(GD&TĐ) - Chăm lo giáo dục toàn diện cho học sinh luôn là nhiệm vụ quan trọng của ngành GD. Trong đó, công tác giáo dục thể chất (GDTC) trong nhà trường luôn được quan tâm, đầu tư và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với kỳ vọng, công tác này vẫn còn những tồn tại, bất cập, cần có những giải pháp đồng bộ để môn học này không bị xem là “ác mộng” với nhiều học sinh (HS).
Theo TS Lê Mạnh Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ công tác HS, SV (Bộ GD&ĐT), từ nhiều năm qua, hình thức tổ chức các hoạt động GDTC trong các trường học ngày càng đa dạng, phong phú. Đặc biệt, việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã tạo cơ hội đưa các trò chơi dân gian, trò chơi vận động, trò chơi truyền thống và các môn thể thao truyền thống vào trường học, thu hút sự hưởng ứng của đông đảo HS, cán bộ, GV, phụ huynh. Đến hết năm học 2011 - 2012, tất cả các trường học trong cả nước đã tiến hành dạy và học môn Thể dục theo chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành từ lớp 1 đến lớp 12 và có hơn 90% số trường học thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất chính khoá có nền nếp theo quy định. Việc GDTC được thực hiện theo hướng trang bị những kiến thức về kỹ năng vận động cơ bản, giáo dục các tố chất thể lực, góp phần quan trọng vào việc giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, hình thành nhân cách cho HS.
Do thiếu sân bãi, không ít trường ở các thành phố lớn đã tận dụng vỉa hè trước cổng trường làm sân tập thể dục |
Tuy nhiên, theo nhận định chung, GDTC trong trường học thời gian qua còn một số hạn chế. Hiện, cả nước mới chỉ có khoảng 25% số trường tiểu học có giáo viên thể dục thể thao chuyên trách, chủ yếu là ở các trường điểm và các đô thị, còn lại do GV chủ nhiệm kiêm nhiệm dạy môn Thể dục. Ngoài ra, hệ thống chế độ, chính sách đối với GV thể dục thể thao còn nhiều bất cập; nội dung kỹ thuật nhiều môn thể thao trong chương trình còn mang nặng nề, cầu toàn, có nhiều kỹ thuật quá khó không phù hợp với đặc điểm sức khỏe, lứa tuổi HS. Nhiều nơi, giờ học thể dục còn mang tính hình thức, HS tham gia với tâm thế bắt buộc, gượng ép. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ GDTC trong trường học (nhà tập, sân tập, sân chơi, bể bơi, dụng cụ tập luyện…) vẫn còn thiếu và yếu, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, miền núi…
ông Hùng cho rằng, cần tăng cường các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác GDTC ở các bậc học. Đặc biệt, cần quan tâm đến HS nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi. Giáo dục cho HS những kiến thức, kỹ năng thực hành, kỹ năng sống để thay đổi thói quen tập luyện thể dục thể thao, hình thành được những thói quen và hành vi sống khoẻ, sống tích cực, lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội… là yêu cầu cơ bản. Đầu tư phát triển GDTC và thể thao trường học là nhu cầu bức thiết, đòi hỏi trách nhiệm, sự quan tâm và phối hợp đồng bộ của mọi tầng lớp trong xã hội, vì tương lai của thế hệ trẻ.
Nam Khánh