(GD&TĐ) – Hôm nay (12/12), tại Hà Nội, Bộ Y tế, Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về Nghiên cứu sức khỏe sinh sản và tình dục.
Quang cảnh Hội nghị |
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, hoạch định chính sách đến từ các Trường Đại học, các Bệnh viện, Viện nghiên cứu, các cơ quan Trung ương và các địa phương trong cả nước, các tổ chức Liên Hợp quốc tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.
Hội nghị được tổ chức nhằm chia sẻ và thảo luận các nghiên cứu mới nhất về lĩnh vực sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD) tại Việt Nam; thảo luận ứng dụng các kết quả của nghiên cứu trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình về SKSS/SKTD tại Việt Nam; thảo luận về định hướng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực SKSS/SKTD trong giai đoạn tiếp theo.
Hội nghị tập trung vào 7 chủ đề chính: Kế hoạch hóa gia đình và vô sinh; làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh; SKSS/SKTD vị thành niên và thanh niên; SKSS/SKTD ở nhóm dễ bị tổn thương; SKSS/SKTD người có HIV; giới và SKTD; ung thư sinh dục.
Theo số liệu của Bộ Y tế và các điều tra dân số, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong việc lồng ghép kế hoạch hóa gia đình vào dịch vụ y tế, đồng thời củng cố các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, một số nhóm dân số như vị thành niên, thanh niên và những người chưa kết hôn, di cư, dân tộc thiểu số và người cao tuổi còn gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản. Chính vì điều đó nên số trường hợp có thai ngoài ý muốn vẫn tăng đáng kể, dẫn tới tỷ lệ nạo phá thai cao, đặc biệt trong nhóm thanh niên và người chưa kết hôn. Phân tích số liệu gần đây từ Điều tra đánh giá các Mục tiêu Trẻ em và Phụ nữ do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2010 cho thấy hơn 10% thanh niên còn chưa được đáp ứng các dịch vụ sức khỏe tình dục và sinh sản.
Ngoài ra, còn nhiều trường hợp tử vong mẹ xảy ra tại các vùng dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn, các lây nhiễm qua đường tình dục (bao gồm HIV) tiếp tục là một trở ngại. Điều này cho thấy chúng ta cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để có thể giải quyết những thách thức này.
Các bài trình bày tại hội nghị cho thấy toàn cảnh của các nghiên cứu trong lĩnh vực SKSS, sức khỏe tình dục (SKTD) thực hiện trong giai đoạn 2006-2010 ở Việt Nam, thực trạng và những thách thức đối với công tác chăm sóc SKSS ở Việt Nam, định hướng thực hiện chiến lược DS-SKSS ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Hội nghị cũng được nghe bài trình bày của các chuyên gia quốc tế về các vấn đề SKSS/SKTD ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và định hướng nghiên cứu trong tương lai.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng Tăng cường nghiên cứu khoa học, phổ biến và ứng dụng các kết quả nghiên cứu các tiến bộ khoa học, công nghệ góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề đối với công tác Dân số và Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) như: duy trì mức sinh thấp hợp lý, giảm chênh lệch tỷ suất giới tính khi sinh, giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ phá thai và tăng cường chăm sóc SKSS cho vị thành niên, thanh niên, người cao tuổi và cho các nhóm dân tộc đặc thù (nhiễm HIV, dân tộc thiểu số).
Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Y tế, Trường Đại học Y tế công cộng và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đảm bảo thành tựu và tính bền vững của hệ thống chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản ở Việt Nam; Chăm sóc sức khỏe sinh sản bao gồm kế hoạch hóa gia đình tự nguyện là bảo vệ sức khỏe cho thanh niên, phụ nữ và con cái của họ.
Lộc Hà