Dạy và học chữ dân tộc Chăm: Khó khăn khi cha mẹ đi làm ăn xa

GD&TĐ -Đa số người dân tộc thiểu số Chăm đi làm ăn xa, học sinh chủ yếu ở nhà cùng ông bà nên việc tiếp cận thông tin và giáo dục gặp nhiều khó khăn.

Đa số cha mẹ của học sinh người Chăm đi làm ăn xa.
Đa số cha mẹ của học sinh người Chăm đi làm ăn xa.

Việc dạy và học tiếng Chăm tại tỉnh Ninh Thuận vẫn gặp nhiều khó khăn, một trong số đó là việc phụ huynh đi làm ăn xa, học sinh chủ yếu ở nhà cùng ông bà nên việc trao đổi giữa giáo viên và gia đình chưa thuận lợi.

Người lớn chỉ biết giao tiếp tiếng Chăm

Người dân tộc thiểu số Chăm chủ yếu nghe, nói trong giao tiếp; không sử dụng ngôn ngữ đọc, viết vì không có nhu cầu cần thiết. Chị Nguyễn Thị Loan (SN 1985, ngụ huyện Ninh Hải), cho biết, ngoài cháu gái đang theo học tại trường, được giảng dạy tiếng Chăm, thì cả gia đình không ai biết viết.

“Tôi không biết học viết để làm gì vì bây giờ ngôn ngữ giao tiếp phổ biến là tiếng Việt, về nhà chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ nhưng không cần viết, đọc mà chỉ cần nói, cả gia đình đều hiểu. Nhưng nếu con cháu được học thì có thể về bày lại cho cha mẹ, ông bà để bảo tồn chữ viết”, chị Loan chia sẻ.

Theo chị Loan, đối với các gia đình con cái ở cùng cha mẹ thì việc đồng hành, rèn luyện cho con đơn giản hơn. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh, nhiều cha mẹ phải đi làm ăn xa, mọi việc chăm sóc và giáo dục đều phụ thuộc vào ông bà. Tuổi cao, sức yếu, ông bà cũng khó tiếp cận được việc viết chữ Chăm trong việc đồng hành cùng nhà trường kiểm tra bài tập về nhà của các con.

840e46114a25f27bab34.jpg
Ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Vụ trưởng Giáo dục dân tộc (Bộ GD&ĐT) làm việc tại Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận.

Đồng quan điểm, anh Trần Quang Sang (SN 1983, ngụ huyện Ninh Hải), kể, thời đó vẫn được học tiếng Chăm nhưng chủ yếu qua các câu thơ, câu vè. Thời gian lâu không học, việc nhớ mặt chữ và đọc gặp nhiều khó khăn.

“Thế hệ con nít bây giờ được giáo dục chi tiết hơn xưa, có khi còn về bày lại cho mình. Vì thế, mình cũng cố gắng học theo các con hoặc theo tài liệu cô giáo gửi để biết trả lời câu hỏi của con. Đồng thời, tiếng mẹ đẻ được duy trì và phát huy cũng là cách nhắc nhở các con, các cháu nhớ đến nguồn cội, bảo tồn và phát triển văn hóa người Chăm”, anh Sang nói.

Kết hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình

Liên quan đến vấn đề này, cô Nguyễn Thị Trang – Hiệu trưởng Trường TH – THCS Mai Thúc Loan (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), cho rằng, mặc dù trao đổi với cha mẹ sẽ dễ hơn. Tuy nhiên, trong các buổi họp phụ huynh, số lượng ông bà tham dự nhiều hơn cha mẹ; việc quan tâm đến các em, nhất là học sinh có cha mẹ đi làm ăn xa là việc cần thiết.

Thực tế, một số cha mẹ có trình độ có thể biết mặt chữ, biết đọc, thuận tiện hơn trong việc kiểm tra bài tập về nhà của học sinh. Đối với ông bà lớn tuổi, chưa được học chữ Chăm bao giờ, nhà trường áp dụng phương pháp quay lại tiết dạy chữ tiếng Chăm, sau đó kết nối zalo gửi về cho gia đình.

“Như vậy, phụ huynh có thể được học với con qua các clip, chuẩn bị bài trước ở nhà, làm bài tập ở nhà. Nhờ phương pháp quay video, kiến thức của học sinh về ngôn ngữ tiếng Chăm được cải thiện hơn. Từ các clip, phụ huynh có thể chỉnh sửa khi con viết hoặc đọc sai, giúp việc học của con đạt hiệu quả hơn”, cô Trang nói.

Về một số khó khăn còn gặp tại Trường TH – THCS Mai Thúc Loan nói riêng và các trường dạy tiếng Chăm trên địa bàn huyện Ninh Hải nói chung, cô Trang cho rằng, hiện nay, sách giáo khoa mới chưa được ban hành, hiện tại vẫn đang sử dụng sách cũ, gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học tiếng Chăm.

Bên cạnh đó, theo quy định chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn học tiếng Chăm là môn học tự chọn nên không được bố trí biên chế giáo viên giảng dạy. Tuy nhiên, trường TH-THCS Mai Thúc Loan là đơn vị bắt buộc dạy học bộ môn tiếng Chăm, tình hình biên chế không đáp ứng đủ, việc bố trí giáo viên dạy tiếng Chăm gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, nhà trường phải tăng cường giáo viên cấp THCS dạy một số tiết Giáo dục thể chất, Tin học cấp TH; giảm các tiết ôn tập của các khối lớp cấp TH để ưu tiên bố trí đủ các tiết dạy tiếng Chăm theo quy định; Chính phủ cần bố trí biên chế giáo viên dạy tiếng Chăm cho những trường bắt buộc dạy tiếng Chăm.

bf02b54cb97801265869.jpg
Huyện Ninh Hải có 2 trường đang triển khai dạy và học tiếng Chăm là Trường TH – THCS Mai Thúc Loan và Trường TH An Nhơn.

“Song song đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành sách giáo khoa mới, giúp thuận tiện hơn để giáo viên xây dựng Kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy, công tác giảng dạy đạt hiệu quả hơn; trang bị thiết bị dạy học theo chương trình sách giáo khoa mới. Sau khi ban hành sách giáo khoa mới, trong những năm tiếp theo cần tái xuất bản để tiện cho việc trang bị cho học sinh”, cô Trang nhấn mạnh.

Đánh giá cao công tác dạy và học tiếng dân tộc thiểu số tại huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận), ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Vụ trưởng Giáo dục dân tộc (Bộ GD&ĐT), khẳng định, dạy và học tiếng dân tộc thiểu số là điều kiện để góp phần bảo tồn, giữ gìn, phát huy, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận cần xây dựng nhóm sinh hoạt chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS. Tính tới thời điểm hiện tại, sách giáo khoa đã biên soạn, dự kiến trong năm nay sẽ phối hợp các sở ban ngành triển khai công tác in ấn và phát hành.

Huyện Ninh Hải có 2 trường đang triển khai dạy và học tiếng Chăm, gồm: Trường TH – THCS Mai Thúc Loan thực hiện 2 tiết/tuần ở lớp 5 và 2 tiết/tuần từ lớp 1 đến lớp 4; Trường TH An Nhơn thực hiện 2 tiết/tuần từ lớp 1 đến lớp 5.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...