Làn gió mới trong dạy - học Văn, Sử
Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ phối hợp cùng Trường THPT An Khánh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tổ chức chương trình sân khấu hóa tác phẩm Văn học, Lịch sử.
Sau thời gian gần 5 tháng chuẩn bị và luyện tập, thầy trò tổ chức công diễn tác phẩm “Người ở bến sông Châu” được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của tác giả Sương Nguyệt Minh; tác phẩm trong chương trình Ngữ Văn lớp 10.
Tham gia chương trình, có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy; Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật; Sở VH-TT&DL; Sở LĐ-TB&XH; lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ; lãnh đạo các Trường THPT, giáo viên tổ Văn - Sử và học sinh các trường THPT trên địa bàn.
Poster được giáo viên, học sinh thiết kế ấn tượng. |
Nội dung tác phẩm nói về chiến tranh khốc liệt mấy rồi cũng sẽ qua nhưng hậu quả của nó vẫn hiện hữu. Sau mỗi cuộc chiến là nước mắt là nỗi đau. Viết về đề tài hậu chiến, truyện Người ở bến Sông Châu của nhà văn Sương Nguyệt Minh đã từng gây được tiếng vang bởi ý nghĩa nhân văn, xã hội sâu sắc khi kể về cuộc đời của một nữ quân nhân trở về sau cuộc chiến với biết bao khó khăn của cuộc sống đời thường…
Các em HS hào hứng trước giờ công diễn. |
Chương trình sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử nhằm tạo sân chơi bổ ích, rèn luyện đạo đức, ý thức học tập và giáo dục nghề nghiệp, kĩ năng cũng như định hướng tương lai cho các em học sinh. Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ phối hợp và đồng hành cùng Trường THPT An Khánh xây dựng kịch bản, diễn viên biểu diễn là học sinh Trường THPT An Khánh.
Thông qua chương trình khơi gợi trong trái tim các em tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Tác phẩm văn học - lịch sử được biểu diễn trên sân khấu sẽ mang đến cho người xem thật nhiều cảm xúc, khắc sâu hơn về hình ảnh của những người chiến sĩ nhân dân, những anh hùng của dân tộc từ đó giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí, khát vọng hòa bình, độc lập.
Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ phát biểu tại chương trình. |
Phát biểu tại chương trình, ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: Việc phối hợp thực hiện mô hình Sân khấu hóa đã mang đến rất nhiều lợi ích trong việc học tập, phát triển các năng lực và phẩm chất quan trọng đối với các em học sinh phổ thông.
Thông qua trải nghiệm các loại hình nghệ thuật: múa, hát, kịch... giúp các em phát triển năng lực tự chủ, khám phá bản thân và góp phần hình thành, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, gắn kết Văn học, Lịch sử với nghệ thuật. Từ đó bồi đắp chân thiện mĩ, đặc biệt giúp các em hiểu đúng, hiểu sâu và yêu thích lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Tác phẩm “Người ở bến sông Châu” được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của tác giả Sương Nguyệt Minh; tác phẩm trong chương trình Ngữ Văn lớp 10. |
Phát triển phẩm chất, năng lực
Trao đổi về chương trình sân khấu hóa tác phẩm Văn học, Lịch sử, ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ nhấn mạnh: Thông qua chương trình, đội ngũ giáo viên trường phổ thông cũng được tiếp cận về chuyên môn từ đội ngũ giảng viên của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ và đã học tập được rất nhiều về chuyên môn, nghiệp vụ.
Kết quả này có tác động rất lớn đến việc nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn và môn Lịch sử trong các nhà trường phổ thông của thành phố. Đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2028.
Phân cảnh ấn tượng trong tác phẩm “Người ở bến sông Châu”. |
Ông Trần Thanh Bình cho biết thêm: Sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử là một hoạt động chuyên môn đã được Sở GD&ĐT chỉ đạo triển khai hàng năm học đối với các môn Lịch sử, Ngữ văn của các trường từ cấp THCS đến THPT trên địa bàn nhằm thực hiện đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, học trên lớp và ngoài lớp học.
Thực hiện đánh giá thường xuyên, định kỳ học sinh theo môn học nhằm phát triển các năng lực, phẩm chất. Việc phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ trong thực hiện chương trình là việc làm hết sức ý nghĩa, mang lại nhiều lợi ích cho cả hai phía, đặc biệt đối với trường trung học phổ thông.
“Sự thành công của chương trình sẽ là cơ sở quan trọng để lãnh đạo Sở có những đánh giá tiếp theo trong công tác chỉ đạo thực hiện việc nhân rộng mô hình này đến các cơ sở giáo dục toàn thành phố trong thời gian tới. Nhằm khuyến khích việc tạo ra một môi trường nghệ thuật sôi động và đa dạng cho các em học sinh; khuyến khích sự sáng tạo và sự tự tin cũng như tạo ra cơ hội học hỏi và giao lưu giữa các nhà trường và cộng đồng xã hội…”, ông Trần Thanh Bình cho biết.