Ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban chỉ đạo thi cụm thi Đà Nẵng trao đổi với Báo GD&TĐ về công tác chuẩn bị cũng như những giải pháp nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Thành viên Ban chỉ đạo thi: Không chỉ đứng tên cho có
- Năm nay, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi. Đà Nẵng đã cụ thể hóa điều này như thế nào?
- Thực ra, mọi công tác chuẩn bị của Đà Nẵng không khác gì so với những năm trước. Từ trước đến nay, chúng tôi luôn xác định làm hết trách nhiệm của mình để có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, cho dù địa phương đảm nhiệm vai trò chủ trì hay phối hợp. Như trước đây, khi Kỳ thi tuyển sinh ĐH theo hình thức 3 chung, dù trách nhiệm tổ chức thi thuộc về trường ĐH nhưng các sở, ban, ngành cũng như tổ chức chính trị, xã hội ở Đà Nẵng vẫn cùng phối hợp, sẻ chia với tinh thần trách nhiệm cao.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có nhiều điểm mới, chính vì vậy, Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT cụm thi Sở GD&ĐT Đà Nẵng chủ trương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong giáo viên, học sinh và phụ huynh, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, chủ động trong công tác xử lý tình huống. Mọi công tác chuẩn bị, phối hợp của các sở, ban, ngành đều phải nhịp nhàng, chu đáo, không để một sai sót nào diễn ra trong kỳ thi và phải tạo mọi điều kiện để thí sinh thoải mái bước vào phòng thi, từ giao thông, điện, nước… và nhất là khâu ôn tập trước kỳ thi.
Đà Nẵng dự kiến có 24 địa điểm thi với 465 phòng thi. Đến nay, chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo thi, thành lập các ban của Hội đồng thi, hoàn tất khâu chuẩn bị nhân sự tham gia công tác thi… Trong đó, các thành viên trong Ban chỉ đạo thi đều phải có kế hoạch cụ thể chứ không chỉ đứng tên cho có. Khâu bảo mật đề thi, bài thi tại nơi in sao đề thi, điểm thi, nơi chấm thi được tăng cường. Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo Hội đồng thi, điểm thi trong công tác bảo vệ đề thi, bài thi rất được chú trọng.
Riêng lực lượng công an ngoài bảo đảm tuyệt đối an ninh trật tự trong và ngoài phòng thi; trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng ở các nút giao thông còn lưu ý các điểm photocopy để tránh việc thí sinh chuẩn bị tài liệu đưa vào phòng thi. UBND thành phố sẽ tiếp tục cấm xe ben lưu thông trên một số tuyến đường vào các giờ cao điểm trong những ngày diễn ra thi.
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được xem là năm đầu tiên thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và học tập cấp THPT của thí sinh. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Tôi cho rằng đối sánh, phân tích kết quả thi và học tập cấp THPT là cần thiết. Qua phân tích hồ sơ đăng ký dự thi cho thấy một số lượng lớn HS dùng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh ĐH. Kết quả của các kỳ thi THPT đều tác động trở lại đối với việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong trường phổ thông.
Để nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, các trường THPT ở Đà Nẵng đã ráo riết tổ chức ôn tập cho học sinh phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đặc biệt, với học sinh có học lực trung bình, yếu, cần hướng đến việc nắm kiến thức cơ bản về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình; tăng cường rèn luyện cho học sinh các kỹ năng cần thiết để phân tích đề và giải quyết tốt yêu cầu của đề thi.
Quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cũng được phổ biến đến học sinh và cha mẹ HS để tránh những lúng túng, bỡ ngỡ không đáng có. Thời điểm HS đi học trở lại sau dịch Covid – 19, các trường đã có hỗ trợ kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần cho HS hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Phải tuân thủ và không được sáng tạo quy chế thi
- Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm về nâng cao trách nhiệm của địa phương trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT?
- Trước hết, phải xác định tổ chức thi tốt nghiệp THPT không chỉ là trách nhiệm của Sở GD&ĐT. Các sở, ban, ngành liên quan cần xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị mình trên cơ sở kế hoạch chung của Ban chỉ đạo. Trong đó, Sở GD&ĐT cần phải đi trước một bước trong kiểm tra, hoàn thiện cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ thi, lưu ý các thiết bị không nằm trong quy định.
Ví dụ: Trong thời gian diễn ra thi, hệ thống camera tại phòng học, hành lang của các nhà trường đặt điểm thi phải tắt. Đặc biệt, giám thị lưu ý nhắc nhở việc thí sinh không được mang điện thoại di động vào phòng thi, hạn chế trường hợp bị đình chỉ thi chỉ vì thiết bị này.
Để có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, những người tham gia quá trình tổ chức kỳ thi phải nắm vững quy chế, nghiệp vụ. Đà Nẵng chú trọng công tác tập huấn, thanh tra, kiểm tra mọi khâu liên quan đến công tác thi. Trong đó, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu hội đồng thi, điểm thi. Trong tập huấn nghiệp vụ thi, các cán bộ, GV làm công tác thi đều được nhắc đi nhắc lại phải tuân thủ và không được sáng tạo quy chế thi, không được đơn phương xử lý vấn đề.
Đà Nẵng là một trong địa phương được Bộ GD&ĐT đánh giá cao về công tác xây dựng kế hoạch, triển khai bảo vệ, bảo đảm cho các Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Các kinh nghiệm phối hợp bảo vệ kỳ thi đều được đại diện các phòng, ban nghiệp vụ Sở GD&ĐT và Công an TP, công an các quận, huyện hết sức lưu ý và được nhắc đi nhắc lại trong mỗi kỳ tuyển sinh dù có thể đó là quy định không mới như cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo vệ kỳ thi không được dùng điện thoại di động. Hay như khi cán bộ coi thi lập biên bản xử lý đối với thí sinh vi phạm quy chế thi phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cho cả cán bộ coi thi và thí sinh vi phạm… Riêng lực lượng công an bảo vệ kỳ thi không được cử công an nghĩa vụ tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ.
- Xin cảm ơn ông!