Dạy trẻ kỹ năng... kết bạn

GD&TĐ - Theo bà Rachelle Theise - Giáo sư trợ lý và nhà tâm lý học trẻ em tại Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em NYU ở New York (Mỹ), tình bạn rất quan trọng để giúp trẻ cải thiện khả năng giao tiếp, chia sẻ, giải quyết vấn đề.

Trẻ cần học kỹ năng để tự tin hơn khi kết bạn.
Trẻ cần học kỹ năng để tự tin hơn khi kết bạn.

Bạn bè giúp trẻ học cách hòa đồng với những người khác và tương tác với thế giới.

Nuôi dưỡng các kỹ năng xã hội

Theo nhà tâm lý học và chuyên gia phát triển trẻ em Gail Gross, một số trẻ có bản tính nhút nhát. Điều đó có thể là rào cản đối với trẻ trong việc phát triển tình bạn. Tuy nhiên, đó là một trong những điều cha mẹ có thể giúp trẻ vượt qua. Tiến sĩ Gross cho biết, phụ huynh có thể dạy con những kỹ năng để trẻ tự tin và thoải mái hơn khi kết bạn.

Theo Tiến sĩ Gross, trước hết, trẻ cần thực hành chào hỏi. Phụ huynh có thể khuyến khích trẻ bắt chuyện và hỏi tên người nào đó. Hoặc, cha mẹ đề xuất một hoạt động mà trẻ có thể chơi với bạn cùng lứa.

“Thực hành và luyện tập các kỹ năng xã hội trong một môi trường an toàn và ấm áp sẽ hỗ trợ con bạn. Trẻ sẽ được thực hành kỹ năng xã hội phù hợp với lứa tuổi. Trẻ cũng có thể thực hành chào hỏi với các thành viên trong gia đình và bạn bè, cho đến lúc con cảm thấy thoải mái hơn khi gặp một người mới”, chuyên gia này cho biết.

Trẻ có thể bắt đầu với các bước nhỏ. Tiến sĩ Gross gợi ý, cha mẹ có thể bắt đầu bằng cách cho trẻ tiếp xúc từng chút một mỗi ngày.

Trong khi đó, Tiến sĩ Thiese nhận định: “Những đứa trẻ nhút nhát cảm thấy thoải mái hơn trong chính ngôi nhà của chúng. Vì vậy, hãy tổ chức một buổi vui chơi tại nhà và có những hoạt động yêu cầu sự tham gia nhiều hơn. Bằng cách này, con sẽ không bị choáng ngợp với một môi trường mới”.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên bỏ qua việc kề bên trẻ. Tiến sĩ Gross giải thích, ban đầu, điều quan trọng là phụ huynh phải ở bên trẻ một cách nhất quán khi con tương tác với các bạn. Nếu có thể, phụ huynh nên để mắt tới trẻ. Nhờ đó, cung cấp hỗ trợ khi trẻ cần.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là cha mẹ cần xây dựng lòng tin ở trẻ. Tiến sĩ Gross nói: “Nếu cha mẹ nói với con rằng, trẻ sẽ được chơi với các bạn trong 30 phút, hãy đúng giờ. Hãy xây dựng sự tự tin, năng lực xã hội và tin tưởng dựa trên kinh nghiệm. Nếu trẻ có thể tin tưởng cha mẹ, con sẽ học cách làm vậy với bản thân và những người khác”.

Trẻ có thể chủ động bắt chuyện để kết bạn.

Trẻ có thể chủ động bắt chuyện để kết bạn.

Các hoạt động khuyến khích trẻ kết bạn

Trẻ em thường có thể tạo dựng các mối quan hệ của riêng mình. Tuy nhiên, trẻ có thể cần giúp đỡ trong việc điều hướng các tình huống xã hội này. Bonnie Toth - giáo viên mầm non ở Las Vegas, nhận định, hiểu lầm giữa trẻ có thể gây ra nhiều rắc rối. Vì vậy, điều quan trọng là phụ huynh giúp trẻ biết sử dụng từ ngữ đúng mực để nói với bạn khi con đang buồn.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần dạy trẻ nói xin lỗi bạn nếu con sai. Nữ giáo viên tiểu học Janet Nasir - bà mẹ hai con ở Rancho Cucamonga, California, gợi ý, sau khi trẻ xin lỗi, phụ huynh có thể nói những câu như: “Làm thế nào cha/mẹ có thể khiến con cảm thấy tốt hơn?”. Trong trường hợp trẻ nói rằng không có ai để chơi cùng vào giờ giải lao, cha mẹ hãy đề nghị con bắt chuyện với các bạn.

Ngay cả khi trẻ không nhút nhát, việc giúp con kết bạn không chỉ có nghĩa là đăng ký cho bé tham gia các hoạt động nhóm như múa ba lê hoặc bóng rổ. Có nhiều cách giúp hình thành quan điểm của trẻ về tình bạn, phát triển các kỹ năng xã hội và tạo cơ hội để bé kết nối với những bạn có cùng sở thích.

Ông Lee Scott - thành viên Ban Cố vấn Giáo dục của Trường Goddard và là nhà tư vấn giáo dục ở Okatie, Nam Carolina, cho biết: “Trẻ em học được rất nhiều điều thông qua lời kể của một câu chuyện tuyệt vời. Hãy tìm những cuốn sách nói về tình bạn, lòng trắc ẩn và sự chia sẻ. Các nhân vật, cảm xúc và kết quả của câu chuyện sẽ giúp trẻ học cách trở thành một người bạn”.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể dành thời gian tham gia các trò chơi. “Trò chơi là một cách tuyệt vời để giúp trẻ học cách thay phiên nhau tham gia. Điều đó vô cùng cần thiết để trẻ trở thành một người bạn tuyệt vời”, ông Scott nói. Chuyên gia này gợi ý, trẻ có thể bắt đầu với những trò chơi dễ. Sau đó, cha mẹ có thể tăng cấp độ trò chơi khi trẻ cảm thấy thoải mái. “Sau khi trẻ học cách tham gia một trò chơi, hãy mời một người bạn của con đến. Sau đó, hãy để trẻ cùng chơi trò đó với nhau”, ông Scott chia sẻ.

Bên cạnh đó, học cách giúp đỡ người khác cũng có thể khiến trẻ dễ kết bạn hơn. Trẻ em học cách đồng cảm, quan tâm và xem xét các khía cạnh khác bằng cách tham gia vào những hoạt động giúp đỡ mọi người xung quanh. Phụ huynh có thể yêu cầu trẻ giúp cha mẹ những công việc đơn giản, như tặng thiệp cho một người bạn đang ốm, mang đồ chơi không dùng đến để từ thiện, hoặc làm bánh cho một người hàng xóm.

Cũng theo ông Scott, phụ huynh nên tạo cơ hội cho trẻ kết bạn. Cha mẹ có thể chọn một hoạt động có kết thúc mở, cho phép trẻ sáng tạo, như các trò chơi ở công viên hoặc sân chơi. Đồng thời, phụ huynh cũng được khuyến khích thể hiện kỹ năng xã hội. Cha mẹ có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội - tình cảm thông qua khuyến khích và làm gương.

“Khi thấy con mình có những hành vi thân thiện, như chia sẻ và thay phiên với các bạn, hãy khen ngợi chúng. Điều này khuyến khích trẻ lặp lại những hành vi tích cực. Bằng cách làm mẫu cho những hành vi tích cực, thân thiện, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ làm điều tương tự”, ông Scott cho biết.

Theo Parents

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.