá bản thân và góp phần hình thành, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, gắn kết văn học, lịch sử với nghệ thuật, hiểu đúng, hiểu sâu và yêu thích lịch sử dân tộc Việt Nam”.

Học sinh Trường THPT FPT Cần Thơ trong buổi báo cáo dự án Lịch sử. Ảnh: Q. Ngữ.
Học sinh Trường THPT FPT Cần Thơ trong buổi báo cáo dự án Lịch sử. Ảnh: Q. Ngữ.

Kiểm tra, đánh giá không chỉ trên giấy

Tại Trường THPT FPT Cần Thơ, để nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử, những bài kiểm tra không chỉ nằm trên giấy mà còn được sân khấu hóa thông qua dự án học tập. Trong đó, hoạt động luôn thu hút học sinh tham gia là báo cáo dự án học tập để lấy điểm giữa kỳ.

Mới đây, bộ môn Lịch sử Trường THPT FPT Cần Thơ tổ chức buổi báo cáo dự án học tập mang tên “Đỉnh cao tái chế” dành cho học sinh khối 10. Lịch sử là một trong các môn học tiên phong triển khai cách tiếp cận mới khi thực hiện dự án học tập với trải nghiệm thú vị, kết nối học sinh với môn học được xem là “khô khan, nhàm chán”.

Để lấy điểm giữa kỳ cho học sinh, thầy cô đánh giá dựa trên các tiêu chí: Góc độ thẩm mỹ, đúng đề bài, sự sáng tạo hay phong cách biểu diễn và chất lượng bài thuyết trình. Ngoài ra, bộ môn Lịch sử còn trao tặng các giải thưởng khích lệ tinh thần học tập như nhóm thiết kế ấn tượng, nhóm thuyết minh hay nhất, nhóm trình diễn ấn tượng nhất.

Tham gia dự án “Đỉnh cao tái chế”, mỗi lớp chia làm hai nhóm thực hiện hai bộ trang phục đặc trưng của các nền văn hóa trong chương trình Lịch sử lớp 10 như: Ai Cập, Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã, Phục hưng, Trung Quốc (thời Tần - Hán, Đường, thời Minh, Thanh, Dân quốc), hay ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam (thời Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn…), Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar... Để thu hút khán giả, các nhóm biểu diễn trang phục trên nền nhạc cùng bài thuyết trình tác phẩm được tìm hiểu và nghiên cứu kỹ càng.

Từ các vật liệu đã qua sử dụng, học sinh thể hiện ý tưởng của bộ trang phục phù hợp với tính chất lịch sử và văn hóa của đề bài. Đây là cơ hội học sinh phát huy tư duy sáng tạo để “thổi hồn” cho các nguyên vật liệu vô tri trở thành những bộ trang phục đầy sức sống và độc đáo.

Theo chia sẻ của thầy cô, dự án học tập tạo tiền đề cho học sinh biết cách vận hành nhóm, giảm thiểu các vấn đề phát sinh như phân chia nhiệm vụ không phù hợp; lựa chọn ý tưởng sai đề bài hay bất đồng quan điểm - một trong các nguyên nhân làm giảm hiệu quả công việc… Thông qua đó, học sinh được trau dồi thêm kỹ năng mềm như quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, lãnh đạo… để triển khai dự án đúng kế hoạch.

Chia sẻ về quá trình thực hiện dự án của học sinh, cô Lê Thị Ái Minh - giáo viên Lịch sử (Trường THPT FPT Cần Thơ) nhận xét: “Giai đoạn đầu, khi phổ biến dự án đến các lớp, đa số trò hào hứng đón nhận và mong được bắt tay thực hiện ngay. Do đó khi triển khai, các lớp có sự chuẩn bị khá tốt, từ bàn kế hoạch, phân chia cụ thể nội dung cho từng thành viên. Khi làm việc nhóm đôi lúc học sinh cũng nảy sinh sự bất đồng, mâu thuẫn nhưng sau đó giải quyết được. Các em cùng tạo nên những bộ trang phục đáp ứng yêu cầu”.

Chương trình sân khấu hóa tác phẩm văn học - lịch sử tác động rất lớn đến việc nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn và Lịch sử trong các trường phổ thông của thành phố. Đội ngũ giáo viên được tiếp cận về chuyên môn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018… - Ông Trần Thanh Bình (Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ