Nỗi lo 'đứt gánh'

GD&TĐ - Nhiều học sinh trước khi đặt bút đăng ký nguyện vọng ngành nghề muốn học đều xem xét mức học phí, chi phí sinh hoạt…

Học sinh lớp 12 đang dồn sức để ôn tập. Ảnh: Ngô Chuyên
Học sinh lớp 12 đang dồn sức để ôn tập. Ảnh: Ngô Chuyên

Thậm chí, nhiều em có năng lực tốt vẫn chấp nhận chọn trường nhỏ, ở tỉnh lẻ theo học để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình và cả nỗi lo nghỉ học giữa chừng vì khó khăn.

Trò nghèo tâm tư

Nguyễn Văn Bảo, học sinh lớp 12 Trường THPT Đồng Lộc (Hà Tĩnh), mơ ước trở thành sinh viên ngành Điện của một số trường đại học ở Hà Nội. Để đạt được mong muốn, 3 năm qua Bảo chăm chỉ học tập, rèn luyện với quyết tâm dành một tấm vé vào đại học. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu mức học phí, tham khảo các anh, chị sinh viên đang học về chi phí sinh hoạt hàng tháng ở Hà Nội, Bảo quyết định thay đổi trường đại học và đăng ký nguyện vọng trường gần nhà.

Bảo chia sẻ: “Bố mẹ em làm nông dân, quanh năm dựa vào mấy sào ruộng; thu nhập kiếm thêm của gia đình trông chờ vào ngày công bố đi phụ hồ. Khi chọn trường đại học em phải xét thêm tiêu chí chi phí sinh hoạt ở thành phố đó càng rẻ càng tốt. Nếu mức phí sinh hoạt cao, cộng học phí tăng theo năm thì… bố mẹ em khó có thể gồng gánh nổi, chưa kể sau em còn em trai học lớp 6”.

Được biết, Bảo chọn đặt nguyện vọng vào Trường ĐH Vinh (TP Vinh, Nghệ An). “Trường gần nhà, chi phí sinh hoạt thấp, cuối tuần em có thể về nhà nhận lương thực, thực phẩm từ gia đình để giảm chi phí”, Bảo chia sẻ.

Còn Trần Đức Minh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Biên Hòa (Hà Nam) để việc học đại học không trở thành gánh nặng cho gia đình, suốt những năm học phổ thông, Minh nỗ lực học và đạt thành tích cao. Mặt khác, Minh cũng dành thời gian học tiếng Anh nhằm xin học bổng toàn phần đi du học.

Đức Minh tâm sự: “Từ nhỏ, em sống với ông bà, giờ cả 2 đều cao tuổi không thể nuôi em học đại học. Bố mẹ làm công nhân thu nhập thấp. Do vậy, muốn giảm gánh nặng cho gia đình và con đường học đại học “dễ thở” em đã học ngày, đêm nhằm săn học bổng”.

Tháng 2/2023, sau khi vượt qua hai vòng phỏng vấn, Đức Minh được nhận học bổng toàn phần của ĐH Quốc Gia Singapore. “Con đường “săn học bổng” đi du học hiện nay được nhiều học sinh nghèo như em hướng đến với mong muốn giảm gánh nặng cho gia đình, cơ hội mở rộng, an tâm học 4 năm đại học thay vì lo lắng học phí”, Đức Minh tâm sự.

Khác với lựa chọn của Đức Minh và Bảo, nam sinh Vy Văn Thuấn, Trường THPT Lộc Bình (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) chia sẻ sau khi tốt nghiệp THPT, nam sinh sẽ nộp hồ sơ vào trường cao đẳng.

Thuấn chia sẻ: “Mức học phí các trường cao đẳng thấp hơn đại học, thời gian học ngắn, do đó em sẽ tiết kiệm cho bố mẹ một khoản tiền. Học xong cao đẳng, em có thể xin vào các nhà máy, xí nghiệp dễ dàng hơn. Em đã khảo sát thị trường lao động về nhu cầu công nhân có tay nghề, đào tạo bài bản… đang rất cần. Hoặc sau khi học xong, em có thể đăng ký đi xuất khẩu lao động nước ngoài theo các chương trình liên kết của trường học”.

Phan Xuân Hành tranh thủ ôn bài buổi tối muộn sau khi đã kết thúc một ca dạy thêm từ 7 giờ tối đến 9 giờ 30 phút. Ảnh: NVCC

Phan Xuân Hành tranh thủ ôn bài buổi tối muộn sau khi đã kết thúc một ca dạy thêm từ 7 giờ tối đến 9 giờ 30 phút. Ảnh: NVCC

Chắt chiu để giảm chi phí

Nhiều sinh viên, để giảm chi phí học cho gia đình, ngoài tìm kiếm một suất trọ ở ký túc xá còn tranh thủ làm thêm. Phan Xuân Hành, sinh viên năm 2, Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ: “Ra Hà Nội học đại học, để có tiền trang trải cuộc sống, giảm bớt gánh nặng các khoản sinh hoạt phí hàng tháng, em đã xin ở ký túc xá. Không những thế, ngoài thời gian học ở giảng đường, em đi dạy thêm để lo tiền ăn và học phí học tiếng Anh”.

Được biết, những ngày cuối tuần ngoài những ca dạy trực tiếp, nam sinh này còn nhận dạy online. Hành chia sẻ: “Em chỉ xin bố mẹ tiền học phí, các khoản sinh hoạt phí hàng tháng em dùng tiền làm thêm để trang trải. Sinh viên nghèo học ở thành phố lớn luôn phải cân đo đong đếm chi tiêu, đề phòng không may tháng đó phát sinh việc gì còn có chi phí bù vào…”.

Cũng giống như Xuân Hành, Phương Thảo, sinh viên năm cuối ngành Kế toán, Trường ĐH Đà Nẵng, trao đổi: “Ngoài áp lực làm khóa luận tốt nghiệp, em phải dành thời gian đi học việc ở một công ty nhằm học hỏi kinh nghiệm, tăng cơ hội việc làm sau khi ra trường”.

Thảo là chị cả trong nhà, sau em còn hai em đang học đại học và THPT; bố mẹ là nông dân. Do vậy, sau khi tốt nghiệp, nữ sinh xác định không thể xin tiền gia đình mà phải tự kiếm tiền trang trải cuộc sống, phụ bố mẹ trả tiền vay ngân hàng nuôi các em ăn, học.

Dù đã đi làm được hai năm, nhưng Trần Thị Vân, nhân viên phiên dịch một công ty Hàn Quốc ở Hà Nội vẫn lựa chọn thuê phòng trọ ở ngoại thành, cách chỗ làm hơn 10km. Vân chia sẻ: “Với mức lương hơn 12 triệu đồng/tháng, nếu em để chi tiêu cho bản thân thì khá thoải mái. Song, ngoài các khoản phí sinh hoạt, tiền điện nước, nhà trọ cũng “ngốn” của em gần 5 triệu đồng. Do vậy, em buộc phải tính toán và căn ke trong việc tiêu pha để có một ít tiền tiết kiệm”.

Theo Vân, sinh viên nghèo sau khi lên thành phố học ai cũng nỗ lực tìm kiếm cơ hội bám trụ lại dẫu phải làm trái nghề, chịu mức phí sinh hoạt đắt đỏ. Tuy nhiên, mức học phí tăng, chi phí sinh hoạt ngày càng đội giá thì cơ hội đi học sẽ dần hẹp nếu không có các khoản vay hỗ trợ từ Nhà nước.

“Trường em mức học phí tăng theo năm, đó là “bài toán” đau đầu của em và nhiều sinh viên nghèo tỉnh lẻ lên thành phố học tập. Em đang tính nhận thêm lớp dạy hoặc cắt giảm một số chi phí khác để bù vào mức học phí tăng…”, Phan Xuân Hành, Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.