Dạy tiếng mẹ đẻ cho trẻ dân tộc giúp lưu giữ văn hóa truyền thống

GD&TĐ - Ngành GD đã tổ chức bồi dưỡng tiếng nói, chữ viết dân tộc Jrai cho cán bộ, giáo viên để ứng dụng dạy học, giúp các em biết đọc, biết viết.

Thầy A Dưnh dạy học sinh tiếng Jrai thông qua đồ dùng, nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Ảnh: Trúc Hân
Thầy A Dưnh dạy học sinh tiếng Jrai thông qua đồ dùng, nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Ảnh: Trúc Hân

Dạy song ngữ

Tiết học tiếng Jrai hôm nay của thầy, trò Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đoàn Kết (xã Đoàn Kết, TP Kon Tum, Kon Tum) bắt đầu với bài Jua pơtưh - có nghĩa là âm vần.

Để học sinh dễ tiếp thu và ghi nhớ kiến thức, thầy A Dưnh - giáo viên phụ trách dạy tiếng Jrai, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đoàn Kết tìm những từ gần gũi với cuộc sống hằng ngày của các em, như: Sreh có nghĩa cái giỏ, klir là con dế… khiến học sinh thích thú, hào hứng giơ tay phát biểu.

“Dù là người bản địa nhưng một số từ ngữ các em phát âm chưa chuẩn. Bên cạnh đó, có nét văn hóa truyền thống học sinh chưa được tiếp cận, trải nghiệm. Do đó, tôi dạy song song tiếng phổ thông và Jrai để các em dễ hiểu, nắm bắt và ghi nhớ kiến thức”, thầy A Dưnh nói.

Thầy Hoàng Công Nguyên - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cấp tiểu học của trường có 379 học sinh, trong đó 155 em là người dân tộc thiểu số (DTTS). Từ năm 2013, nhà trường triển khai dạy tiếng Jrai, riêng năm học 2023 - 2024 có 6 lớp tiếng Jrai.

“Thông qua học tập, học sinh nắm được tiếng mẹ đẻ, lưu giữ văn hóa truyền thống dân tộc. Phụ huynh rất quan tâm, ủng hộ việc dạy tiếng Jrai nên chủ động mua sắm quần áo truyền thống cho con em. Sáng thứ 2 và 6 hằng tuần, nhà trường tổ chức các hoạt động, như: Múa xoang, hát cộng đồng… để trẻ được tham gia, trải nghiệm”, thầy Nguyên nói.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Ia Chim, TP Kon Tum), 24 giáo viên đều có chứng chỉ tiếng Ba Na và Jrai.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Hải, đơn vị đã triển khai dạy tiếng Jrai cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 khoảng 10 năm nay. Năm học này, trường có tổng số 381 học sinh, 100% là người Jrai. Mong muốn học sinh bảo tồn chữ viết nhà trường đã phân công một giáo viên phụ trách đứng lớp, giảng dạy tiếng Jrai.

Thầy Hải cho hay, dù học sinh là người Jrai nhưng các em chỉ có thể nói, còn không biết viết tiếng mẹ đẻ. Do đó, sau khi được bồi dưỡng, giáo viên sẽ dạy cả tiếng nói và chữ viết, giúp trò biết đọc, viết. Đồng thời, nhà trường trích kinh phí 20 triệu đồng mua 150 bộ trang phục truyền thống Jrai phát cho học sinh khó khăn. Vào thứ 2 và thứ 4 hằng tuần, hay những dịp lễ hội, học sinh khoác lên mình trang phục truyền thống đến trường, tham gia múa xoang, hát và chơi trò chơi dân gian…

“Được bồi dưỡng tiếng DTTS sẽ giúp thầy, cô thuận lợi trong quá trình giao tiếp, dạy chữ cho học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên dễ dàng trao đổi, tuyên truyền với phụ huynh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục”, thầy Hải nói.

Học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng trong tiết học tiếng Jrai. Ảnh: TG

Học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng trong tiết học tiếng Jrai. Ảnh: TG

Tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên tham gia bồi dưỡng

Những năm qua, ngành GD-ĐT huyện Chư Păh (Gia Lai) luôn quan tâm, chú trọng dạy tiếng Jrai cho cán bộ, giáo viên nhằm bảo tồn và phát huy giá trị ngôn ngữ, bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo ông Phạm Quang Long - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chư Păh, đơn vị luôn phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch mở lớp đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTT; đặc biệt là tiếng Jrai cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên toàn ngành. Trung bình mỗi năm mở 2 lớp, với khoảng 40 học viên, trong đó, đa dạng hình thức tổ chức với lớp học trực tiếp và trực tuyến.

Dạy chữ và tiếng DTTS cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên công tác ở trường vùng sâu, xa, đồng bào DTTS đạt được những kết quả tích cực. Toàn ngành có 930 cán bộ, giáo viên, trong đó trên 80% tham gia học, được cấp chứng chỉ và vận dụng tốt trong công tác. Đặc biệt trên 50% số giáo viên là người DTTS theo học bồi dưỡng.

“Thời gian tới, đơn vị tiếp tục duy trì, phát triển quy mô trường, lớp, học sinh học tiếng Jrai phù hợp điều kiện địa phương. Đồng thời chú trọng giáo dục học sinh ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, tham gia tuyên truyền trong gia đình, cộng đồng về xóa bỏ các hủ tục lạc hậu…”, ông Long nói.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai đang tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Jrai và Ba Na. Những lớp bồi dưỡng tiếng DTTS giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng đồng bào DTTS có khả năng giao tiếp, hiểu biết thêm phong tục tập quán của bà con nhằm phục vụ công việc. Trong năm 2023, Sở GD&ĐT Gia Lai tổ chức 2 đợt thi cấp chứng chỉ tiếng DTTS cho học viên tham gia học tại các đơn vị với 1.520 học viên đăng ký.

Ông Trương Quang Hà – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Kon Tum cho hay, công tác đào tạo, bồi dưỡng nói chung và bồi dưỡng tiếng DTTS nói riêng được đơn vị quan tâm, tạo điều kiện, luôn động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia. Ngành GD-ĐT Kon Tum đã tổ chức bồi dưỡng 5 lớp và cấp chứng chỉ tiếng Jrai cho 607 cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh. Hiện nay sở GD&ĐT chủ trì, tham mưu UBND tỉnh ban hành bộ tài liệu dạy học tiếng Jrai để giảng dạy trên địa bàn.

Em A Tuệ - lớp 3C, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đoàn Kết là con cả trong gia đình có 3 anh em. Do cha mẹ tất bật với công việc đồng áng nên không có thời gian dạy phong tục, tập quán và nét văn hóa của người Jrai cho A Tuệ. Bên cạnh đó, A Tuệ giao tiếp hằng ngày ở làng bằng vốn từ bản địa “học lỏm” của cha mẹ nên một số câu, từ phát âm chưa chuẩn, không rõ nghĩa.

Được học tiếng Jrai do thầy, cô giảng dạy, A Tuệ thích thú vì biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. “Nhờ thầy giáo dạy nên em phát âm đúng và biết thêm nhiều nét văn hóa truyền thống dân tộc mình. Khi về nhà, em có thể tâm sự, chia sẻ với cha mẹ và mọi người trong làng. Em vui lắm và sẽ dạy lại những gì đã học cho các em của mình”, A Tuệ bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ