Theo đó, Kỳ thi được tổ chức để tuyển sinh lớp 10 đối với 2 trường THPT là chuyên Nguyễn Du và Dân tộc nội trú (DTNT) N’ Trang Lơng. Tổng cộng có 1.839 học sinh THCS đăng ký dự thi, trong đó, đăng ký vào chuyên Nguyễn Du có 1.220 em, vào DTNT N’ Trang Lơng có 619 em.
56 trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp THPT trên địa bàn tỉnh còn lại, đều tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển hồ sơ THCS.
Ghi nhận của phóng viên sau khi kết thúc làm bài môn Ngữ văn, hầu hết thí sinh đều phấn khởi và tự tin vì các điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm; đề thi phù hợp với khả năng và gần gũi với việc học, ôn tập của các em.
Em Nguyễn Nữ Ngọc Hân, học sinh trường THCS Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột (thi vào chuyên Văn, trường THPT chuyên Nguyễn Du) phấn khởi khoe: “Đề thi khá nhẹ nhàng, phù hợp với việc học và ôn tập của chúng em. Phần ngữ liệu ở câu 1 với hình ảnh cây tre tượng trưng cho vẻ đẹp, khí phách con người Việt Nam rất gần gũi, thân quen với chúng em. Em tự tin mình có thể đạt từ 8,5 điểm trở lên. Ở môn chuyên, chắc chắn em phải nỗ lực hơn”.
Còn thí sinh Nguyễn Lê Bảo Long, học sinh trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, TP. Buôn Ma Thuột thì tự tin, “Em thi chuyên Anh, nhưng với đề của môn Ngữ văn khá phù hợp này, em sẽ đạt trên 7 điểm. Vừa rồi do nghỉ học ở trường để phòng, chống dịch Covid-19, em chủ yếu tự đọc sách, nghiên cứu các bài tập và tranh thủ hỏi thầy cô khi cần thiết thôi. Về môn chuyên, em khá tự tin mình sẽ đạt điểm trên 8”.
“Đề thi năm nay khá phù hợp so với đề các năm trước mà em đã tham khảo. Trong đề có dẫn đầy đủ ngữ liệu, giúp học sinh tập trung trong việc triển khai các các ý được mạch lạc hơn”- em H’ Nguôn Niê, học sinh trường THCS 19/8 (huyện Cư Kuin) dự thi vào trường DTNT N’ Trang Lơng chia sẻ.
Trao đổi với PV Báo GD&TĐ về về đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, cô Nguyễn Ngọc Thúy, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, đề thi gần gũi, vừa sức học sinh. Đặc biệt, cấu trúc đề thi được xây dựng có chủ đề về gia đình, quê hương, con người Việt Nam. Qua đó, vừa hướng học sinh đến tình cảm nhân văn, lối sống tình cảm, trách nhiệm, vừa tạo cơ hội cho các em thể hiện tư duy.
“Nhìn chung, đề khá nhẹ nhàng, nhưng trong mỗi câu hỏi đều có tính phân loại, chú trọng đến kỹ năng và kiến thức của học sinh. Điều này sẽ giúp thí sinh hứng thú, có cảm xúc khi làm bài. Ở câu 1 ý 3, ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (học ở cấp 1) có nội dung về phẩm chất con người Việt Nam.
Bên cạnh việc kiểm tra kiến thức của học sinh, đề thi còn làm nổi bật cảm xúc, niềm tự hào của mỗi học sinh khi làm bài. Câu nghị luận xã hội với cách ra đề không lạ nhưng không có nghĩa không có độ phân hóa. Học sinh phải hiểu, có vốn sống, dẫn chứng tiêu biểu…
Riêng với phần nghị luận văn học, đây là một đoạn trích tiêu biểu của truyện hiện đại Việt Nam. Tuy nhiên, để có điểm cao đòi hỏi năng lực phân tích, cảm thụ …”- cô Ngọc Thúy đánh giá.
Cũng theo cô Ngọc Thuý dự báo, ở đề thi chuyên Văn (vào chiều 9/6), độ phân hóa sẽ cao hơn, sẽ có phần lí luận Văn học, đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng sáng tạo kiến thức được học với vốn sống thực tế trong giải quyết vấn đề.
Theo lịch, buổi sáng 8/6 thi môn Ngữ văn; chiều 8/6 thi môn Anh văn; sáng 9/6 thi Toán và chiều 9/6 thi môn chuyên (đối với thí sinh đăng ký thi vào trường THPT chuyên Nguyễn Du).