Quá nhiều tự do, ít kỷ luật
Có thể các phụ huynh sẽ cảm thấy rất vui khi mua quà cho con mình. Thật tuyệt khi cho trẻ những thứ mà cha mẹ từng không có khi còn bé. Những bữa tiệc sinh nhật xa hoa, kỳ nghỉ dưỡng đắt đỏ, hàng loạt thiết bị điện tử và những trò giải trí liên miên…
Những điều đó nghe qua có vẻ như là yếu tố mang lại cho trẻ một tuổi thơ tuyệt vời.
Tuy nhiên, việc cho trẻ quá nhiều tài sản, đặc quyền và cơ hội thực sự có thể không tốt. Thực tế, trong một số trường hợp, nuông chiều con quá mức có thể để lại hậu quả suốt đời cho trẻ.
Nuông chiều con không chỉ là mua thật nhiều quà cho ngày lễ. Thực tế, nuông chiều trẻ cũng có thể liên quan đến việc cho con quá nhiều tự do và ít kỷ luật.
Các nhà nghiên cứu tại “Dự án Overindulgence” đã xác định ba loại quá nuông chiều.
Trước hết, đó là cho trẻ quá nhiều thứ. Dù đó là quá nhiều đồ chơi, hoạt động hay thiết bị điện tử, thì việc cho trẻ dùng quá nhiều đều có thể gây hại. Trẻ em cần thời gian nghỉ ngơi và cũng cần cơ hội để học cách tự giải trí.
Dạng nuông chiều thứ hai là bao bọc quá mức. Việc cha mẹ làm quá nhiều việc cho con sẽ ngăn cản trẻ học những kỹ năng cần thiết để đạt được sự độc lập. Làm bài tập về nhà cho trẻ hoặc giải cứu con khỏi mọi cảm xúc khó chịu… Những điều đó có thể cản trở sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Một yếu tố khác là cha mẹ không đặt ra đủ kỷ luật hoặc giới hạn cho trẻ. Điều này có thể bao gồm không giao việc nhà cho trẻ hoặc nhượng bộ mỗi khi con nổi cơn thịnh nộ.
Có nhiều nguyên nhân khiến cha mẹ nuông chiều con quá mức. Lý do phổ biến nhất là cảm giác tội lỗi.
Cha mẹ thường có xu hướng không muốn con mình phải làm việc nhà sau một ngày dài ở trường. Hoặc, cha mẹ có thể cố gắng đền bù việc không dành nhiều thời gian cho con bằng cách mua nhiều quà tặng trẻ.
Một lý do phổ biến khác khiến cha mẹ nuông chiều con quá mức là muốn con mình “hạnh phúc”. Vì vậy, thay vì nói “không” và có nguy cơ làm con khó chịu, các phụ huynh thường nhượng bộ và để trẻ có bất cứ thứ gì chúng muốn.
Đôi khi, cha mẹ không được trang bị đầy đủ kỹ năng để đối phó với các vấn đề về hành vi ở trẻ.
Nhiều phụ huynh không biết cách đối phó với những cơn giận dữ và sự thách thức từ con mình.
Vì vậy, nhằm khiến cuộc sống dễ dàng hơn trong thời gian ngắn, họ cố gắng hết sức để tránh việc kỷ luật con.
Bên cạnh đó, một số cha mẹ muốn con có một tuổi thơ tuyệt vời, thay vì những trải nghiệm tồi tệ như họ từng trải qua.
Những cha mẹ lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó có thể muốn đảm bảo rằng, con mình không “thiếu thốn”. Hoặc, cha mẹ lớn lên với phụ huynh nghiêm khắc có thể không đặt ra quy tắc cho con mình.
Đôi khi, trẻ em cần phải trực tiếp trải nghiệm thất bại. (Ảnh minh họa) |
Ảnh hưởng không tốt
Theo các chuyên gia, trẻ phải học rằng, con có thể sống mà không cần hầu hết mọi thứ. Khi có được mọi thứ mình muốn, trẻ bắt đầu nghĩ rằng, chúng không thể sống thiếu thiết bị mới nhất. Hoặc, chúng không thể tồn tại nếu không có giày thể thao mới. Điều quan trọng là dạy trẻ sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu.
Trẻ có thể nghĩ rằng, hạnh phúc bắt nguồn từ của cải vật chất. Sở hữu nhiều vật chất hơn sẽ giúp chúng có một cuộc sống thỏa mãn.
Phụ huynh có thể gửi một thông điệp rằng, có một mối liên hệ giữa giá trị vật chất và giá trị bản thân. Của cải vật chất có thể trở thành một biểu tượng địa vị cho những đứa trẻ coi điều quan trọng là phải thể hiện chúng có bao nhiêu.
Khi có nhiều đồ điện tử, quần áo và đồ chơi, trẻ thường có xu hướng không để tâm tới những món đồ đó. Một đứa trẻ có thể không quan tâm khi đồ vật bị hỏng và không để ý khi đồ vật bị mất. Do đó, trẻ sẽ không học cách chịu trách nhiệm.
Việc thiếu kỷ luật dạy cho trẻ em rằng, chúng không cần phải tuân theo các quy tắc. Khi các quy tắc không được thực thi, trẻ em bắt đầu tin rằng, luật lệ không được áp dụng cho chúng. Trẻ nghĩ, chúng ở trên các quy tắc. Từ đó, trẻ tin rằng, mình đặc biệt hơn những người khác.
Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ được nuông chiều quá mức phải vật lộn với hàng loạt vấn đề suốt đời. Những người trưởng thành được nuông chiều quá mức khi còn nhỏ cho biết, họ có cảm giác bất mãn thường xuyên. Nhiều người trong số này cho biết thường chi tiêu quá nhiều. Ngoài ra, nhiều người luôn cảm thấy bất hạnh và gặp khó khăn trong việc đương đầu với thực tế.
Nếu đang quá nuông chiều con mình, các phụ huynh cần tạo ra sự thay đổi tích cực trong gia đình. Đồng thời, chấm dứt những hành vi không lành mạnh có hại cho trẻ.
Khi bắt đầu nói “không” và ngừng nuông chiều con quá mức, phụ huynh có thể sẽ thấy các vấn đề về hành vi ngày càng tăng. Trẻ có thể sẽ “trả đũa” và làm mọi thứ trong khả năng để phá hoại những nỗ lực của cha mẹ.
Song, nếu kiên quyết hơn, cha mẹ sẽ dạy cho con mình những kỹ năng sống quý giá mà trẻ cần để trở thành một người có trách nhiệm khi trưởng thành.
Việc cho trẻ quá nhiều tài sản, đặc quyền và cơ hội thực sự có thể không tốt. (Ảnh minh họa) |
Biểu hiện của “cha mẹ trực thăng”
Nhiều phụ huynh có xu hướng bao bọc con quá mức thường muốn quản lý mọi chi tiết trong cuộc sống của trẻ. Những cha mẹ này thường xuyên quan sát con để đảm bảo trẻ đưa ra quyết định đúng đắn.
Đồng thời, muốn bảo vệ trẻ khỏi bất kỳ dấu hiệu khó chịu nào về thể chất hoặc tinh thần.
Bao bọc con quá mức thường bắt nguồn từ mong muốn của cha mẹ trong việc kiểm soát sự khó chịu của chính họ. Bởi, họ không thể chịu được việc chứng kiến con mình bị tổn thương, thất bại hoặc phạm sai lầm.
Trong trường hợp khác, cha mẹ cảm thấy tội lỗi về việc kỷ luật con mình và từ chối yêu cầu trẻ lãnh hậu quả.
Phụ huynh bao bọc con quá mức thường không thể buông bỏ và cho phép con mình khám phá những cơ hội mới. Đồng thời, những cha mẹ này không thể để con mình thất bại.
Tuy nhiên, nếu cha mẹ lao vào giải cứu con mình bất cứ khi nào chúng gặp khó khăn, trẻ sẽ không học được từ những sai lầm của bản thân. Nếu cha mẹ nhanh chóng cho con biết câu trả lời đúng mỗi khi chúng làm bài tập về nhà, trẻ sẽ không phát triển được kỹ năng giải quyết vấn đề.
Đôi khi, trẻ em cần phải trực tiếp trải nghiệm thất bại. Phục hồi sau thất bại mang đến cho trẻ cơ hội khám phá cách chúng có thể làm những điều khác biệt trong tương lai.
Nếu cha mẹ thường xuyên lo lắng về con, hoặc không thể chịu đựng được ý nghĩ đứa con 13 tuổi của mình băng qua đường với bạn bè, đó cũng là dấu hiệu của việc bao bọc quá mức.
Bởi, với sự quan tâm quá mức như vậy, cha mẹ có thể gián tiếp khiến trẻ không phát huy hết tiềm năng của bản thân. Các cha mẹ bao bọc con quá mức cũng thường có xu hướng cố gắng kiểm soát cách người khác đối xử với trẻ.
Nếu là người thường xuyên tranh cãi với giáo viên, huấn luyện viên, người giữ trẻ và người xung quanh về các quy tắc của họ hoặc cách trẻ được đối xử, điều đó có thể có nghĩa là phụ huynh đang bao bọc con quá mức.
“Cha mẹ trực thăng” thường gọi điện cho giáo viên để khiếu nại và cho rằng, con mình phải đạt điểm cao hơn. Song, việc cố gắng quản lý cách người khác đối xử với con mình là hành động không lành mạnh. Bởi, thực tế, trẻ em được hưởng lợi từ việc học các quy tắc khác nhau trong những môi trường khác nhau.
Theo các chuyên gia, đôi khi, việc bao bọc con quá mức bắt nguồn từ những kỳ vọng được đặt ra quá cao.
Ví dụ, cha mẹ có thể cho trẻ tham gia vào hàng chục hoạt động. Đồng thời, thậm chí có thể quản lý thời gian rảnh rỗi của trẻ để đảm bảo rằng, chúng luôn làm việc hiệu quả.
Trong trường hợp khác, việc bao bọc quá mức có thể xảy ra khi cha mẹ đặt những kỳ vọng quá thấp.
Những cha mẹ này không tin rằng, con mình có khả năng cư xử độc lập. Do đó, họ luôn lo lắng con mình không thể làm đúng và sẵn sàng làm mọi việc thay trẻ.
Ngoài ra, nếu cha mẹ không giao việc nhà, hoặc không mong đợi con mình tự lập, trẻ sẽ không học được các kỹ năng sống. Việc tránh cho trẻ chịu trách nhiệm sẽ chỉ gây hại cho chúng về lâu dài.
Theo các chuyên gia, cha mẹ nuôi dạy con theo cách ngăn cản việc phải trải qua bất kỳ lo lắng nào là hành vi không lành mạnh. Điều quan trọng là cho phép con mình tự do là một đứa trẻ. Bao bọc con quá mức có thể ngăn trẻ trải qua một tuổi thơ phong phú và đầy đủ để chuẩn bị cho chúng trở thành một người lớn có trách nhiệm hơn.