Bên cạnh nhiều cha mẹ muốn con tự lập, không ít phụ huynh quan tâm và bao bọc trẻ quá mức. Song, thực tế, việc mặc kệ với mong muốn con tự lập, hay bao bọc con quá cũng đều mang lại những hậu quả cho trẻ.
Cha mẹ cũng phải học
Dạy con tự lập đang là xu hướng giáo dục ngày càng được các phụ huynh hiện đại ưa chuộng. Việc để trẻ tự lập ngay từ khi còn nhỏ là điều cần thiết. Bởi, thực tế, việc tự lập sẽ mang lại lợi ích cho cả chính bản thân trẻ và cha mẹ. Trẻ có thể tự làm những công việc cá nhân mà không phụ thuộc hay ỷ lại vào người lớn. Việc này cũng giúp trẻ hình thành thói quen chủ động từ sớm mà đáng ra con sẽ phải mất thời gian tương đối lâu để học.
Tuy nhiên, với phương châm dạy con tự lập, không ít phụ huynh sẵn sàng “mặc kệ” trẻ trong mọi việc. Chia sẻ về vấn đề này, nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết: “Người ta dạy con tự lập theo mẹ Nhật, mẹ Pháp, mẹ Mỹ, mẹ Do Thái. Tôi không phủ nhận rằng, những cuốn sách đó không bổ dọc thì cũng bổ ngang, cha mẹ chịu đọc thì những người viết sách, dịch sách, bán sách như chúng tôi cũng thêm được tiền nuôi con. Nhưng những cuốn sách đó sẽ chẳng có giá trị mấy với mẹ Việt dạy con đâu, khi mà xung quanh các con còn rất nhiều người Việt ỷ lại, ‘làm gương’ cho các con thấy tự lập giống bỏ mặc con cái”.
Nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết, bản thân từng chứng kiến những đứa trẻ được dạy về tự lập bằng cách bố mẹ thờ ơ khi con ngã. Đứa trẻ ngã xong thì đứng dậy như mong đợi của bố mẹ, nhưng đôi mắt ngân ngấn nước vì tủi thân, khi bố mẹ không lau giùm. Thậm chí, bố mẹ còn quát: “Có tí thế mà cũng khóc. Đàn ông con trai gì mà mít ướt thế?”. Khi đó, thứ đứa trẻ học được về tự lập chỉ là những tủi thân giấu kín trong lòng.
Nam nhà văn nhận định, tự lập không phải là bỏ mặc đứa trẻ tự làm tất cả mọi thứ, mà phải là dạy con độc lập. Độc lập trong cuộc sống, độc lập trong sinh họat và suy nghĩ. Trong khi thực tế, sự độc lập cũng là thứ mà chính các cha mẹ phải học.
“Như chuyện chào hỏi mà chúng ta dùng nó để ‘định giá’ một đứa trẻ lễ phép hay không? Một đứa trẻ nếu chào hỏi chỉ để bố mẹ vui lòng, bố mẹ không quắc mắt quát mình, bố mẹ hân hoan vì con mình lễ phép thì đó đã phải là một đứa trẻ độc lập chưa? Hay nó chỉ là một đứa trẻ nhìn cơ mặt của cha mẹ mà sống?
Vẫn biết có những thứ thuộc về nguyên tắc lịch sự mà chúng ta cần phải dạy trẻ, nhưng một khi dạy trước quên sau như thế thì thường là bởi đứa trẻ đang phải đối phó với cha mẹ chứ không phải chúng đã học và hiểu. Một đứa trẻ độc lập là đứa trẻ nhận thức được việc chào hỏi đó là nguyên tắc lịch sự tối thiểu chứ không phải vì sợ bố mẹ mắng”, nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ.
Việc dạy trẻ độc lập là vô cùng quan trọng. Ảnh minh họa. |
Việc dạy một đứa trẻ độc lập vốn chỉ cần sự tôn trọng mà cha mẹ dành cho chúng. Ví dụ, khi trẻ muốn mặc chiếc áo lông cừu khi đi ngủ, cha mẹ hãy đồng ý và coi đó là một ý tưởng hay để dạy con. Bởi, đó là một kết quả tồi khiến con nóng không ngủ nổi, cũng như là bài học về trách nhiệm. Con phải chịu trách nhiệm với điều đó và sẽ phải tự giải quyết điều đó. Bố mẹ sẽ tư vấn thêm cho con những lựa chọn tốt hơn.
“Một đứa trẻ độc lập là một đứa trẻ mà cha mẹ đừng cắt cụt đôi cánh sáng tạo bay bổng của chúng. Trên nền tảng là những nguyên tắc mà cha mẹ lẫn con cùng phải thực thi. Nó phải hội tụ đầy đủ 2 vế đó. Cho con thoả sức nhưng trong khuôn khổ - nguyên tắc đặt ra là cho cả con lẫn bố mẹ.
Chúng ta không thể dạy con nguyên tắc 9 giờ tối đi ngủ để đảm bảo sức khoẻ trong khi chính chúng ta thức trắng đêm xem một bộ phim ngôn tình hay một trận bóng. Nguyên tắc đặt ra 9 giờ con đi ngủ thì cũng phải có nguyên tắc bố mẹ sẽ đi ngủ vào giờ thích hợp. Nếu bố mẹ ngủ muộn hơn thì đó là lý do hợp lý và cả con cũng có thể ngủ muộn hơn nếu con đưa ra lý do hợp lý. Sự tôn trọng và bình quyền, bình đẳng trong gia đình chính là cách dạy con độc lập”, anh Hoàng Anh Tú cho biết.
Theo nhà văn này, việc dạy trẻ tự lập là tốt. Tuy nhiên, việc dạy trẻ độc lập còn tốt hơn. Khi đó, trẻ sẽ cảm thấy được cha mẹ tiếp nhận, lắng nghe chứ không phải cái gì cũng bắt ép, yêu cầu và đòi hỏi. Bởi, tự lập có nghĩa là con phải tự làm cái này, con phải tự làm cái kia, con không được ỷ lại, không được vi phạm. Trong khi đó, độc lập là con sẽ làm, muốn làm, quyết định, con tự chịu trách nhiệm. Quan trọng hơn cả, con sẽ thấy chính bố mẹ cũng đang như thế, như con. Chứ không phải là bố, mẹ thì có thể làm gì cũng được.
“Chúng ta quá nhiều thiếu sót và lỗi sai đấy chứ! Hãy để việc dạy con trở thành học cùng con. Để bố mẹ cũng cần phải sửa sai, xin lỗi con và muốn học từ con. Và cuối cùng, dạy con trở thành một đứa trẻ độc lập có thể khiến cha mẹ không vui đâu. Vì đứa con độc lập có thể khiến cha mẹ… tủi thân.
Như bản thân tôi, nhiều lần, bị con từ chối giúp đỡ khi chúng muốn thử khả năng của chúng. Nhưng bù lại, tôi cảm thấy hạnh phúc mỗi khi chúng hoàn thành thử thách. Nhìn cái cách chúng hạnh phúc, là bố mẹ, thật sự tôi hạnh phúc lây”, nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ.
Trẻ tự lau mặt tại Trường Mầm non Tiên Phong (TX Phổ Yên, Thái Nguyên). Ảnh minh họa: ITN. |
Thể hiện sự đồng cảm
Trong khi đó, chị Vũ Ngọc Quỳnh Anh (Alicia Vu) - chuyên gia tư vấn phụ huynh và tâm lý trẻ trẻ em cho biết, chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên “Tây hoá” hơn, tự lập hơn. Sự “Tây hóa không trọn vẹn” này vô tình khiến chúng ta quên mất đứa trẻ trước mặt mình cũng là một con người, cần được yêu thương và che chở. Con chẳng may ngã rất đau cũng mặc kệ vì “tự chơi, tự ngã được thì tự đứng dậy được”.
“Khoan đã nhé! Hãy dừng lại và hình dung bạn - một người lớn có đầy đủ kỹ năng xã hội và hiểu biết về thế giới xung quanh - bị va chạm xe cộ. Bạn rất đau, còn chảy máu và hình như gãy chân rồi. Bố mẹ bạn đi ngang qua, chỉ nhìn và nói ‘tự ngã thì tự đứng lên và về nhà đi’. Thật sự bạn cảm thấy thế nào?”, chị Quỳnh Anh chia sẻ.
Theo nữ chuyên gia này, trong tình huống đó, có thể bằng cách nào đó, người lớn chúng ta vẫn sẽ đứng lên và đi về nhà được. Song, chắc chắn kể từ ngày hôm đó, chúng ta sẽ không bao giờ tìm về gia đình khi gặp bất kỳ đau khổ hay khó khăn nào trong cuộc đời. Mọi người nghĩ chúng ta đã mạnh mẽ và trưởng thành hơn và có thể chính bản thân ta cũng tưởng như vậy. Tuy nhiên, thực tế là chúng ta đang tổn thương, cô đơn và biết là mình chẳng có chỗ dựa nào cả.
“Vậy thì một đứa trẻ với kỹ năng và hiểu biết chưa hoàn thiện, sẽ nhận thức về tình yêu, sự tử tế và về thế giới này như thế nào? Có nhiều cách để dạy con về trách nhiệm và sự tự lập mà không cần phải vô cảm và tàn nhẫn. Cha mẹ không cần phải “đánh chừa cái đất” để thể hiện sự che chở và yêu thương. Hãy chọn mức ở giữa, đó là nếu thấy con thật sự đau, hãy đến ôm con vào lòng và nói: “Con đau hả? ra đây mẹ/ bố thương!”, chuyên gia Quỳnh Anh cho biết.
Ngoài ra, cha mẹ cũng không cần đổ lỗi cho ai, hoặc phủ nhận cảm xúc của đứa trẻ cũng như yêu cầu con làm gì tiếp theo (tự đứng lên chẳng hạn). Thay vào đó, cha mẹ chỉ cần đồng cảm. Bên trong mỗi đứa trẻ là một cá thể thông minh và có sức mạnh hơn chúng ta tưởng. Chỉ cần thế thôi là chúng đã hiểu bị ngã thì đau, muốn không đau thì phải cẩn thận đừng để bị ngã. Hơn cả, khi chứng kiến cách cư xử của cha mẹ, trẻ cũng học được rằng, khi thấy người khác khó khăn hay đau đớn, hãy đồng cảm và giúp đỡ thay vì chỉ trích.
Nữ chuyên gia này nhận định, khi cha mẹ khắc nghiệt lúc trẻ còn nhỏ và đang phải dựa vào phụ huynh, thì khi cha mẹ già đi và phải dựa vào con, chúng cũng sẽ khắc nghiệt với cha mẹ. Nếu cha mẹ cô lập con khi chúng gặp vấn đề vì muốn trẻ tự lập, thì khi gặp vấn đề, trẻ cũng sẽ tự cô lập bản thân. Một số phụ huynh cho rằng, cha mẹ từng đối xử với họ như vậy, thậm chí khắc nghiệt hơn. Đó là vì các phụ huynh này chưa từng trải qua cách giáo dục tốt hơn.
“Trong chương trình ‘Cha mẹ thay đổi’ trên VTV7, ở tập đầu tiên, em bé 11 tuổi đã vừa khóc vừa nói thế này: ‘Con không cần mẹ phải trở thành cái gì xuất chúng hay ghê gớm cả. Con chỉ cần mẹ hãy là người đừng làm con đau buồn bất kỳ chuyện gì’.
Muốn hiểu trẻ con, hãy nghe trẻ con nói! Thứ cần nhất cha mẹ thế hệ này nên cho con là một nơi chúng luôn có thể quay về, sau khi chiến đấu với những thay đổi chóng mặt và khắc nghiệt của cuộc đời. Đó là một nơi khiến chúng luôn cảm thấy bình yên, được yêu thương mỗi khi nhớ về”, chị Vũ Ngọc Quỳnh Anh chia sẻ.
Cha mẹ đã quen với việc dẫn đường, dạy dỗ và hướng dẫn con. Thậm chí bạn có thể tin rằng trẻ phải tin tưởng người lớn chứ không phải ngược lại. Tuy nhiên, chính chúng ta cũng nên tin tưởng vào thế mạnh và mong muốn của con nhiều hơn, và truyền cho con niềm tin vào khả năng của mình. Đây là cách tốt nhất để nuôi dạy những đứa trẻ tự tin và có lòng tự trọng cao.