(GD&TD)-Ngày 16/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Trong buổi thảo luận, đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho hoạt động này; bảo đảm quyền được bảo vệ sức khỏe của người không hút thuốc lá cũng như quyền và nghĩa vụ của người hút.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu còn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của một số quy định trong dự thảo Luật.
Theo đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh), Luật phải giải quyết xung đột giữa 3 nhóm lợi ích của: người hút thuốc lá, người không hút và nhà sản xuất, theo hướng phòng, chống tác hại thuốc lá chứ không đặt vấn đề cấm sản xuất, tiêu thụ.
Với định hướng như thế, Luật cần tạo ra những cơ chế để giảm thiểu số người hút thuốc lá, tăng số người từ bỏ thuốc lá bằng tất cả các biện pháp kinh tế, kỹ thuật, pháp luật bởi một khi nhu cầu giảm thì nguồn cung tự khắc cũng giảm, buôn lậu cũng dần bớt đi.
Đại biểu đề xuất, Luật cần quy định việc hút thuốc lá có địa chỉ, không hút bừa bãi, tùy tiện, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, gây ô nhiễm, đặc biệt là hút ở nơi công cộng như trường học, bệnh viện... Luật nên đưa ra những biện pháp xử phạt nghiêm minh, đánh vào kinh tế của người hút, xây dựng những nơi hút thuốc công cộng có thu phí hoặc lao động công ích; tạo được phong trào sâu rộng trong cộng đồng để khơi dậy ý thức tự giác của người hút.
Băn khoăn về tính khả thi của Luật, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng chế tài trong các quy định chưa đủ mạnh, chưa cụ thể, mang tính định hướng và giáo dục nhiều hơn. Các đại biểu như Trương Thị Yến Linh (Cà Mau), Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Nguyễn Hoàng Việt (Đồng Tháp), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)... cho rằng, một số quy định như địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn; trách nhiệm của người đứng đầu địa điểm cấm hút thuốc lá; không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi... còn chung chung và khó thực hiện.
Theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) và Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên), thực tế, nhiều khuôn viên ngoài trời như có diện tích rộng, có nơi 5-7 ha, nếu cấm hoàn toàn sẽ rất khó kiểm soát và thiếu bình đẳng; đề nghị quy định theo hướng mở là hình thành các nhà hút thuốc dành cho những người có nhu cầu.
Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, quy định người đứng đầu địa điểm cấm hút thuốc lá có quyền yêu cầu chấm dứt việc hút thuốc lá, yêu cầu người vi phạm ra khỏi cơ sở của mình và thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý là khó thực thi và chưa đủ mạnh, cần có chế tài về mức xử phạt cụ thể và giao thẩm quyền cho người đứng đầu địa điểm.
Theo đại biểu Đặng Thị Kim Chi và nhiều ý kiến khác, quy định cấm người dưới 18 tuổi mua thuốc lá khó khả thi vì thực tế, không kiểm soát được việc kiểm tra chứng minh nhân dân để xác định độ tuổi của người mua, nhất là trong tình hình thuốc lá được bán tràn lan trong các cửa hàng, siêu thị, trên vỉa hè như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Nguyễn Hoàng Việt (Đồng Tháp) đặt vấn đề: Phụ nữ, trẻ em trong gia đình có người chồng, người cha hút thuốc lá, hoặc nhân viên trong đơn vị có lãnh đạo hút thuốc lá sẽ làm như thế nào để thực hiện quyền của mình đã được quy định trong Luật? Đại biểu Nguyễn Thái Học đề xuất, chỉ quy định không hút thuốc lá trong nhà khi có phụ nữ, trẻ em là chưa đầy đủ mà cần bổ sung thêm nghĩa vụ tự giác, tự nguyện giảm dần nhu cầu sử dụng thuốc lá.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), vấn đề càng khó thực hiện càng cần tăng cường tuyên truyền, vận động kết hợp với các biện pháp khác chứ không nên bỏ lửng. Không thể đặt nặng quyền lợi của số nhỏ mà phải ưu tiên lợi ích quan trọng về sức khỏe của đa số người dân, vì lợi ích chung.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cũng nhấn mạnh hút thuốc là là hành vi hợp pháp, liên quan đến quyền con người, tuy nhiên đại bộ phận người dân trong đó đa phần là phụ nữ, trẻ em cũng có quyền được sống trong bầu không khí không khói thuốc, được sống khỏe mạnh, an toàn. Quyền đó phải được ưu tiên so với lợi ích, sở thích cá nhân của một bộ phận.
Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), một trong những biện pháp quan trọng là coi trọng công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, có quy định đủ mạnh về trách nhiệm của các cơ quan này, có kinh phí thường xuyên, lâu dài để thực hiện chứ không mang tính chất phong trào, nhất thời.
Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, mục tiêu của Luật là không cấm hút thuốc lá nhưng cần đưa ra những quy định theo hướng hạn chế việc hút thuốc lá, để người đang hút giảm dần và tiến tới không hút, người chưa hút, đặc biệt là thanh niên sẽ không hút thuốc lá và nghiêm cấm việc để khói thuốc ảnh hưởng đến người khác.
Đại biểu Nguyễn Minh Phương (đoàn Cần Thơ), Y Khut Nie (đoàn Đắk Lắk) cho rằng: Hút thuốc lá có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm đối với con người nhưng hiện nay, diện tích in hình ảnh và chữ cảnh báo tác hại của thuốc lá vẫn còn nhỏ hẹp. Để phát huy hiệu quả của việc tuyên truyền về tác hại của việc hút thuốc, diện tích in ảnh và chữ cả 2 mặt trước, sau phải chiếm 50% và dần tiến tới chiếm tới 80% diện tích vỏ bảo thuốc lá.
Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, việc in cảnh báo phải thực hiện được hai yêu cầu: Nhắc nhở người hút thuốc lá rằng việc đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ và cấm việc làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác.
Đại biểu Phạm Thị Hải (đoàn Đồng Nai), Nguyễn Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) cho rằng: Dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cần quy định rõ giảm cung sản xuất và giảm cầu tiêu thụ thuốc lá.
Theo đó, cần có lộ trình cụ thể để các cơ sở, người dân trồng thuốc lá chuyển dịch trồng cây thuốc lá sang trồng các loại cây khác. Bên cạnh đó là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất thuốc lá. Song song với giải pháp trên, cần tăng cường kiểm soát việc nhập lậu thuốc lá và nâng mức xử phạt đối với người hút thuốc ở nơi công cộng.
Nhiều đại biểu nhất trí nguồn lực để phòng chống tác hại thuốc lá là điều kiện quan trọng để thực hiện có hiệu quả những chính sách và mục tiêu đề ra và ủng hộ việc cần thiết tăng cường nguồn lực cho công tác này. Tuy nhiên, các đại biểu cũng còn những ý kiến khác nhau về việc hình thành Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá và nguồn thu của quỹ
Nguyễn Sơn