Cô giáo chỉ quy tắc '2 mặc kệ, 3 không bỏ qua' với con

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cô Phan Hồ Điệp (Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ quy tắc "2 mặc kệ, 3 không bỏ qua" với con, để giúp con trưởng thành lành mạnh.

Cô Phan Hồ Điệp tâm huyết với dự án “Lớp học Đậu ngọt” chia sẻ về các phương pháp nuôi dạy trẻ. (Ảnh: FBNV).
Cô Phan Hồ Điệp tâm huyết với dự án “Lớp học Đậu ngọt” chia sẻ về các phương pháp nuôi dạy trẻ. (Ảnh: FBNV).

"Mặc kệ” con tự làm

Thấy mẹ đang nhặt rau muống, con cũng sà vào muốn làm nhưng mẹ lại quát: “Con không làm được, mau ra kia chơi cho mẹ còn làm”. Điều đó làm con có chút tủi thân. Ừ thì, con nhặt rau mà lá đi đằng lá, thân đi đằng thân, lá úa với lá xanh chung một rổ nhưng mẹ có thể hướng dẫn con làm khi con đang hào hứng, thích thú.

Con thức dậy và muốn tự mặc quần áo nhưng mẹ nói: “Không, muộn rồi, con mặc thì bao giờ mới xong”. Điều đó làm con có chút thất vọng. Ừ thì, con cài cúc trên vào khuy dưới nhưng mẹ có thể kiên nhẫn một chút, hướng dẫn con khi con muốn phát huy tính tự lập.

Khả năng làm việc của trẻ chưa cao nhưng bố mẹ nên để con tự làm những việc trong khả năng của mình. Chúng ta hãy ở bên quan sát, động viên và chỉ dẫn để con làm đúng. Như vậy sẽ làm giảm bớt tâm lý dựa dẫm vào người lớn và giúp trẻ nâng cao khả năng tự xử lý việc của mình. Khi trẻ muốn làm và tự làm được sẽ có cảm giác thành tựu, cổ vũ trẻ tự lập hơn.

Tuy nhiên, mặc kệ nhưng vẫn cần hướng dẫn, chỉ bảo cho trẻ. Trẻ tự thân vận động không đồng nghĩa với việc muốn làm gì thì làm, bố mẹ vẫn cần có trách nhiệm giáo dục, chỉ bảo cho con để trẻ được phát triển tốt nhất.

"Mặc kệ” con quyết định

Khi phụ huynh thể hiện trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của con một cách thái quá, trẻ sẽ mất cơ hội hình thành tính trách nhiệm.

Tính trách nhiệm của trẻ sẽ được hình thành từ chính những lúc được ra quyết định – trẻ sẽ phải suy xét cẩn thận và có chính kiến; từ lúc phải nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ của mình vì mình đã lựa chọn...

Trước tất cả những đắn đo của trẻ, bố mẹ hãy đề nghị con liệt kê những điều thuộc về 2 nhóm “có lợi” và “bất lợi/nguy cơ” cho từng sự lựa chọn. Hãy để con so sánh, cân nhắc rồi đi đến quyết định cuối cùng.

Đứa trẻ lớn lên thành kiểu người ra sao đều do sự giáo dục của cha mẹ. (Ảnh minh họa: INT)

Đứa trẻ lớn lên thành kiểu người ra sao đều do sự giáo dục của cha mẹ. (Ảnh minh họa: INT)

Không được bỏ qua khi con không tuân thủ các quy tắc

Khi đứa trẻ không tuân thủ các quy tắc, bố mẹ nhất định không thể nuông chiều, nếu không hành vi này của đứa trẻ sẽ tái diễn sau này, không chỉ ở nhà, mà còn khi đến trường học, ra xã hội, hoàn toàn không có sự kiêng nể. Bỏ qua, có nghĩa là cha mẹ chấp nhận hành vi không đúng của con.

Không được làm trái quy tắc không có nghĩa là luôn ép con phải trong khuôn khổ, tạo sự ức chế, khó chịu. Chúng ta cũng cần tôn trọng suy nghĩ của con, hãy chia sẻ, phân tích đúng sai cho con hiểu, linh động với việc làm của con khi có thể.

Không được bỏ qua khi con không lịch sự

Sự thật không thể chối cãi là nhiều trẻ em cư xử kém, hay bất lịch sự và thiếu tôn trọng người lớn so với thế hệ trước.

“Nó còn nhỏ, đã biết gì đâu”, nhiều người nghĩ vậy khi đứa trẻ làm sai, có khi là lời bênh con của cha mẹ khi con mình mắc lỗi với người khác. Chính suy nghĩ đó khiến đứa trẻ ngày càng sai nhiều hơn, tự phụ.

Trẻ em học hỏi rất nhanh, do vậy điều quan trọng là người lớn phải giúp chúng nhận ra lỗi và sửa sai. Những thứ mà trẻ biết khi đến với thế giới này đều cần sự chỉ bảo của người khác.

Cha mẹ hay bất cứ ai khi thấy trẻ làm sai, bất lịch sự thì hãy nhắc nhở ngay và chỉ cho con cách làm đúng.

Chẳng hạn, những điều trẻ con hay mắc như: Cắt ngang lời người khác; Không che miệng khi ho hay hắt hơi; Nhai chóp chép ra tiếng khi ăn; Nhìn chằm chằm và chỉ tay vào người đối diện; Không nói lời cảm ơn và xin lỗi...

Không được bỏ qua khi con nói dối

Nhiều bố mẹ cảm thấy vui vẻ, hài hước khi con mình nói dối. Với vẻ mặt lí lắc, đáng yêu không có nghĩa là lời nói dối của trẻ được vui vẻ chấp nhận.

Những điều trẻ nói dối có thể rất nhỏ và cha mẹ cũng cảm thấy bình thường, bỏ qua thì rất có thể, sau đó đứa trẻ không bao giờ có thể thoát khỏi hành vi như vậy, lớn lên chúng vẫn có thói quen nói dối.

Sự phát triển đạo đức của trẻ cũng bắt đầu hình thành từ khi đó. Việc nói dối của trẻ được duy trì từ lúc nhỏ đến khi lớn lên sẽ trở thành thói quen, tính cách.

Những đứa trẻ nhỏ thường có khuynh hướng nói dối để đạt được mục đích cá nhân, trong khi những đứa lớn hơn bắt đầu đoán được cảm giác của người khác khi chúng nói dối. Và xa hơn là lời nói dối đó gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Cha mẹ hãy nhắc nhở ngay khi trẻ nói dối để con nhận thức được việc đó là sai và không bao giờ lặp lại nữa.

Một đứa trẻ thành công khi cân bằng giữa trí tuệ và đạo đức, kỹ năng sống. Trí tuệ của trẻ, cha mẹ khó can thiệp, nhưng thay đổi kỹ năng sống thì có thể rèn luyện cho con ngay từ bây giờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dấu hiệu rạn nứt

GD&TĐ - Quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ và Israel đang có dấu hiệu rạn nứt do bất đồng quan điểm trong kế hoạch quân sự tại Gaza của quân đội Do Thái.
Hệ thống S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ.

'Không có chuyện S-400 đến Kiev'

GD&TĐ - Theo Forbes, cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều vừa tái khẳng định, không có chuyện họ gửi những hệ thống phòng thủ S-300 và S-400 cho Ukraine.
Minh họa/INT

Đạo đức của cầu thủ

GD&TĐ - Ngày 9/5, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ra thông báo về việc cấm thi đấu đối với 5 cầu thủ Hà Tĩnh vừa liên quan đến việc sử dụng ma túy hôm 4/5.