Lớp học tiếng Anh của Tiệp thu hút đông đảo sinh viên. Ảnh: Quang Lộc
Đến Học viện Tài chính, hỏi về Tiệp, Lương Thị Huệ, sinh viên (SV) năm 2 của trường, nói: “Anh Tiệp là thầy dạy tiếng Anh của mình. Anh vui tính, dễ gần, dạy bài dễ hiểu và có cả giáo viên nước ngoài dạy cùng. SV trong trường theo học rất nhiều”.
Được biết, Tiệp sinh ra trong một gia đình nông dân ở Ba Vì, là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em. Học xong THPT, Tiệp thi đậu ngành Kế toán (Học viện Tài chính). Tiệp kể, khi bước vào giảng đường đại học , trình độ học tiếng Anh của cậu kém. Tổng kết học kỳ 1 năm thứ nhất, môn tiếng Anh chỉ đạt 5,4/10 điểm. Không có tiền đến trung tâm, ngoài thời gian học tập trên lớp, Tiệp học qua mạng internet và ngày nào cũng dạo quanh hồ Hoàn Kiếm để trò chuyện với du khách nước ngoài, tăng khả năng giao tiếp tiếng Anh.
“Trình độ tiếng Anh bập bẹ, nhưng cứ gặp người nước ngoài là mình lân la bắt chuyện. Đôi khi họ hỏi lại mình không biết cứ đơ người ra. Nhưng nhờ thế mà kỹ năng giao tiếp được tăng lên rõ rệt”, Tiệp nói.
Sau 6 tháng tự học, Tiệp đăng ký thi chứng chỉ tiếng Anh và đạt được kết quả (IELTS 7.5 và TOEIC 890 điểm). Từ đầu năm 2010, khi đang là SV năm hai, Tiệp bắt đầu dạy kèm thêm tiếng Anh cho bạn bè trong khu xóm trọ, lớp học. Ngoài ra, cậu còn làm gia sư để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống…
Bước sang năm 3 đại học, Tiệp có quyết định dừng học tại trường để tìm kiếm cơ hội ra nước ngoài học tập. “Lúc đó, bố mẹ mình đều phản đối và bảo mình cố gắng tiếp tục học tập tại trường. Nhưng sau thời gian dài thuyết phục, bố mẹ cũng đồng ý cho mình theo đuổi đam mê”, Tiệp kể.
Năm 2013, Tiệp quyết định du học ở Philippines để nghiên cứu về phương pháp giảng dạy tiếng Anh hiện đại trên thế giới. Để có tiền trang trải cuộc sống, học tập, Tiệp vừa học vừa làm thêm ở nước ngoài. Chứng minh được năng lực tiếng Anh của bản thân, Tiệp được một trung tâm nhận làm trợ giảng giúp du học sinh Việt mới sang Philippines học tập.
Truyền lửa học tiếng Anh
Năm 2014, Tiệp trở về nước và tiếp tục mở các lớp học tiếng Anh quanh khu vực các trường ĐH Mỏ địa chất, Học viện Tài chính… Đến nay, số lượng SV theo học đã lên đến gần 1.000 học viên. Đối với các học viên, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, Tiệp dạy miễn phí. Các lớp học này chú trọng kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Ngoài phần ngữ pháp trên lớp học, các thành viên còn phải rèn luyện cách nói chuyện với khách du lịch nước ngoài qua các buổi ngoại khóa.
“Sinh ra trong một gia đình nông dân, nên hơn ai hết mình hiểu những khó khăn, thiếu thốn của những học sinh, sinh viên khi không có tiền để học thêm ngoại ngữ. Nên đối với những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mình dạy tiếng Anh miễn phí để các em có cơ hội nâng cao vốn ngoại ngữ và hỗ trợ cho công việc sau này”.
Nguyễn Văn Tiệp
Tiệp cho biết, thời gian đầu lớp học dạy hoàn toàn miễn phí và mượn giảng đường Học viện Tài chính. Về sau, nhiều SV đăng ký theo học, Tiệp phải thuê giảng đường. Việc duy trì các lớp học miễn phí và duy trì được các lớp này là điều không đơn giản, bởi những khó khăn về tài chính, về cơ sở vật chất dạy học. Nhưng các học viên đã tự nguyện đóng thêm phụ phí 20.000-30.000 đồng để Tiệp thuê phòng tốt hơn, đầy đủ thiết bị và có trợ giảng, giáo viên nước ngoài đến tham gia. “Sinh ra trong một gia đình nông dân, nên hơn ai hết mình hiểu những khó khăn thiếu thốn của những học sinh, SV khi không có tiền để học thêm ngoại ngữ”, Tiệp nói.
Tham gia lớp học tiếng Anh của Tiệp, Thu Loan, SV năm 2 (Trường Đại học Mỏ - Địa chất) chia sẻ: “Mình tham gia lớp học được hơn 1 tháng nay. Thấy lớp có môi trường học tiếng Anh thân thiện. Mọi người có thể cởi mở trao đổi kiến thức với nhau để học tập có kết quả tốt. Khi trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, mình được anh Tiệp miễn giảm học phí, hỗ trợ tài liệu học tập. Lớp học tiếng Anh rất ý nghĩa đối với những SV nghèo muốn học tiếng Anh như mình”.
Tiệp mong muốn xây dựng được cộng đồng tiếng Anh Online cho các bạn SV trong và ngoài nước cùng học tập, trao đổi kinh nghiệm học tập. Tiệp cũng ấp ủ dự định sản xuất phần mềm, game học tiếng Anh và tiếp tục sang nước ngoài học tập, nghiên cứu.