Vượt qua rào cản tâm lý
Không phải vô cớ mà một tâm lý chung ở không ít trường đại học là thiếu nhiệt thành trong yêu cầu “3 công khai” được Bộ GD&ĐT quy định trước đây và mới đây nhất là Quy chế ban hành theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Một trong những yêu cầu là công khai thông tin về quy mô đào tạo hiện tại và công khai thông tin về sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường;
Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, với những yêu cầu về cơ sở vật chất, diện tích đất, tổng diện tích sàn xây dựng, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, phòng học, thư viện; Công khai đội ngũ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý và nhân viên với hạng chức danh nghề nghiệp, danh sách chi tiết giảng viên cơ hữu theo khối ngành, tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi theo từng khối ngành. Số lượng giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý và nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng; hình thức, nội dung, trình độ và thời gian đào tạo và bồi dưỡng trong năm học và 2 năm tiếp theo.
Không biết đã có thống kê nào trong số hơn 200 trường đại học đã công khai theo yêu cầu trên và có bao nhiêu trường đảm bảo có đủ thông tin đúng theo Quy chế ban hành theo Thông tư 36, chắc có lẽ rất ít. Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh và các nhà giáo dục, đây là khoảng trống cần được công khai trong giáo dục đại học.
Tuy nhiên, để lấp khoảng trống này là rất khó vì thực tế theo tâm lý thông thường, người ta thường giấu đi chỗ yếu của mình, mà thực tế hiện hữu là trong số hơn 200 trường đại học đang hoạt động cũng có khá nhiều trường nếu thông tin công khai theo yêu cầu được đưa ra thì việc khó khăn trong nguồn tuyển sẽ lại càng thêm khó khăn hơn nữa. Đây chính là lý do nhiều nhà giáo dục và người dân cho rằng Luật Giáo dục đại học sửa đổi ban hành rất cần đưa yêu cầu trách nhiệm giải trình vào và coi đây là trách nhiệm luật định bắt buộc các nhà trường thực hiện nhằm bảo đảm quyền lợi của người học và xã hội.
Sinh viên trên giảng đường |
Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi đang được hoàn thiện đưa ra trình Quốc hội đã lắng nghe ý kiến rộng rãi trong giới khoa học, quản lý giáo dục và xã hội và đã có những bổ sung sửa đổi phù hợp, đặc biệt trong đó là trách nhiệm giải trình. Có một thực tế là không phải các trường và các nhà quản lý những trường đó chưa hiểu là tự chủ cũng phải đi liền với trách nhiệm giải trình với người học và xã hội.
Giải trình phải là luật định
Trong các cơ sở đào tạo đang thực hiện quyền từ chủ toàn diện, thực tế cho thấy lợi thế trong việc thực hiện tự chủ sẽ giúp các trường chủ động hơn trong các hoạt động. Tuy nhiên, trách nhiệm giải trình chưa được đề cao. Đây là các cơ sở được giao tự chủ toàn diện chứ đừng nói đến là hơn 200 trường đại học, nếu Luật Giáo dục đại học sửa đổi được Quốc hội thông qua, trong đó có nội dung quy phạm pháp luật về trách nhiệm giải trình thì cũng đồng nghĩa với việc các trường này sẽ phải thực hiện theo tinh thần luật định. Nhiều ý kiến cho rằng việc này rất cần thiết vì khi trao quyền tự chủ cho các trường mà không đặt yêu cầu về tự chịu trách nhiệm sẽ có nguy cơ dẫn đến tình trạng chạy theo lợi ích trước mắt, ảnh hưởng chất lượng đào tạo.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội: Trách nhiệm giải trình trong dự thảo Luật Giáo dục đại học rất đủ và đúng. Dự Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định các cơ sở GDĐH phải “có trách nhiệm giải trình” đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên liên quan.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội: Trách nhiệm giải trình trong dự thảo Luật Giáo dục đại học rất đủ và đúng. Dự Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định các cơ sở GDĐH phải “có trách nhiệm giải trình” đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên liên quan.
Chúng ta cần phải hiểu rằng, trách nhiệm giải trình là việc nên làm của các nhà trường vì thực tế có thực hiện trách nhiệm giải trình thì các trường mới có ý thức tốt trong việc thực hiện các quy định, các cam kết về đảm bảo chất lượng GDĐH. Bên cạnh đó, việc thực hiện trách nhiệm giải trình cũng là thúc đẩy trách nhiệm của các trường trong việc thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo công khai chỉ số kết quả hoạt động hàng năm của trường, để người học, xã hội cùng có những đánh giá khách quan và chính xác.
Rõ ràng, việc luật hóa quan điểm lâu nay của Bộ GD&ĐT trong việc buộc các nhà trường thực hiện công khai về các điều kiện đảm bảo chất lượng là hết sức cần thiết. Tới đây, khi Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua với nhiều nội dung quan trọng được bổ sung, trong đó có nội dụng yêu cầu các trường bên cạnh quyền thực hiện tự chủ theo luật định thì cũng phải có trách nhiệm giải trình.
Cụ thể là công khai chất lượng GDĐH trên trang thông tin điện tử của trường; công bố công khai mức thu học phí, mức thu thu phí dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác cho từng năm học và cho cả khoá học cùng với thông báo tuyển sinh... cùng những yêu cầu đảm bảo chất lượng khác. Người học, xã hội đang hết sức hồ hởi vì với yêu cầu công khai và trách nhiệm giải trình theo luật định đối với các nhà trường, chắc chắn GDĐH sẽ có những đổi thay tích cực hơn, bản thân mỗi nhà trường sẽ tự lớn hơn, trưởng thành hơn với chính mình khi được cân đong đo đếm và giám sát bằng những thước đo giá trị thật.