(GD&TĐ)- Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 theo quyết định số 20/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án KCH) đến nay đã gần kết thúc. Trong thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tích cực tập trung triển khai thực hiện tốt các mục tiêu của Đề án. Cho đến thời điểm này, các địa phương đang tích cực chủ động thanh quyết toán, đưa các công trình thuộc Đề án vào sử dụng để phát huy cao nhất hiệu quả nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP). Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập trong phân cấp quản lý nên Gia Lai vẫn đang loay hoay với công tác giải ngân, thanh quyết toán các công trình thuộc Đề án KCH, những công việc ở các địa phương khác trên cả nước cho đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành.
Cơ quan thụ hưởng Đề án KCH bị bỏ ngoài cuộc
Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, huyện Đắc Pơ, công trình thuộc Đề án KCH chưa hoàn thành thủ tục thanh quyết toán. Ảnh, gdtd.vn |
Theo tinh thần chung của Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương Đề án KCH, mỗi tỉnh, thành phố phải thành lập BCĐ cấp tỉnh, trong đó Chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng BCĐ và (thông thường) Giám đốc Sở GD-ĐT làm phó BCĐ thường trực nhằm tập trung triển khai thực hiện Đề án để tiếp nhận, giải ngân nguồn vốn, trực tiếp theo dõi nắm tình hình triển khai, thực hiện Đề án… báo cáo BCĐ tỉnh và TƯ.
Để chuẩn bị triển khai thực hiện, UBND tỉnh Gia Lai đã thành lập BCĐ Đề án KCH do Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực Văn hóa- Xã hội làm trưởng ban. Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo là Sở GD-ĐT; giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư đối với các công trình xây dựng phòng học, nhà ở công vụ cho giáo viên thuộc các trường được phân cấp quản lý như: THCS, TH, MN. Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư đối với các công trình thuộc các trường THPT.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong quá trình triển khai Đề án KCH của tỉnh, Sở GD-ĐT không đóng vai trò cơ quan thường trực Đề án, thay vào đó cơ quan đóng vai trò thường trực Đề án lại là Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh.
Như vậy là Sở KH-ĐT vừa đóng vai trò là cơ quan chuyên môn của tỉnh (có chức năng tổng hợp, tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư trong các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức thực hiện và đề xuất về cơ chế chính sách quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn…) vừa đóng thêm một vai trò nữa là cơ quan thường trực của Đề án KCH, một kênh đầu tư nhỏ trong lĩnh vực GD-ĐT. Việc theo dõi triển khai thực hiện Đề án KCH cần phải có một cơ quan, chí ít là bộ phận theo dõi; trong khi đó Sở GD-ĐT đã có sẵn bộ máy quản lý giáo dục theo ngành dọc rất thuận lợi cho quản lý và triển khai thực hiện Đề án thì lại không được giao theo dõi Đề án.
Né tránh báo cáo, kiểm tra của BCĐ cấp trên
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai Phạm Ngọc Thạch thì với cách phân cấp quản lý như trên, trong quá trình thực hiện Đề án đã bộc lộ những bất cập. Cụ thể, là cơ quan thụ hưởng trực tiếp từ Đề án KCH nhưng ngành giáo dục không theo dõi được những dữ liệu trong suốt quá trình triển khai xây dựng Đề án vì thiếu thông tin từ cấp cơ sở. Điều này khiến Sở GD-ĐT là đơn vị hưởng lợi từ Đề án không thể lập báo cáo giải trình tiến độ thực hiện Đề án KCH khi được hỏi đến?
Cánh phóng viên báo chí chúng tôi đã cùng đi với đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo TƯ của Đề án KCH trong chuyến kiểm tra Đề án mới đây nhất mới thấy hết được sự yếu kém trong cách quản lý điều hành của địa phương này. Theo tổ thư kí của BCĐ TƯ thì chuyến kiểm tra đã được thông báo bằng công văn nhiều ngày trước đó. Tổ thư kí đã cẩn thận gửi công văn được gửi cho cả 3 nơi, văn phòng UBND tỉnh, Sở KH-ĐT và Sở GD-ĐT Gia Lai.
Ông Phạm Ngọc Phương- Phó Cục trưởng Cục CSVC và TBTH, ĐCTE- Bộ GD-ĐT (thứ 2 từ trái sang) cùng đoàn kiểm tra Đề án KCH kiểm tra tình hình thực hiện Đề án tại trường TH Đống Đa, huyện Đắc Pơ. Ảnh, gdtd.vn |
Gần đến ngày làm việc, tổ thư kí còn nhiều lần liên lạc bằng điện thoại cho những người có trách nhiệm trong Đề án KCH tỉnh Gia Lai để khớp lịch làm việc. Tuy nhiên, đến ngày làm việc theo kế hoạch, không có cơ quan, đơn vị nào đứng ra tổ chức cuộc họp, báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án KCH tại tỉnh Gia Lai với đoàn kiểm tra của BCĐ TƯ Đề án KCH.
Được biết, trong lần kiểm tra trước đó, đoàn công tác của BCĐ TƯ cũng đã một lần gặp tình hình tương tự. Tuy nhiên sau lần đó, những người có trách nhiệm trong BCĐ Đề án của tỉnh vẫn né tránh báo cáo tình hình triển khai Đề án tại đây với BCĐ Đề án cấp trên trong lần kiểm tra này.
Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo TƯ Đề án KCH đã trực tiếp kiểm tra tại hai huyện Đắk Pơ và Kbang đã phát hiện nhiều vấn đề yếu kém trong quản lý, điều hành, triển khai Đề án.
Không cấp đủ vốn cho các chủ đầu tư
Tại huyện Đăk Pơ, Ông Trần Văn Anh- trưởng Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản của huyện cho biết, từ năm 2008 đến 2012, toàn huyện có 19 công trình thuộc Đề án KCH được triển khai xây dựng với tổng mức đầu tư 11,332 tỷ đồng. Giá trị khối lượng hoàn thành 9,791 tỷ đồng, UBND tỉnh mới chỉ cấp cho huyện có 7,2 tỷ đồng. Ông Anh cho biết, do thiếu vốn nên các kì giao ban xây dựng cơ bản hàng tháng, hàng quý của tỉnh, Đắk Pơ vẫn xin vốn nhưng được Sở KH-ĐT tỉnh trả lời vốn chưa cấp chưa đủ theo Đề án KCH.
Trong khi đó, theo ông Phạm Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em- Bộ GD-ĐT thì từ tháng 6 năm 2011, BCĐ TƯ Đề án KCH đã cấp đủ vốn cả giai đoạn cho tỉnh Gia Lai. Theo quy định, khi nhận được vốn TPCP, các tỉnh phải giải ngân ngay xuống cho các chủ đầu tư kịp thời triển khai, xây dựng các công trình thuộc Đề án KCH.
Một câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao đến thời điểm này mà UBND tỉnh mới chỉ cấp cho huyện K’Bang 7,2 tỷ đồng/11,332 tỷ đồng theo kế hoạch vốn đã được phê duyệt. Trong đó có những lần cấp vốn rất chậm, ngày 23/5/2012 mới cấp 2 tỷ đồng trong tổng 7,2 tỷ đồng đồng đã cấp.
Như vậy, UBND tỉnh Gia Lai chưa cấp cho huyện Đăk Pơ 4,132 tỷ đồng vốn TPCP theo kế hoạch. Là huyện mới thành lập được 8 năm nay, nhu cầu cải tạo cơ sở vật chất trường, lớp học của Đắk Pơ còn rất lớn. Nếu giả sử UBND tỉnh trả hết vốn TPCP cho Đắk Pơ thì sau khi trả nợ khối lượng 1,2 tỷ đồng cho các nhà thầu, huyện vẫn còn dư 2,932 tỷ đồng vốn TPCP để xây thêm các phòng học. Đồng thời, cộng thêm trên 2 tỷ đồng vốn đối ứng của tỉnh theo cam kết thì huyện sẽ có trên 5 tỷ đồng để xây thêm nhiều phòng học hơn thế.
Tại huyện K’Bang, tình trạng chậm cấp vốn cho huyện cũng xảy ra tương tự. Cho đến nay, tỉnh vẫn chưa cấp đủ 34,468 tỷ đồng số vốn giao cho K’Bang theo kế hoạch, huyện mới được cấp 27,270 tỷ đồng, đạt 79% kế hoạch vốn.
Công tác quyết toán công trình thuộc Đề án KCH cũng là vấn đề đáng lo ngại tại Gia Lai. Tại huyện Đăk Pơ, theo báo cáo của huyện thì đã có 15/19 công trình được quyết toán. Tuy nhiên qua kiểm tra thì một số công trình được báo cáo đã quyết toán trên thực tế hồ sơ quyết toán vẫn chưa được phê duyệt theo đúng trình tự. Tại huyện K’Bang, giá trị khối lượng các công trình đã được quyết toán rất thấp chỉ chiếm 30% tổng vốn đã thực hiện.
Là một tỉnh miền núi phía Bắc Tây Nguyên, hệ thống cơ sở hạ tầng của Gia Lai có xuất phát điểm thấp; GD-ĐT là lĩnh vực cũng không nằm ngoài thực trạng này, còn nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở vật chất để phục vụ cho nhu cầu học tập của học sinh.
Theo Giám đốc Phạm Ngọc Thạch, để nâng cao chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất là yếu tố then chốt. Do vậy, cần tiếp tục hỗ trợ địa phương thông qua việc tiếp tục triển khai hoàn thiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2015 để tạo sự bình đẳng giữa các vùng miền khó khăn có xuất phát điểm thấp như Gia Lai đối với các tỉnh có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội khác trong cả nước.
Đồng thời, trong thời gian tới, khi Đề án KCH tiếp tục được đầu tư, Sở GD-ĐT đề nghị nên chuyển vai trò thường trực BCĐ về Sở GD-ĐT để tiện theo dõi, quản lý tiến độ triển khai thực hiện Đề án, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc như hiện đang gặp phải, ông Thạch khẳng định.
Bá Hải