Để bi kịch không lặp lại

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ít nhất 78 người di cư đã thiệt mạng trong vụ chìm tàu ngoài khơi bờ biển thị trấn Pylos, Hy Lạp hôm 14/6.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhiều người khác còn đang mất tích. Tổ chức Di cư quốc tế ước tính chiếc tàu có thể đã chở đến 750 người trước khi gặp nạn, trong đó có ít nhất 40 trẻ em.

Sau 3 năm tạm lắng vì dịch Covid-19, vấn đề người nhập cư bất hợp pháp lại tiếp tục trở thành chủ đề gây tranh cãi tại châu Âu. Theo thống kê, trong năm 2022, khoảng ít nhất 330 người đã nhập cư bất hợp pháp vào 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), cao hơn 64% so với năm 2021. Số người xin tị nạn ở các nước châu Âu cũng lên tới 924 nghìn trường hợp, tăng 46% so với năm trước.

Còn từ đầu năm 2023 đến nay, ước tính, hơn 220 người đã thiệt mạng và mất tích trên đường nhập cư vào EU. Trước vụ chìm tàu ngoài khơi Hy Lạp, hồi tháng 2 vừa qua, một chiếc thuyền chở người di cư bất hợp pháp đã chìm ngoài khơi ở Italy, khiến 67 người thiệt mạng.

Trong những năm gần đây, thay vì xây dựng các tuyến đường an toàn và hợp pháp cho người tị nạn đến châu Âu, EU lại tăng cường các hạn chế đối với người xin tị nạn. Việc kiểm soát dòng người di cư cũng mang tính kiểm soát và hình sự hoá hơn rất nhiều. Đơn cử, EU đã hợp tác với Libya thành lập Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya - cửa ngõ dẫn vào châu Âu để ngăn chặn dòng người di cư.

Bên cạnh đó, các quy định hạn chế tiếp nhận người tị nạn của châu Âu đã tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ buôn người dụ dỗ người xin tị nạn, ép buộc họ trả hàng nghìn USD để thực hiện hành trình bất hợp pháp.

Vì vậy, người di cư phải đi theo các con đường nguy hiểm dọc theo bờ biển Địa Trung Hải và có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào. Dù vậy họ vẫn bất chấp mọi khó khăn để có thể vào được châu Âu với khát vọng đổi đời.

Hồi đầu tháng 6, EU đã đạt được thoả thuận cho phép các quốc gia thành viên chia sẻ việc tiếp nhận số người xin tị nạn một cách công bằng hơn. Theo thoả thuận, các quốc gia không sẵn sàng tiếp nhận người xin tị nạn sẽ phải đóng một khoản hỗ trợ tài chính lên tới 20 nghìn euro/người vào một quỹ do EU quản lý để hỗ trợ người di cư.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser gọi thỏa thuận này là một “thành công lịch sử” đối với lục địa già sau nhiều năm tranh cãi về vấn đề di cư. Ít nhất, đến thời điểm này, các quốc gia châu Âu đã chịu chung một ràng buộc pháp lý về vai trò và trách nhiệm của họ trong vấn đề người di cư.

Tuy nhiên, với những chính sách kiểm soát người di cư nghiêm khắc như hiện nay, liệu thỏa thuận của EU có thể đạt hiệu quả trong việc kiểm soát và bảo vệ an toàn cho người di cư hay không, nhất là sau sự kiện vừa qua tại Hy Lạp.

Cần lưu ý, hàng nghìn người đã biểu tình tại nhiều thành phố tại Hy Lạp để phản đối cách chính quyền xử lý vụ chìm tàu và các chính sách di cư của EU. Chính phủ Hy Lạp bị cáo buộc không hành động kịp thời để giải cứu các nạn nhân.

Giới chức châu Âu cảnh báo làn sóng người di cư trái phép tới châu Âu còn tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới, nhất là khi xung đột nổ ra trên thế giới khiến lạm phát tăng cao, khan hiếm năng lượng...

Một thỏa thuận giữa các nước hiện nay là chưa đủ. EU sẽ cần thúc đẩy việc triển khai đồng loạt các biện pháp từ kiểm soát biên giới, chống buôn bán người đến việc xây dựng các hành lang nhân đạo để hỗ trợ cuộc sống của người tị nạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.
Bác sĩ Nghĩa đọc tên của từng đồng đội đã hy sinh trong khoảng năm 1961 đến 30/4/1975.

Chuyện của người chiến sĩ quân y

GD&TĐ - Kể về những ngày tháng chiến đấu giữa làn đạn bom ác liệt, đôi mắt của người chiến sĩ quân y ánh lên niềm xúc động xen lẫn tự hào.