Để Hà Nội sớm trở thành Đô thị thông minh

Xây dựng Đô thị thông minh hay Thành phố thông minh đã trở thành xu hướng phát triển của các nước trên thế giới. Hà Nội cũng đang trong quá trình thực hiện Đô thị thông minh, nhưng kết quả đạt được vẫn ở bước đầu so với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô.

Một góc thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Linh
Một góc thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Linh

Xây dựng Đô thị thông minh: Yêu cầu cấp thiết

Tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều người di cư về thành phố để sinh sống, quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường,... là những thách thức lớn mà Hà Nội đang phải đối mặt. Do đó, nhu cầu xây dựng một Thành phố thông minh bền vững đảm bảo các yếu tố bền vững là một yêu cầu cấp thiết.

Ở Việt Nam, hiện tại có một số địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển Đô thị thông minh nhưng chủ yếu là mang tính chất tự phát theo xu hướng chung của thời đại. Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo ban đầu về định hướng phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam phải phù hợp với xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, tránh theo phong trào, lãng phí.

Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp nghiên cứu để có những hướng dẫn thống nhất cho các địa phương trong lĩnh vực này.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung dự và chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược xây dựng Chính quyền điện tử, thành phố thông minh giữa UBND TP. Hà Nội và Tập đoàn Công nghệ DELL (Mỹ). Ảnh: Phạm Linh
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung dự và chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược xây dựng Chính quyền điện tử, thành phố thông minh giữa UBND TP. Hà Nội và Tập đoàn Công nghệ DELL (Mỹ). Ảnh: Phạm Linh

Thực hiện “Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”, năm 2018, UBND TP. Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các Sở, ngành triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch cụ thể; phối hợp Tập đoàn Công nghệ Dell hoàn thiện “Khung Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố Hà Nội” (theo “Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam - phiên bản 1.0”).

Hà Nội đã tham gia mạng lưới Thành phố thông minh ASEAN; “Dự án các Thành phố Thế giới” (World Cities) của Liên minh châu Âu (EU) để xây dựng và phát triển Thành phố thông minh. Tiếp tục tham gia với vai trò là thành viên Tổ chức Chính quyền điện tử thế giới dành cho các thành phố và chính quyền địa phương (WeGO). Tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ, Pháp, Áo, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Singapore,... về xây dựng Chính phủ điện tử và Thành phố thông minh.

Đặc biệt, Hà Nội đã tích cực phối hợp Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội chuyên đề “Xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0; Phối hợp Hiệp hội Điện toán Châu Á - Châu Đại dương (ASOCIO) và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO - Hà Nội 2018 với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị ASOCIO 2018. Ảnh: Phạm Linh
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị ASOCIO 2018. Ảnh: Phạm Linh

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: theo Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 01/8/2018, đến năm 2020 tại Việt Nam, ít nhất 03 đô thị được phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng và phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh.

Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như: Công nghệ điện toán đám mây, Dữ liệu lớn (Big data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IOT)…

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ: Hà Nội dự kiến xây dựng Thành phố thông minh gồm 03 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2020) hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của Thành phố thông minh; Giai đoạn 2 (từ năm 2021 đến 2025) hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia quản lý xã hội và hình thành nền kinh tế số; Giai đoạn 3 (từ sau năm 2025) sẽ phát triển Thành phố thông minh ở mức độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức.

Thí điểm ứng dụng thông minh trên nhiều lĩnh vực

Hiện tại, Hà Nội đã triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực Giao thông vận tải và Nông nghiệp như: tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động - IPARKING; thí điểm lắp đặt thiết bị hệ thống vé điện tử thông minh trên tuyến BRT; thí điểm xử lý vi phạm thông qua hệ thống giám sát bằng camera ở bến xe Giáp Bát (xử phạt nguội); triển khai thí điểm hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc bằng các thiết bị di động thông minh, đảm bảo an toàn đối với sản phẩm trái cây tại các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thành phố cũng đang triển khai các thủ tục thực hiện hoàn thiện kế hoạch thuê dịch vụ CNTT đối với Trung tâm Điều hành thông minh TP. Hà Nội, hệ thống giao thông thông minh và du lịch thông minh theo quy định. Xây dựng chiến lược, lộ trình xây dựng Thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và “Kiến trúc ICT Thành phố thông minh của thành phố Hà Nội”. 

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đến hết tháng 11/2018, Sở GTVT đã cấp 133 giấy phép, tương đương 154 mã điểm Iparking, diện tích S=36.424 m2. Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục hướng dẫn các đơn vị trông giữ xe để triển khai ứng dụng Iparking tại các điểm trông giữ phương tiện. Ảnh: Phạm Linh

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đến hết tháng 11/2018, Sở GTVT đã cấp 133 giấy phép, tương đương 154 mã điểm Iparking, diện tích S=36.424 m2. Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục hướng dẫn các đơn vị trông giữ xe để triển khai ứng dụng Iparking tại các điểm trông giữ phương tiện.

Ảnh: Phạm Linh

Các hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước tiếp tục duy trì, mở rộng. Hà Nội đã hoàn thành kết nối mạng diện rộng đến 584/584 xã, phường, thị trấn, đồng thời đảm bảo cơ sở hạ tầng CNTT đến cấp xã để triển khai các ứng dụng dùng chung của Thành phố. Công tác an toàn thông tin, đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng quan tâm. Ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động điều hành nội bộ tiếp tục được duy trì, mở rộng.

Thành phố đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư và khai thác hiệu quả phục vụ triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác quản lý điều hành của Thành phố.

Các hệ thống thông tin, ứng dụng chuyên ngành trong các lĩnh vực: Đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Bảo hiểm xã hội, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp, Công thương, Giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo,... đã được triển khai hiệu quả. Đã triển khai Cổng dịch vụ công cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.

Thí điểm triển khai hệ thống biên lai điện tử trong cung cấp các dịch vụ hành chính công. Định hướng, hình thành các yêu cầu xây dựng một số thành phần cơ bản của Thành phố thông minh như: Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội, hệ thống giao thông thông minh và du lịch thông minh.

Xây dựng Đô thị thông minh: Kiên trì và phối hợp đồng bộ

Từ nay đến năm 2020, để xây dựng Thành phố thông minh, Hà Nội sẽ nghiên cứu ban hành chiến lược, lộ trình xây dựng Thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và “Kiến trúc ICT Thành phố thông minh của thành phố Hà Nội”. Hình thành Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội với 08 Trung tâm chức năng gồm:

Trung tâm Giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm Hỗ trợ cho cán bộ sử dụng CNTT của Thành phố; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông; Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng; Trung tâm Phân tích dữ liệu; Trung tâm Hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân; Trung tâm Quản lý các hoạt động dịch vụ hành chính công; Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, y tế..

Hà Nội cũng sẽ hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số thành phần cơ bản của hệ thống Giao thông thông minh và Du lịch thông minh; nghiên cứu, triển khai một số thành phần cơ bản của Hệ thống Y tế thông minh, Hệ thống Giáo dục và Đào tạo thông minh, Hệ thống quản lý điện năng thông minh, Hệ thống quản lý môi trường thông minh và nông nghiệp thông minh,...

Như vậy, xây dựng thành phố Hà Nội trở thành Đô thị thông minh là quá trình lâu dài, kiên trì, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa người dân, doanh nghiệp, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội. Để TP. Hà Nội sớm trở thành Đô thị thông minh thì các dịch vụ công phụ vụ người dân phải được chú trọng, làm sao đảm bảo tốt mối quan hệ giữa người dân và chính quyền Thành phố.

Để xây dựng TP. Hà Nội trở thành Đô thị thông minh, đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong quản lý đô thị nằm thúc đẩy sự “tương tác” giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền, hướng tới xây dựng TP. Hà Nội có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, lấy người dân làm trung tâm.

Theo Liên minh viễn thông thế giới (ITU): “Đô thị bền vững thông minh là một đô thị sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả của hoạt động và dịch vụ đô thị, và tính cạnh tranh, đồng thời đảm bảo rằng nó đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường”.

Theo dự luận của Hoa Kỳ “Luật về Đô thị và Cộng đồng thông minh”: Đô thị thông minh hoặc cộng đồng thông minh là một cộng đồng ở đó được ứng dụng các công nghệ thông tin, truyền thông đổi mới sáng tạo, tiên tiến và đáng tin cậy; các công nghệ năng lượng và các cơ chế liên quan khác để:

  • Cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân;
  • Tăng hiệu lực và hiệu quả chi phí vận hành và cung cấp các dịch vụ dân sự;
  • Thúc đẩy phát triển kinh tế;

Tạo ra một cộng đồng ở đó người dân cảm thấy tốt hơn về các mặt an toàn, an ninh, bền vững, có sức chống chịu, đáng sống và đáng làm việc”.

Theo thanglong.chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ