Dạy và học Lịch sử: Con đường nào cho hiệu quả nhanh nhất?

GD&TĐ - Một vấn đề “nóng” của GD đang được dư luận xã hội quan tâm trong những ngày qua, đó là môn Lịch sử có thành một môn học độc lập trong chương trình THPT mới hay không.

Dạy và học Lịch sử: Con đường nào cho hiệu quả nhanh nhất?

Bằng kinh nghiệm của một GV nhiều năm đứng lớp, đã có công trình nghiên cứu khoa học về dạy tích hợp được đánh giá cao từ cách đây 15 năm, cộng với việc nghiên cứu các tài liệu liên quan đến môn học, tôi xin có mấy ý kiến trao đổi như sau:

“GD Lịch sử” và “Môn học Lịch sử” - Không nên đồng nhất 2 khái niệm

GD lịch sử cho thế hệ trẻ phải từ và bằng nhiều con đường, nhiều hình thức. Trong nhiều trường hợp, một bộ phim lịch sử hấp dẫn, một buổi ngoại khóa sinh động về những nhân chứng lịch sử có thật… còn có sức mạnh và tác dụng GD Lịch sử hơn nhiều bài học Lịch sử, nếu bài học đó viết không hay.

GD lịch sử thuộc phạm trù rộng lớn, hiện diện ở nhiều lĩnh vực, có thể GD bằng nhiều hình thức khác nhau, còn “Lịch sử” chỉ là một môn học thuộc lĩnh vực khoa học lịch sử, cho dù môn học này có vai trò rất quan trọng trong GD lịch sử. 

Tuy nhiên tôi nghĩ, một trong những nguyên nhân HS chán học môn Sử chính là các nhà biên soạn SGK và GV đã dạy học lịch sử như là dạy khoa học lịch sử. 

Khoa học lịch sử là đối tượng nghiên cứu của các nhà nghiên cứu lịch sử, chuyên sâu về lịch sử; học như thế là nhằm đào tạo ra các nhà sử học. Điều đó cũng giống như dạy học Ngữ văn, muốn biến HS thành các nhà văn; dạy âm nhạc, hội họa muốn HS trở thành nhạc sĩ, họa sĩ...

Muốn cho môn học này không còn thuần túy là khoa học, cần từ khoa học lịch sử thông qua khoa học sư phạm chuyển thành các hình thức GD lịch sử phong phú, hấp dẫn đa dạng; phù hợp với tâm sinh lý và nhu cầu tiếp nhận của HS để những bài học lịch sử không còn khô cứng, gò bó trong bốn bức tường lớp học; cũng có nghĩa là cần tìm một con đường chuyển tải sinh động, hiệu quả nhất. Tóm lại, GD lịch sử là rất quan trọng, nhưng không thể “khoán trắng” cho môn Lịch sử mà cần đa dạng hóa các hình thức GD lịch sử.

Lịch sử vẫn là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông mới

Nghiên cứu kỹ CTGDPT tổng thể cùng với phần giải thích và tài liệu hỏi đáp của Bộ GD&ĐT công bố, có thể thấy thực tế môn Lịch sử không bị gạt ra khỏi chương trình GD cơ bản (cấp tiểu học và trung học). 

Ở giai đoạn GD cơ bản, nó vẫn còn và là nội dung bắt buộc, chỉ có điều chúng được tích hợp vào môn Khoa học xã hội. Môn học này gồm các phân môn Lịch sử, Địa lý là chính, đồng thời lồng ghép tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học. 

Đây cũng là hướng tích hợp mà nhiều nước có nền GD phát triển đã và đang thực hiện như Úc, Hàn Quốc, Canada, Singapore, Cộng hòa Liên bang Đức, Hoa Kỳ… với tên môn học là Tìm hiểu xã hội hoặc Khoa học xã hội.

Đến THPT nội dung GD Lịch sử vẫn được dạy bắt buộc ở môn Công dân với Tổ quốc. Môn học này ngoài nội dung GD Công dân, GD Quốc phòng - an ninh, còn có nội dung GD Lịch sử. 

Cùng với môn Công dân với Tổ quốc, nội dung Lịch sử còn tiếp tục được dạy ở môn Khoa học xã hội là môn học tự chọn (TC2), tức là bắt buộc với tất cả học sinh có định hướng nghề nghiệp về khoa học tự nhiên và công nghệ sau THPT.

Trong thực tế xu hướng HS theo các ngành KHTN, kỹ thuật, công nghệ là rất đông, cho nên CTGD mới chủ trương dù đi vào lĩnh vực KHTN thì những HS này cũng cần có những hiểu biết cơ bản về KHXH trong đó có những tri thức lịch sử. Còn môn Lịch sử tự chọn dành riêng cho số HS có nguyện vọng và sở thích đi sâu vào các ngành KHXH, trong đó có ngành Sử.

Như thế có thể thấy tất cả HS ở 3 cấp đều được học Lịch sử với yêu cầu bắt buộc qua môn Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, KHXH (ở TH và THCS) và qua môn Công dân với Tổ quốc; một phần HS (ở THPT) sẽ học chuyên sâu về môn Lịch sử khi có định hướng về các ngành KHXH và chuyên ngành lịch sử.

Tích hợp là một ngôi nhà vững chãi

Đổi mới chương trình lần này chủ trương thực hiện dạy học tích hợp theo các lĩnh vực. Một lĩnh vực sẽ có rất nhiều môn tham gia đóng góp. Nội dung và yêu cầu GD Lịch sử không chỉ mình môn Lịch sử gánh vác mà còn có các môn như Ngữ văn, Âm nhạc, Mỹ thuật, GD lối sống, GD công dân… cùng chia sẻ, cùng tác động một cách tương hỗ để thành sự hiểu biết tổng hợp, ý thức, niềm tin và hành động, chứ không phải là những nhận thức riêng lẻ về một lĩnh vực cụ thể. 

Chẳng hạn, khi giáo viên dẫn ra những câu thơ sau đây của Nguyễn Trãi: “Thế trận xuất kỳ lấy yếu chống mạnh, dùng quân mai phục lấy ít địch nhiều; đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” thì đã có thể GD tích hợp một lúc cả tư tưởng và quan điểm về sức mạnh quốc phòng, lịch sử chống giặc Minh, đồng thời vun đắp lòng tự tôn, tự hào, truyền thống dân tộc theo nhân sinh quan của người Việt Nam ta. 

Hay với tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí”, với bao thăng trầm lịch sử, tất cả như được hòa quyện và cô đúc trong tác phẩm, chính là nhờ tích hợp yếu tố sử và chất văn chương; vì thế mà người đọc mới cảm thấy hấp dẫn, bớt đi sự khô khan.

Vấn đề còn lại là dạy sử sao cho hiệu quả, thu hút

Tôi rất tâm đắc với ý kiến phát biểu của TS Bích Thủy - Trưởng khoa GD Chính trị của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng - tại một hội thảo mới đây, khi cho rằng: 

“Cần phải có một tư duy mới về xây dựng môn học, lựa chọn nội dung tích hợp. Thời gian qua, trường, khoa đã mở hội nghị, hội thảo chuyên đề về môn học này và về cơ bản đã có sự thống nhất về chương trình.

Khái niệm tích hợp không còn là mới mẻ vì lâu nay, GV khi giảng dạy môn học, ngành học đã luôn có sự tích hợp với các môn, ngành học khác. 

Vấn đề chỉ còn là làm thế nào để có được một chương trình tổng thể thật chất lượng; xây dựng được đội ngũ giáo viên tinh hoa, lựa chọn nội dung tích hợp cho hiệu quả để thực hiện được chương trình đó”.

Về mặt chương trình, bản thân tôi đã từng trực tiếp tham dự rất nhiều hội thảo khoa học ở cả ba miền trong thời gian 2 - 3 năm qua. Dự thảo Chương trình GD phổ thông tổng thể cũng đã xin ý kiến của nhiều tổ chức chính trị và khoa học như Ủy ban Văn hóa, GD, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, Ban Tuyên giáo T.Ư, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng quốc gia GD và phát triển nguồn nhân lực; Liên hiệp các Hội khoa học - Kỹ thuật Việt Nam… Với quy trình như thế, tôi nghĩ vấn đề dạy học Lịch sử trong CTGD mới đã được cân nhắc.

Vấn đề còn lại ở chỗ trách nhiệm GD lịch sử với thế hệ trẻ thông qua học lịch sử trong nhà trường. Các chuyên gia, các nhà khoa học hãy bàn bạc, góp ý và trao đổi để tìm ra cách viết chương trình và SGK Lịch sử sao cho hấp dẫn, cho hay đối với HS. 

Đội ngũ các thầy, cô giáo hãy bàn và hiến kế sao cho có nhiều hình thức GD Lịch sử sinh động, phong phú: Một bản nhạc, một tên đường, tên phố, một bộ phim, một tấm áp phích, pa-nô, một di tích người xưa để lại…. đều có thể GD lịch sử có hiệu quả nếu có ý thức, nếu biết cách…

Ngoài việc dạy học chính khóa sao cho hiệu quả, thì cần hoạt động trải nghiệm sáng tạo được thực hiện ở cả 3 cấp. Với các hình thức đa dạng, phong phú, hoạt động trải nghiệm sáng tạo có điều kiện GD Lịch sử bằng các hoạt động thực tế như: Tham quan các di tích lịch sử, tổ chức sưu tầm, giới thiệu các tư liệu, con người và hiện vật lịch sử; đi thăm Bảo tàng Lịch sử, viếng các nghĩa trang, giúp đỡ, thăm hỏi các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh liệt sĩ, tổ chức dã ngoại về với cội nguồn, các chiến khu cách mạng, các làng nghề truyền thống, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải