Đề cao liêm chính học thuật

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT (Quy chế 18).

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Quy chế lần này có nhiều điểm mới nhằm tăng cường liêm chính học thuật, học thật, nghiên cứu thật và nhấn mạnh vai trò tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).

Lâu nay, câu chuyện về đào tạo tiến sĩ luôn được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi đây là bậc đào tạo cao nhất trong GDĐH và trong hệ thống giáo dục quốc dân, là đào tạo tinh hoa, đào tạo những nhà khoa học và nghiên cứu. Tuy nhiên, thời gian qua quy mô đào tạo tiến sĩ của các cơ sở GDĐH giảm mạnh. Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến thực trạng này, trong đó có yếu tố cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đào tạo nước ngoài.

Còn nhớ, năm 2017, Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT (Quy chế 08). Quy chế này có nhiều đột phá nhưng sau 4 năm thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, không phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật này. Do đó, rất cần bổ sung, chỉnh sửa để phù hợp với thực tiễn, nhất là khi các cơ sở GDĐH được mở rộng quyền tự chủ trong chuyên môn, học thuật và tuyển sinh, đào tạo.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT khi xây dựng Quy chế 18 là kế thừa những quy định tích cực và khả thi, gắn với thực tế triển khai hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ tại các cơ sở trong thời gian qua; đồng thời khắc phục một số hạn chế nhằm bảo đảm phù hợp với thực tế khách quan, góp phần nâng cao tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Trong bối cảnh GD-ĐT đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước, tiệm cận với các tiêu chuẩn của khu vực và thế giới, nhưng vẫn phù hợp với điều kiện của Việt Nam là cần thiết. Rất đáng hoan nghênh khi Quy chế mới ban hành đã bám sát và cụ thể hóa ở nhiều điều khoản, trong đó có quy định về người học, người hướng dẫn, thành viên các hội đồng đánh giá, việc tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo…

Chẳng thế mà, ngay sau Quy chế 18 được ban hành, nhiều chuyên gia nhận xét: Các quy định tường minh, có nhiều thuận lợi hơn cho công tác tổ chức, quản lý đào tạo tiến sĩ của các cơ sở GDĐH. Ngoài những điều chỉnh khoa học, khách quan và công bằng, Quy chế đã lượng hóa, chuẩn hóa quy định về ngoại ngữ, năng lực nghiên cứu khoa học của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh; đồng thời quy định cụ thể về tổ chức và quản lý đào tạo theo hướng linh hoạt.

Tuy nhiên, việc chuyển từ đào tạo theo số lượng sang chú trọng chất lượng sẽ tạo ra nhiều thách thức cho cả nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và cơ sở đào tạo, nhất là khi trình độ và chất lượng giữa các cơ sở, lĩnh vực đào tạo chưa đồng đều.

Hơn bao giờ hết, các cơ sở đào tạo tiến sĩ cần chủ động xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu sinh, người hướng dẫn trong việc công bố nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài nước. Đồng thời kết nối các đề tài nghiên cứu của cơ sở với đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Mặt khác, tăng cường hợp tác giữa cơ sở đào tạo tiến sĩ - viện nghiên cứu và doanh nghiệp để hỗ trợ các nghiên cứu đặt hàng và chuyển giao công nghệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.