Dâng sóng cảm xúc trong tiết học văn tự sự

GD&TĐ - Ít đổi mới phương pháp là nguyên nhân chính dẫn đến học sinh giảm hứng thú với giờ học Văn, đặc biệt là văn tự sự.

Dâng sóng cảm xúc trong tiết học văn tự sự

Bên cạnh đó, thời gian cho phép dạy học một truyện ngắn hay một đoạn trích tác phẩm tự sự thông thường chỉ từ 1 đến 2 tiết. Bởi vậy, giáo viên gặp khó khăn nhất định trong truyền tải kiến thức, học sinh cũng gặp khó để tiếp nhận đầy đủ, sâu sắc nội dung bài học vì thời gian eo hẹp.

Giải quyết những khó khăn trên, cô Nguyễn Thị Vân - Giáo viên Trường THPT Bá Thước (Thanh Hóa) đã áp dụng các biện pháp: Bằng mọi cách buộc học sinh phải đọc trước tác phẩm hoặc đoạn trích, tóm tắt được những nội dung cơ bản của tác phẩm hoặc đoạn trích ở nhà và soạn bài theo những định hướng của giáo viên và phần hướng dẫn học bài.

Cải tiến, đổi mới phương pháp trong việc giảng dạy những tác phẩm tự sự, thu hút học sinh vào bài giảng.

Đổi mới cách thức kiểm tra bao gồm cả kiểm tra vấn đáp; kiểm tra 15phút và bài viết. Đồng thời, đổi mới cách đánh giá, phân loại năng lực cảm thụ tác phẩm tự sự của học sinh.

Chuẩn bị kỹ bài ở nhà

Cô Nguyễn Thị Vân cho rằng, giáo viên cần dành thời gian của tiết học trước (sau phần củng cố, luyện tập) để hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài mới, đặt ra những yêu cầu cụ thể và bắt buộc học sinh phải hoàn thành.

Đặc biệt, bằng mọi cách phải cho học sinh đọc kĩ và tóm tắt được nội dung tác phẩm hoặc đoạn trích ở nhà.

Giáo viên kiểm tra việc đọc và tóm tắt nội dung tác phẩm hoặc đoạn trích của học sinh trong quá trình học bài mới hoặc kiểm tra thường xuyên vào đầu tiết học.

Việc làm này sẽ giúp học sinh có ý thức tự học và tự giác hoàn thành yêu cầu của giáo viên.

Ngoài việc bắt buộc phải đọc tác phẩm, chuẩn bị bài theo một số câu hỏi trong sách giáo khoa, giáo viên cần đưa ra những câu hỏi nhỏ hơn, cụ thể hơn.

Tuỳ theo trình độ, năng lực, tư duy của học sinh ở từng lớp giáo viên có thể có những loại câu hỏi thêm khác nhau với mục đích giúp học sinh phát hiện những vấn đề trọng tâm, cốt lõi của tác phẩm hoặc đoạn trích.

Những công đoạn cần lưu ý trong giờ dạy

Công đoạn đầu tiên, theo cô Vân là kiểm tra bài cũ. Ở phần này, giáo viên nên kết hợp kiểm tra kiến thức bài học trước với việc đọc tác phẩm và chuẩn bị bài mới của học sinh.

Cần lưu ý, những câu hỏi kiểm tra chuẩn bị bài mới chưa đòi hỏi tư duy nhiều, chủ yếu là nhằm kiểm tra xem thực chất học sinh có học bài cũ và đọc tác phẩm hay không.

Khi vào bài mới, ở phần giới thiệu tác giả, do học sinh đã đọc phần tiểu dẫn ở nhà trước khi soạn bài nên giáo viên có thể nêu ra một số câu hỏi để học sinh trả lời, sau đó bổ sung và chốt lại vấn đề.

Với hoàn cảnh sáng tác, phần này chủ yếu là giáo viên thuyết giảng nhằm làm sống lại đôi nét lịch sử mà tác phẩm ra đời để học sinh nhận thức được mối quan hệ giữa tác phẩm và cuộc sống.

Riêng tóm tắt tác phẩm, giáo viên nên tận dụng tối đa những dụng cụ trực quan hoặc trình chiếu tranh ảnh, sơ đồ (trong giờ dạy bằng giáo án điện tử) và kiểm tra mức độ tóm tắt tác phẩm hoặc đoạn trích của học sinh ở nhà… nhằm giúp các em dễ nắm bắt nội dung và nhớ lâu cốt truyện hơn.

Trong quá trình tóm tắt tác phẩm cần chú trọng đến những nét chủ yếu về cuộc đời và số phận của nhân vật chính. Tái hiện cho học sinh nắm được những dẫn chứng, chi tiết quan trọng.

"Qua các dụng cụ trực quan, tôi thường gọi một học sinh lên tóm tắt tác phẩm hoặc đoạn trích. Cho một vài học sinh bổ sung và cuối cùng giáo viên đúc kết lại những nội dung trọng tâm" - Cô Vân cho biết.

Với chủ đề tác phẩm, để tìm hiểu chủ đề của tác phẩm hay đoạn trích, cô Vân cho rằng, giáo viên cần nêu ra nhiều câu hỏi nhỏ mang tính chất gợi mở để học sinh trả lời.

Sau đó, thông qua việc trả lời được những câu hỏi trên, giáo viên gọi một đến hai học sinh khái quát thành chủ đề của tác phẩm (hoặc đoạn trích) và giáo viên nhận xét, bổ sung, chốt kiến thức.

Công đoạn phân tích tác phẩm, giáo viên nên sử dụng phối hợp nhiều phương pháp nhằm giúp học sinh hiểu bản chất của tác phẩm (hoặc đoạn trích).

Giáo viên gợi mở cho học sinh thấy được những tình huống có vấn đề để học sinh tìm hiểu, thảo luận sau đó giáo viên bổ sung, làm sáng tỏ và hệ thống vấn đề một cách hoàn chỉnh.

Về cơ bản, trong phần phân tích, theo cô Vân, giáo viên cần phải làm rõ những vấn đề trọng tâm: Làm cho học sinh nắm vững được sự phát triển của tình tiết trong tác phẩm (hoặc đoạn trích) tức là học sinh nắm được cốt truyện;

Làm cho học sinh cảm thụ sâu sắc, đánh giá được đúng đắn nhân vật trong tác phẩm; cảm và hiểu được cái ý vị trong lời kể của tác giả (hay của người kể chuyện).

Không thể thiếu thuyết trình và giảng bình

Nêu quan điểm bình giảng xoáy vào ấn tượng chủ quan và không nhất thiết phải xem xét toàn diện đối tượng, cô Vân cho rằng, người viết chỉ cần lắng nghe mình, chắt lọc các cảm nhận của mình xem yếu tố nào tạo ấn tượng đậm nhất, lay động mình sâu xa nhất, nắm lấy nó rồi viết ra.

Lâu nay, trong một số giờ dạy, giáo viên mải chạy theo phương pháp phát vấn mà không chú ý đến bình văn thơ nên giờ đọc hiểu văn bản trở thành giờ trò chuyện, trả lời vụn vặt các câu hỏi giữa thầy và trò.

Giáo viên chỉ biết hướng dẫn học sinh chia nhóm, thực hành, thảo luận mà hầu như quên đi việc đưa thêm những lời bình giảng, phân tích đầy chất “văn chương” vào giờ dạy.

Và như vậy, người thầy chưa truyền tới học sinh cái hay, cái đẹp của lời thơ, càng làm cho hình tượng văn học nằm im trên trang giấy và cuối cùng không truyền được ngọn lửa của tình yêu văn chương tới tâm hồn các em.

Cô Vân cho rằng, vấn đề là ở chỗ biết thuyết trình và giảng bình đúng mức, đúng lúc góp phần nâng cao hiệu quả của việc tiếp nhận văn bản từ đó bồi dưỡng học sinh giỏi.

Quan trọng hơn là tổ chức cho học sinh cũng tham gia bình giảng nhằm tạo nên một sự “cộng hưởng” trong tiếp nhận, cảm thụ văn chương.

Khi gặp những dạng kiến thức văn học trìu tượng, khó hiểu như hình tượng nghệ thuật có tính đa nghĩa, những vấn đề về thi pháp văn học trung đại, những vấn đề có tính khái quát tổng hợp thì sự giảng giải, bình giá của giáo viên là vô cùng quan trọng.

Xây dựng hệ thống câu hỏi

Khi phân tích tác phẩm, cô Vân cho biết mình đặc biệt chú trọng đến hệ thống câu hỏi để luôn đặt học sinh vào vị trí phải hoạt động, cùng đồng hành tư duy với người dạy.

Câu hỏi trong bài dạy phải logic, chặt chẽ nhằm dẫn dắt một cách liên tục sự suy nghĩ của học sinh từ quan sát đến phân tích hiện tượng, từ những kết luận mang tính chất bộ phận đến những kết luận khái quát hơn.

Câu hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng, vừa sức (có gợi ý khi cần thiết) ; phải có tác dụng kích thích sự chú ý, sự tìm tòi suy nghĩ của học sinh. Đồng thời, phải tạo cho học sinh sự liên tưởng, mở rộng và suy luận.

Nhấn mạnh lại những thách thức của giáo viên dạy Văn, thực trạng dạy học Văn, cô Vân cho rằng, không có cách nào khác người giáo viên phải có những đổi mới thường xuyên về phương pháp, cách thức truyền thụ kiến thức.

“Bản lĩnh của người giáo viên ở chỗ người giáo viên chọn được những phương pháp hữu ích khi truyền thụ cho học sinh một cách hiệu quả nhất” - cô Vân nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ