Đề chuyên Văn Hà Nội hay, có sức phân loại cao

GD&TĐ - Ngày 14/6, các thí sinh thi vào lớp 10 trường THPT chuyên tại Hà Nội đã hoàn thành bài thi Ngữ văn chuyên với thời gian làm bài 150 phút, gồm 2 câu hỏi, cũng là hai phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 chuyên Hà Nội
Thí sinh dự thi vào lớp 10 chuyên Hà Nội

Ngày 14/6, các thí sinh thi vào lớp 10 trường THPT chuyên tại Hà Nội đã hoàn thành bài thi Ngữ văn chuyên với thời gian làm bài 150 phút, gồm 2 câu hỏi, cũng là hai phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội.

Khi tiếp cận đề thi Ngữ văn chuyên, TS Trịnh Thu Tuyết- nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) có cảm giác hài lòng vì cả hai câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều đặt ra được những vấn đề hữu ích, thiết thực với cả cuộc sống và văn chương.

Câu 1 (3,5 điểm) yêu cầu viết bài văn nghị luận xã hội về “điều chưa hoàn hảo mà em yêu thương”. Theo cô Trịnh Thu Tuyết,  câu hỏi khá minh triết từ nhan đề cuốn sách, phần trích dẫn cho đến câu lệnh đều giúp học sinh nhanh chóng xác định đúng vấn đề cần bàn luận, đó là “Yêu thương chính những điều không hoàn hảo”!

Đây vốn không phải vấn đề mới mẻ, nhưng trong thời đại của thông tin, của những sự cố khủng hoảng truyền thông, của sự cạnh tranh và đánh giá nghiệt ngã… thì việc để học sinh bàn luận và thấu hiểu cả thế gian cũng như mỗi con người đều “có những điều không hoàn hảo” chính là cách giúp các em bình tâm, mạnh mẽ, nhân hậu hơn trước cuộc sống muôn mầu sắc.

“Đề bài cũng có khả năng gợi mở cho học sinh những nghịch lí, những bí ẩn kì diệu trong tâm hồn con người khi chúng ta, thậm chí có thể yêu thương chính những vênh lệch, hao hụt, khuyết thiếu mà hờ hững với những sự được coi là hoàn hảo, toàn vẹn…!” - cô Trịnh Thu Tuyết nói.

Đề thi môn Ngữ văn
Đề thi môn Ngữ văn

Cũng với câu hỏi nghị luận xã hội, cô Đỗ Khánh Phượng - giáo viên Ngữ văn, Hệ thống giáo dục Hocmai, nhận định: Đây là vấn đề khá hấp dẫn, bởi lâu nay người ta thường quan niệm, để yêu thương phải gắn với cái tốt, cái đẹp, sự hấp dẫn, sự hoàn hảo.

Tuy nhiên nếu không hoàn hảo, đôi khi sẽ thiếu hụt yêu thương. Trong cuộc sống, ai cũng có những khiếm khuyết ở cả hai phương diện ngoại hình và tính cách. Sự không trọn vẹn, hoàn hảo tồn tại ở mọi lĩnh vực.

Không chỉ vậy, với câu nghị luận xã hội trong đề Văn này học sinh có cơ hội được bộc lộ suy nghĩ về mình và mọi người, giúp các em có cái nhìn khách quan, tích cực về những điều không trọn vẹn đó, trân trọng những điều đó. Từ đó, các em biết yêu quý bản thân và những người xung quanh, nỗ lực hoàn thiện chính mình trong cuộc sống, biết bao dung, mở lòng khi thấy được những điều chưa trọn vẹn ở mọi người. Vấn đề nêu ra trong câu nghị luận xã hội khá hay, gần gũi, đi vào vấn đề lắng đọng với mỗi chúng ta.

Câu 2 (6,5 điểm), trong đề Ngữ văn chuyên yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận văn học với một vấn đề đã rất quen thuộc trong văn chương: Mới chưa chắc đã hay, hay phải mới. Cái mới dễ nhận biết, cái hay nằm ở tầm tư tưởng, tác động đến người đọc, lại phải phụ thuộc vào đối tượng tiếp nhận văn học.

Đối tượng trình bày là học sinh lớp 9 (14, 15 tuổi) nên bằng trải nghiệm văn học, học sinh lớp 9 khó nhận ra cái hay (trừu tượng). Trong sáng tạo nghệ thuật, chắc chắn mới là yêu cầu đầu tiên khẳng định tài năng của người nghệ sĩ. Tuy nhiên không thể tránh khỏi những cuộc “gặp gỡ” với một tác phẩm trước đó. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần phát hiện những xử lí tinh tế của nhà văn để tạo nên cái độc đáo, mới mẻ (có thể cả trên nên cái cũ).

"Đây là một đề thi hay, có sức phân loại cao, kiểm tra khá toàn diện các đơn vị kiến thức, kĩ năng của thí sinh. Đề có khả năng khơi gợi sự hứng thú của học sinh, tuy nhiên câu nghị luận văn học vẫn còn hạn chế sức viết của học sinh khi giới hạn các tác phẩn sáng tác sau 1975” - cô Phượng nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.