Đẩy lùi bạo lực giới trên không gian mạng

GD&TĐ - Trên toàn cầu, 85% phụ nữ cho biết đã chứng kiến bạo lực trên không gian mạng và gần 40% từng trải qua điều đó.

Gần 60% tất cả những người tham gia không gian mạng từng trải qua một số hình thức gây hại trực tuyến. Ảnh minh họa
Gần 60% tất cả những người tham gia không gian mạng từng trải qua một số hình thức gây hại trực tuyến. Ảnh minh họa

Trên toàn cầu, 85% phụ nữ cho biết đã chứng kiến bạo lực trên không gian mạng và gần 40% từng trải qua điều đó. Đáng nói, vấn đề này ngày càng gia tăng.

30% gặp tác động sức khỏe tâm thần

Ngày nay, khi Internet ngày càng phát triển, bên cạnh những lợi ích mà nó đem lại cho cuộc sống con người, không thể phủ nhận hậu quả tiêu cực nặng nề mà mạng xã hội đem đến. Trong đó, bạo lực mạng thường xuyên xuất hiện, trở thành một vấn nạn không hồi kết với những hệ lụy vô cùng lớn. Đặc biệt, bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề đáng báo động.

Theo báo cáo năm 2023 của Trung tâm Đổi mới Quản trị quốc tế (CIGI), trong hơn 18.000 người trên toàn cầu, gần 60% tất cả những người tham gia không gian mạng từng trải qua một số hình thức gây hại trực tuyến. Gần 25% trong số họ bị nhắm đến vì bản dạng giới của mình.

Trong số những người được hỏi đã trải qua bạo lực trên không gian mạng và là người chuyển giới hoặc đa dạng giới, có 30% báo cáo những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, bao gồm cả mong muốn sống.

Trong khi đó, gần 30% phụ nữ báo cáo gặp những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. 23% cảm thấy không còn có thể tham gia trực tuyến tự do sau khi trải qua bạo lực giới trên không gian mạng.

Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 736 triệu phụ nữ (gần 1/3) đã bị bạo lực thể xác hoặc tình dục bởi bạn tình, bạo lực tình dục không phải do bạn tình hoặc cả hai, ít nhất một lần trong đời.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Matt Jackson - Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết, số hóa đang thúc đẩy sự thay đổi mang tính hệ thống trong cách chúng ta giao tiếp, làm việc, học tập, sản xuất và tiêu dùng. Đổi mới công nghệ và số hóa đang mở ra cơ hội phát triển bền vững, vào thời điểm mà nhiều khía cạnh của đời sống con người đang được chuyển đổi vượt bậc.

Công nghệ có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục, thông tin và kiến thức. Do đó, cuộc sống ngày càng thuận lợi hơn nhờ sử dụng công nghệ. Phần lớn thời gian chúng ta dành cho việc trực tuyến.

“Chúng ta đang sống trong một cuộc cách mạng kỹ thuật số. Điều này tích cực về nhiều mặt, như trong việc hỗ trợ cuộc chiến chống bạo lực trên cơ sở giới. Giờ đây, chúng ta có thể tiếp cận những người bị bạo lực từ những nơi xa xôi và khó khăn nhất. Tuy nhiên, công nghệ và không gian mạng đang ngày càng bị lạm dụng nhằm gây hận thù và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, ông Matt Jackson nhấn mạnh.

Những hình thức bạo lực kỹ thuật số

Một nghiên cứu toàn cầu của Economist Intelligence Unit cho thấy, 38% phụ nữ từng trải qua bạo lực trực tuyến. 85% phụ nữ dành thời gian trực tuyến đã chứng kiến bạo lực kỹ thuật số đối với những phụ nữ khác. Báo cáo Thực trạng trẻ em gái thế giới năm 2020, do Plan International thực hiện tại 31 quốc gia với hơn 14.000 trẻ em gái và phụ nữ trẻ, cho thấy: 58% trẻ em gái được khảo sát đã bị quấy rối và xâm hại trực tuyến. 85% trong số họ đã trải qua nhiều loại bạo lực trên cơ sở giới trên không gian mạng. Con số này cao hơn rất nhiều so với ước tính toàn cầu về bạo lực gây ra bởi bạn tình trong đời là 31%.

Trên toàn cầu, 85% phụ nữ cho biết đã chứng kiến bạo lực trên không gian mạng và gần 40% từng trải qua điều đó. Đáng nói, vấn đề ngày càng gia tăng.

Nghiên cứu của UNFPA cho thấy, ngôn ngữ bạo lực và kỳ thị phụ nữ ngày càng tăng trên mạng xã hội trên khắp thế giới. Bạo lực giới trên không gian mạng có tính lan tỏa, không ngừng, ẩn danh và cải biến.

Hành vi này chủ yếu được thực hiện bởi bạn tình và được thực hiện nhằm hạ thấp, kiểm soát, cuối cùng là ngăn phụ nữ và trẻ em gái lên tiếng.

Bạo lực kỹ thuật số thường mang tính tình dục hóa cao và có nhiều hình thức, bao gồm: Quấy rối trên mạng, phát ngôn thù ghét, lừa đảo (tiết lộ thông tin cá nhân như địa chỉ hoặc danh tính) và xâm hại bằng hình ảnh (như chia sẻ hình ảnh khiêu dâm mà không có sự đồng ý bao gồm quay lén, sử dụng công nghệ để giả mạo và rình rập trên mạng).

Đặc biệt, phụ nữ, trẻ em gái, người dân tộc thiểu số, LGBTQ+, người khuyết tật và các cộng đồng bị thiệt thòi khác có nhiều nguy cơ bị xâm hại hình ảnh trên mạng với mục đích hạ thấp, kiểm soát và cuối cùng là dẫn đến sự im lặng.

Do đó, giải quyết bạo lực trên cơ sở giới trên không gian mạng là một lĩnh vực ngày càng được quan tâm nhiều hơn và không còn có thể thương lượng được nữa. Đảm bảo rằng mọi người có thể tự do tham gia trực tuyến mà không lo sợ bạo lực và xâm hại là điều rất quan trọng.

Công nghệ và các nền tảng trực tuyến cần phải được sử dụng như những công cụ thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ. Trong bối cảnh này UNFPA đã phát động chiến dịch “bodyright (quyền cơ thể)”, “bản quyền” đầu tiên đối với cơ thể con người.

Nhãn hiệu “bản quyền” mới này kêu gọi bảo vệ cơ thể của mỗi người khỏi bạo lực trên không gian mạng. Nói cách khác, quyền cơ thể là quyền làm chủ cơ thể của bản thân trên không gian mạng.

“Bạo lực kỹ thuật số cũng là bạo lực. Tất cả không gian, dù là thế giới ảo hay thực, phải an toàn và không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Cùng nhau, chúng ta có thể khẳng định quyền cơ thể của mình và chấm dứt tình trạng xâm hại trực tuyến”, ông Matt Jackson nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ