'Mặc kệ' con có 'tự lớn'?

GD&TĐ - Cha mẹ có thể “mặc kệ” trẻ tùy từng trường hợp nhưng vẫn cần hướng dẫn, chỉ bảo để con được phát triển tốt, nhất là quá trình nuôi dưỡng cảm xúc.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh.

Có thể khiến con phải trả giá đắt

Nhiều cha mẹ có quan niệm về dạy con tự lập, thường cho rằng nó khóc cứ để nó khóc, nó ngã cứ để nó tự đứng lên, nó làm sai phải để nó chịu phạt... Quan niệm này không sai, nhưng thật sự chúng ta hiểu chưa đúng ý nghĩa và đang làm sai.

Dạy trẻ tự lập là cha mẹ cho trẻ sự hướng dẫn và tin vào trẻ có thể làm, chứ chưa bao giờ bỏ mặc trẻ.

Trẻ đến với thế giới này thông qua cha mẹ. Con có giấc mơ của con, có nhiệm vụ cuộc đời của con, tài năng riêng của con, con sẽ tỏa sáng theo đúng tài năng của con. Mỗi người cha, người mẹ cần đồng hành cùng con, định hướng cho con, giúp con trưởng thành trong cuộc đời này để con sống cuộc đời của chính con, để tài năng trong con được bộc lộ. Đây chính là nhiệm vụ quan trọng nhất trong cuộc đời của người làm cha, làm mẹ.

Trường đời chính là trường học dạy chúng ta trưởng thành. Chúng ta trưởng thành thông qua vấn đề, thông qua vấp ngã, nỗi đau. Do đó, đối với trẻ, nếu mình để mặc kệ con tự lớn, cũng như một cây con không có sự uốn nắn, chăm sóc thì nó sẽ không biết mọc thế nào, không biết hành trình tiếp theo sẽ ra sao.

Một người mà không được dẫn dắt, không được chỉ bảo, định hướng, không được khích lệ động viên thì cũng giống như một người mù không nhìn thấy đường để đi. Các con sẽ không biết cách làm thế nào để trưởng thành, như vậy sẽ dễ vấp ngã trong cuộc đời.

Có những đứa trẻ trưởng thành từ nội động lực bên trong cơ thể, nhưng tỷ lệ đó không nhiều. Nhiều bạn trẻ trưởng thành từ những vấp ngã, nỗi đau trong cuộc đời. Các bạn đó sẽ tự tin hơn, trưởng thành sớm hơn và được tôi luyện nhiều hơn. Tuy nhiên, để học được những bài học đắt giá, “xương máu” đó các bạn có thể sẽ phải trả những giá rất đắt trong cuộc đời.

Nếu để mặc kệ cho con tự lớn hoàn toàn thì có thể trẻ sẽ va vấp bởi các tệ nạn, thói hư tật xấu, niềm tin giới hạn rằng mình không làm được cái này cái kia, bị mắc kẹt trong chính nỗi đau của mình. Khi đó, trẻ sẽ trở nên vô cảm bởi con không được quan tâm, chăm sóc. Con sẽ bị tổn thương về mặt cảm xúc và tinh thần.

Một người không thể cho người khác thứ mà họ không có thì khi trưởng thành, những đứa trẻ mang trong mình đầy những tổn thương kia cũng sẽ không biết cách quan tâm và yêu thương người khác. Từ đó có thể dẫn đến rất nhiều hệ luỵ, sai lầm sau này trong cuộc đời.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Mặc kệ khiến con thấy mình không có giá trị

Ở bất kỳ lứa tuổi nào bố mẹ cũng không nên mặc kệ con của mình lớn, đặc biệt là các con ở độ tuổi dưới 18 tuổi. Vì 0 - 7 tuổi là giai đoạn đóng dấu vào vô thức của con, 7 - 14 là giai đoạn mô phỏng hóa người cha, người mẹ thần tượng của con, 15 - 18 tuổi là giai đoạn xã hội hóa, các con sẽ có nhiều mối quan tâm bên ngoài hơn.

Là cha, là mẹ cần phải định hướng cho con, cổ vũ động viên con, gửi niềm tin vào con nhưng không phải là không hỗ trợ con. Trong hành trình phát triển, sai lầm là cách con trưởng thành. Trong giai đoạn này, con rất cần cha mẹ đồng hành cùng con. Cha mẹ có những trải nghiệm, vốn sống nhiều hơn con nên sẽ đưa ra những bài học, lời khuyên và định hướng rất hữu ích cho con của mình.

Khi mặc kệ con trẻ tự lớn sẽ làm cho con cảm thấy mình không có giá trị trên cuộc đời này nữa. Con cho rằng cha mẹ không quan tâm, không yêu thương mình, mình vô dụng trong cuộc đời, từ đó dẫn đến việc chán ghét bản thân. Thậm chí, các con không còn muốn tồn tại trong cuộc đời này nữa, các con sẽ thu mình lại, trầm cảm hoặc tự kỷ, làm những việc không đúng đắn.

Từ thực tiễn, gia đình anh H. (Nam Định) đi sang Nga làm ăn, để con ở nhà với ông bà. Bố mẹ nghĩ rằng chỉ cần gửi tiền nuôi con cho ông bà và gửi đồ chơi cho con là đầy đủ, con mình sướng hơn rất nhiều so với những đứa trẻ khác. Vì ngày xưa bố mẹ thiếu thốn vật chất nên nghĩ giờ chỉ cần đảm bảo đầy đủ vật chất, cho con ăn ngon, mặc đẹp là được.

Tuy nhiên, bố mẹ lại không để ý đến cảm xúc của con, không quan tâm đến hành trình lớn lên của con, không gọi điện tâm sự với con. Kết quả là, khi đứa con học đến lớp 7 thì con bắt đầu bướng, hư, không nghe lời ông bà nữa.

Thật ra, bố mẹ đâu biết rằng cái con cần ở đây là sự quan tâm về tinh thần. Dinh dưỡng tâm lý chiếm 80% sự trưởng thành của đứa trẻ. Các con bây giờ đã lớn, cũng như cái cây trưởng thành rồi, đã hình thành các nhánh cây rồi để uốn lại thì không phải ngày 1 ngày 2 là làm được. Cha mẹ không biết làm cách nào, không đủ kiên nhẫn với con thì con rất dễ dàng sa ngã vào con đường sai lầm. Sau đó, người mẹ quyết định trở về Việt Nam để bắt đầu đồng hành với con, 2 mẹ con đã tìm đến chuyên gia để được tư vấn.

Trong quá trình đồng hành với trẻ, cô nhận thấy, bản chất của con không phải là đứa trẻ hư, láo, mà là do không có người dẫn dắt, định hướng. Ông bà ở cách xa thế hệ, chỉ chăm con ăn uống chứ không quan tâm đến cảm xúc, cảm nhận của con.

Con rất cô đơn, thiếu vắng sự đồng hành của người cha, người mẹ trong hành trình trưởng thành. Khi mình thiếu vắng tình cảm thì rất thèm khát sự quan tâm của người khác, con sẽ làm mọi cách để được quan tâm nhiều hơn, chú ý nhiều hơn nên có những hành động lạc lối như vậy. Khi cha mẹ hiểu được điều đấy thì sẽ đồng hành được cùng con trong hành trình làm lại cuộc đời, giúp con trưởng thành và phát triển tốt nhất.

Thạc sĩ Khoa học giáo dục - Chuyên gia Trị liệu tâm trí Nguyễn Thị Lanh đã có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý và phát triển tư duy. Cô được Hiệp hội ABNLP Hoa Kỳ cấp bằng Trainer, Master Coach về NLP (Lập trình ngôn ngữ tư duy); được Tổ chức Tad James Company cấp bằng Trainer về Trị liệu dòng thời gian…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ