Ngăn chặn bạo lực học sinh nữ bắt đầu từ giáo dục giới

GD&TĐ - Những năm gần đây, tỷ lệ bạo lực ở nữ sinh tăng lên đáng kể. 

Xây dựng quan hệ tình bạn đẹp sẽ hạn chế bạo lực học đường. Ảnh: TG
Xây dựng quan hệ tình bạn đẹp sẽ hạn chế bạo lực học đường. Ảnh: TG

Điều này cho thấy bạo lực học đường không chỉ là vấn đề của nam sinh, mà còn trở thành vấn nạn nghiêm trọng đối với nữ sinh.

Gia tăng bạo lực nữ

Gần đây, vấn nạn bạo lực học đường có xu hướng xuất hiện nhiều ở học sinh nữ, nhất là cấp THCS. Đầu tháng 3, tại Vĩnh Long xảy ra liên tiếp 2 vụ, nhóm nữ sinh THCS đánh hội đồng bên ngoài trường học và đăng clip lên mạng xã hội. Ngay sau vụ việc ngành Giáo dục địa phương đã phối hợp cùng phụ huynh mời các bên liên quan đến xử lý, đảm bảo học tập và giáo dục học sinh.

Thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng (TP Cần Thơ), cho rằng, khi chúng ta nhấn mạnh vai trò của bình đẳng giới, học sinh, nhất là nữ sinh được tự do thể hiện cá tính. Một số nữ sinh bộc lộ tính cách quá mạnh mẽ, mất đi sự dịu dàng, e thẹn vốn có. Điều này xuất hiện phổ biến ở học sinh lới 7, 8 khi các em có những thay đổi về tâm sinh lý giai đoạn dậy thì, bị tác động bởi nhiều yếu tố phim ảnh, mạng xã hội, game bạo lực.

Ông Lê Thành Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thịnh (Tam Bình, Vĩnh Long), cho biết, sau khi mời các bên liên quan làm việc nắm rõ sự tình, hội đồng đã tổ chức họp và xử lý kỷ luật nghiêm học sinh liên quan. “Việc xử lý kỷ luật sẽ là bài học đối với học sinh vi phạm, đồng thời răn đe học sinh toàn trường. Chúng tôi đã giải quyết dứt điểm, không để học sinh tiếp tục hành hung bạn. Nhà trường cũng tăng cường quản lý, giám sát để không xảy ra tình trạng tương tự”, ông Hiếu chia sẻ.

Theo nhiều giáo viên, cán bộ quản lý, nguyên nhân bạo lực học đường gia tăng trong giới nữ sinh do tuổi dậy thì các em bắt đầu thay đổi sinh và tâm lý. Bạo lực đôi khi phát sinh từ nhiều yếu tố đơn giản như: Bất hòa quan hệ tình cảm, cách cư xử, mối quan hệ bạn bè... Mặt khác, nhiều nữ sinh hiểu không đúng về bình đẳng giới nên có hành vi không phù hợp.

Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), cũng chỉ ra một nguyên nhân khác khiến bạo lực học đường gia tăng ở nữ sinh bởi khi thực hiện bình đẳng giới đôi khi chúng ta ít quan tâm tới việc giáo dục giới tính, nam nữ.

“Ngày xưa cha mẹ dạy con gái rất kỹ về công, dung, ngôn, hạnh. Còn bây giờ, các em được tự do thoải mái, thêm tự tin, sáng tạo, nên nhiều em bộc lộ cá tính mạnh mẽ. Do đó, chúng ta cần duy trì phẩm chất, chuẩn mực về giới để tăng cường giáo dục nữ sinh chứ không phải bình đẳng giới thì bỏ luôn những chuẩn mực”, ông Nhân nhấn mạnh.

Hình ảnh cắt từ clip vụ việc 4 nữ sinh lớp 8 đánh 1 nữ sinh khác tại thị xã Đông Hòa, Phú Yên. Ảnh TTXVN

Hình ảnh cắt từ clip vụ việc 4 nữ sinh lớp 8 đánh 1 nữ sinh khác tại thị xã Đông Hòa, Phú Yên. Ảnh TTXVN

Tăng cường mạng lưới trường học

Để giảm tình trạng bạo lực trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, đặc biệt nữ sinh, thời gian qua ngành Giáo dục Vĩnh Long đã phối hợp với ngành Công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường tại tất cả các trường THCS, THPT.

Ông Trần Minh Đức, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Long Hồ (Vĩnh Long), cho biết: “Phòng phối hợp với công an huyện về thực hiện qui chế phối hợp cũng như xây dựng kế hoạch tuyên truyền trong các nhà trường để học sinh học kỹ năng sống, giáo dục các em về đạo đức, lý tưởng cách mạng, nói không với bạo lực học đường…”. Cách làm này góp phần làm thay đổi nhận thức, hành động học sinh, số vụ việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực trong trường học giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), cũng cho biết: Trong công tác phòng chống bạo lực học đường, ngành Giáo dục đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp xây dựng và thực hiện Đề án “Văn hóa ứng xử trong trường học”, tăng cường hoạt động tư vấn tâm lý, phối hợp với lực lượng công an tuyên truyền về an ninh trật tự, phòng chống bạo lực, tội phạm đến các trường để tuyên truyền cho học sinh…

“Chúng tôi còn chỉ đạo xây dựng mạng lưới an ninh trật tự để nắm bắt thông tin từ kết nối trực tuyến. Ví như giáo viên kết bạn Zalo, Facebook với học sinh và các em sẽ trao đổi thông tin trên mạng xã hội. Khi có vấn đề, học sinh có thể báo ngay cho thầy cô để kịp thời ngăn chặn” – ông Nhân thông tin thêm.

Theo thầy Võ Văn Rõ, Hiệu trưởng Trường THPT Vọng Thê (An Giang), để học sinh tin tưởng, báo cáo kịp thời những trường hợp bất thường, ban lãnh đạo nhà trường phải thân thiện, gần gũi, cởi mở với các em, đồng thời công khai số điện thoại cá nhân, Zalo, Facebook, Gmail.

Khi nhận được tin nhắn của học sinh qua Zalo, Messenger cần bảo mật riêng tư và trả lời nhanh nhất có thể. Cùng với thực hiện tuyên truyền, trường xây dựng mạng lưới an ninh qua Zalo. Nhờ vậy, trường đã xác minh và kịp thời ngăn chặn nhiều vụ mâu thuẫn trong học sinh đang có nguy cơ chuyển thành bạo lực.

Không chỉ tăng cường phòng chống bạo lực học đường, ngành Giáo dục cũng quan tâm đến giáo dục yếu tố giới cho học sinh nữ. Thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng (TP Cần Thơ), chia sẻ: “Trong công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, trường nhấn mạnh giá trị truyền thống, vẻ đẹp vốn có của phái nữ; giáo dục lối sống giản dị, bao dung, giữ gìn phẩm chất dịu dàng, nhân hậu người phụ nữ; hỗ trợ định hướng học sinh, đặc biệt nữ sinh giải quyết những mâu thuẫn trong quan hệ bạn bè, thầy cô, tình bạn, tình yêu và các mối quan hệ khác trong cuộc sống…”.

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: Ngành Giáo dục thành phố Cần Thơ đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nghiêm túc triển khai xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Đây được xem như hoạt động giáo dục hệ giá trị, giúp thầy và trò có nhận thức đúng đắn, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, thực hiện văn hóa ứng xử lành mạnh. Sắp tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tuyên truyền, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, gia đình học sinh; tổ chức các hoạt động giáo dục về ứng xử, văn hóa thể thao… cho học sinh nhân các ngày lễ lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.