Theo số liệu của Sở GD-ĐT Sóc Trăng, hiện nay toàn tỉnh có 1 trường THPT Dân tộc nội trú của tỉnh và 6 trường THCS dân tộc nội trú ở các huyện Vĩnh Châu, Thạnh Trị, Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên và Long Phú với gần 1.500 học sinh. Trong hệ thống giáo dục chung, năm học 2009-2010 này, toàn tỉnh có trên 68.000 học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer học 2 thứ chữ, Việt và Khmer. Ngoài dạy chữ Khmer trong hệ thống trường phổ thông và trường dân tộc nội trú, tại 92 chùa Khmer trong tỉnh và các phum, sóc cũng thường xuyên tổ chức các lớp dạy chữ Khmer miễn phí cho con em và người dân tộc Khmer. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết Khmer được các cấp ủy, chính quyền địa phương, phụ huynh và học sinh ủng hộ quan tâm nên số lượng người học, biết chữ Khmer ngày càng tăng. Bên cạnh đó, giáo viên dạy chữ Khmer cũng được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt, được hưởng phụ cấp thêm 50% lương, với học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer còn được miễn học phí, hưởng chế độ chính sách ưu đãi, được cấp dụng cụ học tập và mượn sách giáo khoa để học tập, riêng học sinh học trong hệ thống trường dân tộc nội trú được nhà nước chăm lo toàn bộ từ học hành, ăn, ở và các chế độ khác…
HS trường DTNT tỉnh Sóc Trăng |
Năm học vừa qua, toàn tỉnh Sóc Trăng có 70.470 học sinh Khmer từ mầm non đến THPT, 152 trường dạy song ngữ Việt - Khmer, trong đó có 46.720 em đang học tại các lớp có dạy chương trình tiếng Khmer (chiếm 74,5% so với học sinh Khmer tiểu học và trung học). Được sự quan tâm đầu tư của trung ương và địa phương, cơ sở vật chất các trường trong vùng đồng bào Khmer được phát triển rộng khắp, tạo điều kiện thuận lợi để con em đồng bào Khmer, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, gia đình khó khăn được học tập tốt. Cùng với tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hàng năm tỉnh đều dành một phần kinh phí mua tập, sách giáo khoa và đồ dùng học tập thiết yếu để hỗ trợ kịp thời cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con em đồng bào Khmer, học sinh gia đình chính sách, học sinh nghèo hiếu học. Cùng với các chính sách khác, đây thực sự là cách làm có ý nghĩa, là nguồn cổ vũ, động viên con em đồng bào Khmer, con em gia đình khó khăn tích cực học tập tốt. Để học sinh vùng đồng bào Khmer, vùng khó khăn đi lại dễ dàng, tỉnh còn tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường giáo dục, huy động các nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Trường Cao đẳng Sư phạm của tỉnh hàng năm đều tổ chức các khóa đào tạo giáo viên dạy hai thứ chữ, tạo nguồn bổ sung giáo viên cho các trường trong tỉnh. Ngoài ra, việc tổ chức thi chọn học sinh giỏi, thi xác nhận trình độ tiếng Khmer… cũng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho học sinh người Khmer.
Theo đánh giá của ngành giáo dục, từ những nỗ lực không ngừng của tỉnh nói chung và của ngành giáo dục nói riêng, cùng với ý thức phấn đấu vươn lên của học sinh Khmer, những năm gần đây, chất lượng dạy và học tại các trường dân tộc nội trú không ngừng tăng lên, thu hút ngày càng nhiều học sinh người Khmer theo học. Thực tế cho thấy, số lượng học sinh người Khmer được xét tuyển vào các trường đại học ngày càng tăng. Năm 2008, tỉnh đã cử tuyển 200 em vào các trường đại học, nâng tổng số được cử tuyển từ năm 2001 đến nay là 962 trường hợp. Để tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo cho vùng sâu, vùng đồng bào Khmer, Sóc Trăng còn thực hiện tốt các chính sách thu hút, khuyến khích giáo viên về công tác ở những vùng này. Năm học vừa qua, toàn ngành có 3.070 giáo viên Khmer, chiếm tỷ lệ 24,1% giáo viên toàn tỉnh. Nhờ thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với giáo viên và học sinh Khmer nên trình độ dân trí trong vùng đồng bào Khmer được cải thiện rõ rệt; góp phần phát triển kinh tế - xã vùng đồng bào dân tộc, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc.
Ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng, cho biết: Để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Khmer, hàng năm ngành giáo dục tỉnh có tổ chức kiểm tra nhiệm kỳ môn tiếng Khmer, riêng năm học 2008-2009 vừa qua, Sở đã tổ chức kiểm tra đối với trên 6.600 học sinh, kết quả có khoảng 98% học sinh được công nhận đạt trình độ tiếng Khmer, ngoài ra tỉnh còn tổ chức các cuộc thi học sinh giỏi tiếng Khmer cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh, tạo không khí học tập và phấn đấu của học sinh. Tuy nhiên, với việc học sinh con em đồng bào Khmer vừa học chữ và tiếng dân tộc ngay từ lớp 1 trong khi vẫn phải hoàn thành đủ việc học các bộ môn theo giáo trình phổ thông, với các học sinh từ lớp 3 ở một số trường, học sinh Khmer còn phải học cả tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác là rất nặng cho các em tiếp thu. Ông Trần Việt Hùng cũng cho biết đã đề nghị các cấp ngành Trung ương và địa phương xem xét và có chính sách ưu đãi hợp lý đối với các học sinh Khmer trong những trường hợp này để các em có điều kiện học tập được tốt hơn. Thầy Thạch Siso Phan, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kế Sách, cho biết: Mấy năm trước, công tác dạy chữ cho học sinh dân tộc Khmer ở địa phương chúng tôi cũng đã được chú trọng, năm vừa rồi huyện đã có trường dân tộc nội trú nên công tác này lại càng thuận lợi hơn, nhiều em thông thạo cả tiếng Việt, cả tiếng Khmer”.
Cao Nguyên