Dạy môn học mới: Nhìn từ vùng thuận lợi

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023, hầu hết các trường học ở Hà Nội chưa tổ chức dạy học môn Âm nhạc, Mỹ thuật do thiếu giáo viên lẫn cơ sở vật chất. Các trường sẽ thực hiện lộ trình để triển khai môn học này trong năm học tới.

Học sinh Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) hiện có 15 câu lạc bộ sở thích. Ảnh: TG
Học sinh Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) hiện có 15 câu lạc bộ sở thích. Ảnh: TG

Phân lớp theo các khối thi đại học

Năm học 2022 - 2023, khi thực hiện thủ tục nhập học đối với lớp 10, các thầy cô giáo có thêm nhiệm vụ quan trọng khác là triển khai đăng ký tổ hợp các môn học đến tất cả học sinh. Căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội, nhu cầu của học sinh và điều kiện nhân sự thực tế, các nhà trường cho học sinh đăng ký vào lớp theo tổ hợp có sẵn.

Thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức A (huyện Hoài Đức) thông tin: Để tổ chức dạy chương trình lớp 10 trong năm học tới, căn cứ vào điều kiện vật chất, đội ngũ, nhà trường đã công bố 6 tổ hợp các môn học lựa chọn, tương ứng với 6 khối thi đại học gồm: Toán, Vật lý, Hóa học (A00), Toán, Vật lý, Tiếng Anh (A01), Toán, Hóa học, Sinh học (B), Toán, Văn, Tiếng Anh (D01), Toán, Hóa học, Tiếng Anh (D07), Văn, Lịch sử, Địa lý (C00).

Ngoài ra, phụ huynh, học sinh còn được đăng ký tự nguyện vào các lớp chất lượng cao IELTS, lựa chọn học ngoại ngữ 2 gồm Tiếng Nhật, Tiếng Hàn và đề xuất học môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Nếu có trường hợp chọn Âm nhạc, Mỹ thuật, nhà trường sẽ tổ chức dạy dưới hình thức ngoại khóa. Là năm đầu triển khai chương trình mới nên nhà trường làm từng bước và sẽ có lộ trình thực hiện giảng dạy đầy đủ các môn học theo nguyện vọng của học sinh.

Cách thức xếp lớp được Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn) cụ thể hóa trong thông báo về mô hình lớp học. Theo thầy Nguyễn Duy Hiền - Hiệu trưởng nhà trường, cùng các môn học và nội dung bắt buộc (Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, Giáo dục thể chất, Giáo dục An ninh quốc phòng, Lịch sử), nhà trường đưa ra tổ hợp 4 môn lựa chọn tương ứng với các lớp ban A (từ A1 đến A6) và ban D (từ D1 đến D9).

Để giúp phụ huynh và học sinh dễ hình dung, với mỗi nhóm lớp, nhà trường cũng gợi mở về định hướng xét tuyển đại học. Ví dụ, ngoài các môn bắt buộc, nếu học sinh đăng ký tổ hợp 4 môn lựa chọn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học) thì sau có thể thi khối A1 (Toán - Vật lý - Tiếng Anh), thi đánh giá năng lực bài khoa học tự nhiên, xét tuyển học bạ.

Chị Nguyễn Mai Anh, có con năm nay vào lớp 10 Trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, sau khi nghe giáo viên tư vấn, gia đình quyết định chọn ban Khoa học Tự nhiên với tổ hợp 6 gồm các môn tự chọn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật và Tin học. Việc sớm lựa chọn các môn học giúp trẻ định hướng nghề nghiệp tốt hơn, sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học trong 3 năm tới.

Em Nguyễn Thành Đạt - học sinh Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thích học các môn khoa học tự nhiên nên được chủ động lựa chọn giúp em tập trung vào lĩnh vực có thế mạnh. Theo Đạt, sau khi biết kết quả thi vào lớp 10, nhà trường tổ chức buổi tư vấn cho học sinh, cha mẹ học sinh về các khối học sẽ được thực hiện trong năm học tới. Buổi tư vấn này giúp em xác định được định hướng học tập, chọn nghề nghiệp và trường đại học trong tương lai.

Nhiều học sinh vẫn có nhu cầu học các môn Nghệ thuật. Ảnh: TG

Nhiều học sinh vẫn có nhu cầu học các môn Nghệ thuật. Ảnh: TG

Thiếu vắng môn Nghệ thuật

Theo thông báo về mô hình học tập mà các trường THPT áp dụng trong năm học 2022 - 2023 với lớp 10, hầu hết không tổ chức đăng ký tổ hợp có phân môn Âm nhạc và Mỹ thuật, các môn lựa chọn nằm trong nhóm môn công nghệ và nghệ thuật. Đây là điều đã được tiên lượng trước khi triển khai Chương trình mới, nguyên nhân chính do thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa bảo đảm.

Em Nguyễn Minh Anh, học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) theo học vẽ từ lớp 6 và quyết theo đuổi ngành hội họa, kiến trúc. Khi tìm hiểu Chương trình mới với lớp 10, em đã rất vui khi có môn Mỹ thuật vì việc này phục vụ tốt định hướng nghề nghiệp của em. Tuy nhiên, khi đăng ký môn học lựa chọn lớp 10, em không được lựa chọn môn Mỹ thuật.

Còn chị Nguyễn Thị Nhung - phụ huynh ở quận Hoàn Kiếm cho con học đàn từ nhỏ và mong ước trở thành học viên của Học viện Âm nhạc. Dù trước đó từng nghe về tổ hợp có môn Nghệ thuật nhưng chị cũng chưa từng nuôi hy vọng được học nhạc trong trường THPT. Bởi số học sinh có nhu cầu học nhạc rất hiếm và khó có trường THPT nào tổ chức lớp học nhạc khi chỉ có vài học sinh đăng ký.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa chia sẻ: Căn cứ vào tình hình thực tế, nhà trường tổ chức 2 mô hình lớp là Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Ngoài 5 môn học bắt buộc và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học lựa chọn được chia thành 6 mô hình lớp. Đối với nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật), cả 6 mô hình lớp học đều chọn Tin học.

Về lý do học sinh đều lựa chọn Tin học, cô Nhiếp cho rằng đây là môn thế mạnh, phổ biến với nhiều học sinh. Đội ngũ giáo viên của nhà trường cũng đáp ứng tốt hơn khi dạy môn này. Về việc một số học sinh có năng khiếu mong muốn được học âm nhạc, mỹ thuật, nhà trường sẽ có lộ trình tổ chức trong những năm học tới. Trước mắt, nhà trường có 14 câu lạc bộ sở thích để các em có năng khiếu được tham gia.

Tại Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhận định về khó khăn khi dạy môn Nghệ thuật, cô Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng nhà trường thông tin, trường chưa có giáo viên trong biên chế. Bởi vậy trong năm học tới, trường sắp xếp lại tổ hợp môn cho phù hợp với điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất hiện có, từ đó định hướng để học sinh lựa chọn các môn học mà nhà trường có thể đáp ứng.

Ông Hà Xuân Nhâm - Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: Mặc dù các trường đã chuẩn bị rất kỹ, tuy nhiên khó khăn về cơ sở vật chất, nhân sự dẫn tới việc chưa thể đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh, đặc biệt là các nội dung âm nhạc, mỹ thuật. Trước mắt, nhà trường sẽ khảo sát, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng học sinh để tiến tới có những đáp ứng bước đầu. Sở GD&ĐT Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.