Đẩy mạnh phân luồng và định hướng nghề nghiệp tại Kon Tum

GD&TĐ - Tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2025 có trên 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chuyển sang học nghề.

Sinh viên Trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum có cơ hội giao lưu, chia sẻ với doanh nghiệp trong Hội nghị Khoa học và Công nghệ năm 2022.
Sinh viên Trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum có cơ hội giao lưu, chia sẻ với doanh nghiệp trong Hội nghị Khoa học và Công nghệ năm 2022.

Tỷ lệ bỏ học nghề cao

Trong những năm qua, Trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum luôn nhận được sự quan tâm của Bộ, Ban ngành và chính quyền địa phương nên đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho người học. Bên cạnh đó, hệ thống ngành, nghề đào tạo của nhà trường từng bước được tinh gọn theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội. Qua đó, trường đăng ký bổ sung mới một số ngành, nghề theo định hướng phát triển KT-XH của địa phương như: Nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi – thú y, hướng dẫn du lịch,...

Bên cạnh thuận lợi thì công tác tuyển sinh còn nhiều khó khăn khi các em bậc THCS tuổi đời còn nhỏ, chưa có định hướng rõ ràng cho nghề nghiệp tương lai. Bên cạnh đó các em chưa hẳn là người quyết định hướng đi tiếp cho bản thân (học lên THPT hay đi học nghề) mà người chọn lựa đa phần là các bậc phụ huynh. Đồng thời nhận thức của học sinh, gia đình trong việc lựa chọn nghề nghiệp còn theo cảm tính hoặc thích chọn các nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền,... không chú trọng vào năng lực, sở trường, điều kiện bản thân và gia đình. Từ đó dẫn đến nhiều học sinh không theo kịp chương trình đào tạo hoặc đào tạo không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Không những vậy, công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sinh viên sau khi tốt nghiệp THCS, THPT đăng ký theo học các ngành, nghề tại Trường Cao đẳng cộng đồng đạt hiệu quả chưa cao. Theo đó, người học bỏ học giữa chừng nhiều, cụ thể khoá tuyển sinh năm 2018, bỏ học 180/333 HSSV (chiếm tỷ lệ 54%). Khoá tuyển sinh năm 2019, bỏ học 106/280 HSSV (chiếm tỷ lệ 38%). Còn khoá tuyển sinh năm 2020 bỏ học 208/512 HSSV (chiếm tỷ lệ 41%) và khoá 2021 bỏ học 118/765 HSSV (chiếm tỷ lệ 15.4%).

Theo ông Lê Trí Khải, Hiệu trưởng nhà trường nguyên nhân khách quan là do Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới với trình độ học vấn, dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số không đồng đều. Không những thế nhận thức của xã hội, người học về giáo dục nghề nghiệp chưa đầy đủ. Bên cạnh đó tâm lý của phần lớn phụ huynh có con là học sinh đã tốt nghiệp THPT thích theo học ở các trường Đại học tại thành phố lớn nên dẫn đến nguồn tuyển sinh hạn chế. Ngoài ra hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ và nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh ít.

Còn nguyên nhân chủ quan là do công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách về giáo dục nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT còn nhiều hạn chế. Không những vậy, sự phối hợp giữa nhà trường với đơn vị sử dụng lao động trong công tác đào tạo và tạo việc làm sau tốt nghiệp cho người học chưa chặt chẽ. Người học chưa mạnh dạn tham gia khoá đào tạo khởi nghiệp, kỹ năng mềm,... ở các bậc trình độ giáo dục nghề nghiệp nên khả năng tự tạo việc làm sau tốt nghiệp còn hạn chế.

Phấn đấu trên 40% học sinh THCS, THPT học nghề

Sinh viên được tiếp cận máy móc, trang thiết bị và được thực hành tại lớp.
Sinh viên được tiếp cận máy móc, trang thiết bị và được thực hành tại lớp.

Để giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, Trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, như: Nâng cấp mạng lưới Internet, thư viện viện số, phòng thí nghiệm hiện đại, các phòng học đa năng, các trang thiết bị dạy học và xưởng thực hành hiện đại,.... tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu.

Hằng năm, ngoài những học bổng theo quy định, nhà trường đặt ra nhiệm vụ phải có các giải thưởng, học bổng trao tặng cho HSSV. Qua đó, tạo động lực để thúc đẩy học tập, nâng cao chất lượng đào tạo và giúp các em giải quyết khó khăn về chi phí học tập. Bên cạnh đó đẩy mạnh hoạt động đoàn thể, tổ chức xã hội, câu lạc bộ trong nhà trường để tạo điều kiện cho HSSV tham gia phát triển năng lực bản thân, giáo dục kỹ năng sống, khởi nghiệp,.... Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn học tập, hoạt động ngoại khóa, tư vấn về việc làm nhằm giúp HSSV cải thiện việc học tập và tăng khả năng cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Mặc dù bị khuyết tật ở chân, khó khăn trong quá trình đi lại, tuy nhiên em Nguyễn Đức Ngọc Duy, Trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum luôn được thầy, cô và bạn bè giúp đỡ. Bên cạnh đó, em còn được hỗ trợ kinh phí để học tập

“Em sẽ cố gắng vượt khó và hoàn thành khóa học ngành Vận hành điện của mình. Em hy vọng sau khi tốt nghiệp sẽ có công việc làm ổn định để phụ giúp gia đình”, em Ngọc Duy tâm sự.

Để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 tỉnh Kon Tum đề ra các nội dung liên quan đến hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Theo đó phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 60% lao động qua đào tạo, trong đó đào tạo nghề đạt 44%. Đặc biệt vấn đề đẩy mạnh phân luồng và định hướng nghề nghiệp cũng được chú trọng. Tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2025 có trên 40% học sinh tốt nghiệp THCS, THPT chuyển sang học nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ