Nhận diện cảm xúc
Dạy trẻ cách nhận diện các dạng cảm xúc là việc làm cần thiết, giúp trẻ tích luỹ kỹ năng và trở nên nhạy cảm trong các mối quan hệ xung quanh.
Theo ThS tâm lý học Nguyễn Văn Quyết – Phó Phòng chuyên môn, Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày Mới: Ngay từ 9 tháng tuổi, trẻ đã có các biểu hiện cảm nhận được lạ, quen, ai là người tạo ra cảm giác an toàn. Từ 3 tuổi, trẻ đã thể hiện những cảm xúc như vui, buồn, tức giận, ngạc nhiên… Tuy nhiên, để hiểu được cảm xúc thì trẻ cần được học khái niệm về cảm xúc trước.
Để nhận diện sớm những cơn “bốc hoả” từ người đối diện, cha mẹ cũng cần dạy con các biểu hiện của cảm xúc. Ví dụ, vui thì biểu hiện như thế nào? Người ta sẽ cười, nét mặt thư giãn và giọng nói nhẹ nhàng... Khi tức giận, thường có các biểu hiện như: Lông mày hạ xuống, kéo lại gần nhau; Trừng mắt và môi mím lại; Mặt đỏ, giọng nói gay gắt, có thể có các hành động làm tổn thương người khác hoặc làm hỏng đồ vật...
Một trong những phương thức hữu hiệu là cha mẹ cũng cần học các kỹ năng chia sẻ cảm xúc với con. Chia sẻ với con cảm xúc của mình là cách dạy con hiểu được cảm xúc của người khác. Và quan trọng hơn là con có thể chia sẻ cảm xúc với cha mẹ. Điều này giúp tránh việc trẻ phải kìm nén, tạo ra những cảm xúc tiêu cực.
Ví dụ, bạn có thể chia sẻ với con, “hôm nay mẹ rất vui, hạnh phúc vì con đã hỗ trợ mẹ làm việc nhà” hay “mẹ cảm thấy không vui vì con bừa bộn”...
Việc trẻ có thể nói lên cảm xúc của mình như đang thấy rất vui, hoặc cảm thấy rất buồn/tức giận... rất quan trọng. Đó là cách trẻ có thể giải tỏa cảm xúc tiêu cực của mình. Nó là quá trình mà cha mẹ cần cùng con tập luyện hàng ngày.
ThS tâm lý học Nguyễn Văn Quyết cho rằng: Cảm xúc là thứ đang hay bị chối bỏ nhất. Ví dụ khi trẻ nói: Con đang buồn quá, thì cha mẹ lại hay có phản ứng kiểu thờ ơ hoặc nói chung chung kiểu “làm gì mà phải buồn, không việc gì phải buồn cả”… Cha mẹ cần hiểu, đây là cơ hội tuyệt vời để chia sẻ, kết nối về cảm xúc với con. Qua đó chúng ta đi sâu vào thế giới của con, hiểu và chia sẻ với con những khó khăn trong cuộc sống.
Cha mẹ có thể chậm lại và tìm nguyên nhân “điều gì khiến con buồn thế”, đồng thời lắng nghe, chia sẻ tâm tư của con. Bằng cách này, con sẽ cảm thấy mình được lắng nghe và dễ dàng chia sẻ hơn.
Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ học cách nói lên cảm xúc của mình. Đồng thời, hướng dẫn trẻ tránh xa những tác nhân kích thích cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, khi người nào đó có thái độ giận dữ, mình có thể tạm lánh, tự cân bằng. Với cha mẹ, thầy cô, nguyên tắc đầu tiên là lắng nghe rồi lựa cơ hội giải thích, tuyệt đối tránh “cãi cố” sẽ đẩy tình huống tới bất lợi.
Nhận diện tốt cảm xúc của bản thân và người khác là cách tốt nhất giúp mỗi người phòng xa những bất lợi trong giao tiếp. Điều này có thể giúp trẻ trở nên tinh tế, đáng yêu hơn, tránh được xung đột không đáng có với người đối diện.
Kiểm soát cảm xúc - kiềm chế bất lợi
Bà Nguyễn Kiều Linh - Tổng Giám đốc FCE Việt Nam (For Children Education Vietnam) - đối tác toàn cầu của Tập đoàn giáo dục Franklin Covey Worldwide (Hoa Kỳ) chia sẻ: Chương trình LiM – Leader in Me (Lãnh đạo bản thân) tập trung rèn cho trẻ 7 thói quen tốt, trong đó có thói quen Sống chủ động.
Một trong những nội dung quan trọng của thói quen đầu tiên này chính là cần rèn cho trẻ cách “Nhấn nút tạm ngừng phản ứng”. Ở đó, yêu cầu trẻ hiểu về tạm ngừng phản ứng và kiểm soát nếu con “nhấn nút” tạm ngừng.
Cha mẹ nên đưa ra các tình huống để trẻ nhận biết và áp dụng thường xuyên. Trong từng trường hợp cụ thể, trẻ sẽ tự cân nhắc, đưa ra lựa chọn hành xử và nhận kết quả tương xứng những hành vi của mình. Cha mẹ cần cho trẻ thấy rõ thiệt – hơn nhận được với những lựa chọn khác nhau. Nếu con nổi cáu thì hậu quả ra sao? Nếu con lựa chọn chuyển đổi cảm xúc và hành xử bình tĩnh sẽ nhận kết quả thế nào?
Cần nhấn mạnh cho con thấy, tự do lựa chọn là gì và sẽ giúp con trở thành người như thế nào, nhận được kết quả ra sao với mỗi lối ứng xử. Dần dần, chính các tình huống lựa chọn sẽ tạo cho trẻ thói quen cân nhắc và phản ứng nhanh trong các tình huống gặp phải.
Nhiều nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng, tất cả chúng ta đều nổi giận. Theo nhà nghiên cứu hàng đầu về cảm xúc Paul Ekman (người Mỹ):
Giận dữ là một trong 7 cảm xúc phổ biến (giận dữ, ghê tởm, sợ hãi, vui vẻ, buồn bã, ngạc nhiên, khinh bỉ) đối với mọi giới tính, lứa tuổi ở hầu hết các nền văn hóa.
Tức giận có thể đến vì cảm thấy một điều gì đó can thiệp vào việc đạt được mục tiêu đã định của chúng ta, hoặc khi chúng ta trải nghiệm, cảm nhận một sự việc đang đe dọa bản thân mình về thể chất hoặc tâm lý.
Khi mất kiểm soát cảm xúc sẽ rất dễ tiến tới bực tức, nóng giận, nó khiến ta dồn sự chú ý vào các mối đe dọa. Khi sự sân hận trào dâng, nó được thể hiện về mặt thể chất bằng tiếng thét hoặc bạo lực.
Cơn bực tức thường xuất hiện rất nhanh và lộ rõ trong cơ thể mỗi người. Tức giận thường gây tổn hại đến các mối quan hệ và làm người nổi giận cảm thấy cô lập. Vì vậy, sự tức giận bản thân nó không phải là vấn đề, vấn đề là cách chúng ta kiểm soát và hoá giải nó ra sao.
Theo ThS Nguyễn Văn Quyết: Để luôn làm chủ các cuộc giao tiếp, quan trọng vẫn là giúp con nhận diện và kiểm soát được cảm xúc của chính mình. Khi hiểu bản thể sẽ dễ dàng nhận biết cảm xúc người đối diện và có cách kiểm soát, xoay chuyển tình thế linh hoạt, hiệu quả.
Cha mẹ hãy hướng dẫn con nguôi cơn bực bội bằng cách hít thở sâu, hoặc tập trung đếm,… để tránh những hành vi không mong chờ. Việc này cần tập luyện thường xuyên. Và gia đình, thầy cô là những tấm gương để giúp con học các kỹ năng này.