Đây là một thành phần của ứng dụng dịch vụ đô thị thông minh (Hue-S) và là công cụ để người dân phản ánh mọi vấn đề bất cập của đời sống, từ lũ lụt, tắc đường, tai nạn giao thông… đến đỗ xe không đúng quy định cho đến nhà hàng, quán ăn “ầm ĩ” lúc đêm khuya…
“Từ năm 2021 đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 50 nghìn phản ánh của người dân qua ứng dụng này”, ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết.
“Bí quyết” giành được sự tin tưởng của người dân, theo ông Dương Anh, là nhờ vào việc mọi thông tin, dữ liệu về người phản ánh được bảo mật tuyệt đối theo quy chế vận hành, khai thác dữ liệu cá nhân tỉnh đã ban hành.
Ví dụ này cho thấy, tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên các nền tảng tương tác giữa chính quyền với người dân (như cổng dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử và các ứng dụng tương tác).
Tuy vậy, nhận thức và sự quan tâm của chính quyền địa phương về bảo vệ dữ liệu cá nhân trên các nền tảng tương tác với người dân vẫn ở mức rất hạn chế.
Khảo sát mới đây của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho thấy, có 59/63 cổng thông tin điện tử và 60/63 cổng dịch vụ công trực tuyến chưa công bố chính sách về quyền riêng tư.
Chính sách về quyền riêng tư này là một dạng thỏa thuận điện tử thiết lập trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trước chủ thể dữ liệu là người dân. Đây cũng là căn cứ để người dân bảo vệ các quyền đối với dữ liệu của họ khi có sự cố hay tranh chấp xảy ra.
Bên cạnh đó, phần lớn địa phương chưa thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ví dụ, pháp luật quy định các tỉnh phải công khai thông tin về đầu mối liên hệ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tuy nhiên, chỉ có 17/50 ứng dụng thông minh hỗ trợ tương tác chính quyền và người dân, 1/63 cổng dịch vụ công trực tuyến và 3/63 cổng thông tin điện tử cấp tỉnh công bố thông tin này.
Đặc biệt, có tình trạng các địa phương hiểu sai và phân định sai trách nhiệm pháp lý của các chủ thể quản lý dữ liệu. Cụ thể, trách nhiệm pháp lý đối với dữ liệu cá nhân bị lẫn lộn giữa cơ quan chủ quản (UBND tỉnh, thành phố) với cơ quan/đơn vị vận hành (Sở Thông tin và Truyền thông) và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xây dựng nền tảng.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trên các nền tảng tương tác với người dân của chính quyền cần được quan tâm.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, để tạo dựng niềm tin của người dân về việc tham gia dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng tương tác với chính quyền thì thực hành tốt việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân là một trong những yếu tố then chốt.