Tăng cường tập huấn bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên
Thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về dạy học Chương trình Xoá mù chữ giai đoạn 1. Tham gia tập huấn có đại diện lãnh đạo phòng GD&ĐT, chuyên viên phụ trách cấp học tiểu học các huyện, thành phố, cán bộ quản lý và đại diện giáo viên cấp tiểu học (trong đó, ưu tiên giáo viên đang dạy lớp xoá mù chữ) trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo đó, xoá mù chữ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, giai đoạn 1, từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, ngành GD&ĐT chủ trì thực hiện công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ - thuộc nội dung 3, Tiểu dự án 1 - Dự án 5.
Bà Đào Thị Mai Sen, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các địa phương, đơn vị trong thực hiện công tác xoá mù chữ, từ công tác tuyên truyền, vận động, huy động người mù chữ đến lớp đến việc tổ chức dạy và học xoá mù chữ theo chương trình mới ... Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả và đáp ứng đầy đủ các mục tiêu theo lộ trình của tỉnh.
Bà Đào Thị Mai Sen cũng mong muốn các học viên tham dự tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu tài liệu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để việc tiếp thu các nội dung Hội nghị được đầy đủ và sâu sắc. Học viên tham dự Hội nghị tại tỉnh sẽ là lực lượng nòng cốt để tiếp tục triển khai thực hiện công tác xoá mù chữ nói chung, dạy học Chương trình xoá mù chữ nói riêng tại các địa phương và trong toàn tỉnh.
Lớp học xoá mù chữ ở bản Mông. |
Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xóa mù chữ
Tại các Hội nghị, học viên đã được báo cáo viên tập trung giới thiệu mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình Xoá mù chữ giai đoạn 1 (môn Tiếng Việt, môn Toán, môn Tự nhiên và Xã hội); giới thiệu cấu trúc các bài học, các mạch nội dung/chủ đề học tập; hướng dẫn tổ chức các hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực và một số phương pháp, kỹ thuật dạy học đặc thù của môn học để phát triển về phẩm chất và năng lực cho học viên học Chương trình Xoá mù chữ giai đoạn 1.
Song song với các nội dung lý thuyết, dưới sự tổ chức của báo cáo viên, các học viên đã thực hiện việc thiết kế một số kế hoạch bài dạy và thực hành dạy học một số nội dung theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; cùng trao đổi, thảo luận và đi đến thống nhất thực hiện những nội dung còn băn khoăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Chương trình xoá mù chữ theo Thông tư số 33/2021/TT-BGDĐT.
Thông qua hội nghị, đại diện Phòng GD&ĐT trên địa bàn sẽ tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện những nội dung đã được tiếp thu tại Hội nghị đến 100% cán bộ quản lý và giáo viên của đơn vị theo hình thức phù hợp, hiệu quả nhất. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho UBND huyện, thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xóa mù chữ, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Chương trình đã đề ra.
Sau 2 năm triển khai thực hiện chương trình xoá mù chữ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã thu lại được nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, năm 2022, toàn tỉnh mở được 21 lớp xoá mù chữ với 479 học viên (trpng đó huyện Chợ Đồn 8 lớp với 136 học viên; huyện Ngân Sơn 1 lớp với 15 học viên; huyện Pác Nặm 12 lớp với 328 học viên). Năm 2023, toàn tỉnh Bắc Kạn dự kiến mở được 25 lớp xoá mù chữ với 470 học viên (huyện Chợ Đồn 10 lớp với 172 học viên; huyện Ngân Sơn 2 lớp với 34 học viên; huyện Pác Nặm 13 lớp với 264 học viên.