Đẩy mạnh công tác xã hội – Yêu cầu bức thiết

GD&TĐ - “Tăng cường phát triển dịch vụ và nhân viên công tác xã hội (CTXH), nhằm hỗ trợ cho những người yếu thế, nhóm người dễ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhóm người nghèo và trẻ em bất hạnh, nhất là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt…, đang là đòi hỏi cấp bách hiện nay của nước ta”.

Đẩy mạnh công tác xã hội – Yêu cầu bức thiết

Đó là phát biểu của TS Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội tại Hội thảo Khoa học Quốc tế - Công tác Xã hội với gia đình và trẻ em (TPHCM 8/2016).

Nghề CTXH đang gia tăng mạnh

Theo Quyết định số 32/2010 của Thủ tướng: Từ 2010-2020, cả nước cần đào tạo 60.000 cán bộ, nhân viên CTXH… Theo đó, hiện có 22/93 triệu người dân VN đang là đối tượng cần được cung cấp các dịch vụ XH để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cả nước đang có 56 trường ĐH – CĐ – TCCN đã và đang đào tạo cử nhân, nhân viên CTXH. Chúng ta cũng có trên 408 cơ sở trợ giúp XH công lập và ngoài công lập. Trong đó có 30 trung tâm CTXH chuyên sâu ở 63 tỉnh, thành phố, lực lượng cán bộ, nhân viên và cộng tác viên làm CTXH đã lên tới 80.000, họ công tác ở tại nhiều hiệp hội, đoàn thể, cộng đồng khác nhau.

Số lượng tăng nhanh, nhưng đa số những người hành nghề CTXH cũng như các dịch vụ XH cung cấp cho người dân yếu thế chưa đảm bảo chất lượng. Yếu nhất là công tác quản lý, tư vấn, chăm sóc.

Rào cản về nhận thức của XH đối với nghề CTXH còn nhiều hạn chế. Nhiều người cho rằng, CTXH là sự tự nguyện, giúp đỡ, không cần sự chuyên nghiệp, chỉ có tấm lòng từ thiện là được.

Riêng về trẻ em, VN hiện có gần 23 triệu trẻ vị thành niên (chiếm hơn 25% dân số cả nước). Chúng ta đã ký công ước của LHQ về quyền trẻ em từ năm 1989. Kế đó, chúng ta cũng đã ký hàng loạt điều ước quốc tế khác về bảo vệ trẻ em, mới đây nhất là Luật Trẻ em đã được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ 1/6/2017.

Trong một nghiên cứu năm 2013 trên 1399 học sinh tại 5 trường THPT ở TP HCM, kết quả khiến nhiều người giật mình: 20-40% nói trên cho biết: đã từng một lần bị tát, đấm, đá, xô đẩy, bị trêu chọc, chế giễu, hoặc bị tung tin đồn xấu qua mạng internet. Bên cạnh đó, một số em còn bị sàm sỡ, bị phá hoại đồ đạc riêng tư, hoặc bị lấy cắp.

11,3% các em từng tham gia gây gổ, đánh nhau; 16,7% nhìn thấy có người đem súng, dao, hung khí vào trường; 5,3 học trò cố ý phá hoại tài sản của trường; hơn 2,2% số em bị đe dọa hoặc bị gây thương tật; trên 1,5% HS bị gạ bán hay đưa ma túy.

Trong hơn 1,2 triệu trẻ em khuyết tật ở nước ta hiện tại, có tới 31% số em bị khuyết tật nặng; trong số gần 79.000 trẻ khuyết tật có khả năng học tập đang đi học, chủ yếu là học hòa nhập ở các trường mầm non và phổ thông. Tuy nhiên, cả nước mới chỉ có 20 trung tâm hỗ trợ phát triển hòa nhập cấp tỉnh và 97 cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật, con số đó là quá ít.

Một cơ sở giáo dục người khuyết tật
Một cơ sở giáo dục người khuyết tật  

Dịch vụ CTXH nên phát triển như thế nào?

Theo TS Nguyễn Hải Hữu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Nghề CTXH VN, dịch vụ CTXH cho trẻ em có tính chất chuyên sâu, gồm các hoạt động:

Đánh giá sức khỏe tâm thần; Tham vấn, tư vấn, trị liệu tâm lý XH; Trợ giúp Pháp lý; Chăm sóc sức khỏe; Tìm kiếm gia đình chăm sóc thay thế; Cung cấp dịch vụ hồi gia đoàn tụ gia đình; GD kỹ năng sống và tự bảo vệ cho trẻ em; GD kỹ năng làm cha mẹ. Cuối cùng là công tác Quản lý các hoạt động trên.

Nước ta hiện nay nên thành lập mỗi quận - huyện - thị xã một trung tâm CTXH với nhân sự 4-5 người. Chủ yếu làm nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ XH cho cộng đồng. Mỗi xã cũng cần có một nhân viên chuyên trách CTXH.

Phải kết hợp chặt chẽ việc cung cấp các CTXH có tính chất chuyên sâu với các dịch vụ chăm sóc XH thông thường, mở rộng công tác dạy nghề tìm kiếm việc làm phù hợp với đối tượng đang được XH chăm sóc, nuôi dưỡng.

Một con số khác cũng rất đáng lo. Nước ta hiện có khoảng 9 triệu người bị rối nhiễu tâm thần/tâm trí, và con số này đang gia tăng. Tuy nhiên, cán bộ nhân viên CTXH chuyên trách trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần hiện là đang thiếu nhiều nhất nước. Nhu cầu cán bộ nhân viên chuyên trách này đến 2020 cần khoảng 30.000 người.

PGS TS Bùi Anh Thủy - Giám đốc Trường ĐH Lao động - Xã hội, cơ sở 2 tại TP HCM - nhấn mạnh: Cuộc sống của con người đang trở nên mong manh, dễ tổn thương hơn bao giờ hết. Do đó, việc tìm ra các giải pháp để hoàn thiện chính sách trợ giúp XH bảo vệ trẻ em xây dựng gia đình hạnh phúc đang cần sự chung tay của toàn XH.

"Chúng ta phải ra sức phòng chống, giảm thiểu những tác động xấu, nguy hiểm đang tác động mạnh đối với các gia đình và trẻ em. 
Sức mạnh liên kết của cả 3 lực lượng: Gia đình – Nhà trường - Cộng đồng dân cư là giải pháp màu nhiệm nhất để phòng chống tệ nạn XH và các hành vi vi phạm pháp luật.
Nội dung CTXH đối với trẻ em không chỉ là chiều chuộng, chăm sóc các cháu, quan trọng hơn phải nâng dần sự hiểu biết, phải giáo dục trẻ em tình yêu gia đình, bạn bè, kỹ năng tự chủ, kỹ năng giao tiếp, chủ động phòng tránh những hiện tượng không lành mạnh".
Bà Nguyễn Thị Hằng – Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.