Không gian sáng tạo
Đây là hoạt động nhằm tăng cường đổi mới sáng tạo trong dạy và học, cũng như tìm kiếm, tạo dựng môi trường mới để sinh viên có cơ hội tiếp xúc và trải nghiệm các kỹ năng đã được đào tạo.
Là một trong những trường ĐH uy tín, nổi danh về công tác đào tạo cho sinh viên các kỹ năng viết và nói trong nhiều môi trường, Khoa Tuyên truyền Học viện BC&TT là địa chỉ duy nhất của Việt Nam đào tạo cán bộ tuyên giáo từ năm 1962 đến nay. Chính vì thế, phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn, các phương pháp giảng dạy tích cực luôn được đội ngũ giảng viên nhận thức sâu sắc và đưa vào chương trình giảng dạy để tăng khả năng cọ xát cho sinh viên.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ trong buổi tư vấn - hướng nghiệp tổ chức tại Trường THPT Mỹ Đức A kết hợp với chuyến thiện nguyện mang tên “Lan tỏa yêu thương”, TS Vũ Hoài Phương, giảng viên Khoa Tuyên truyền cho biết, việc giảng dạy của giảng viên và học tập của SV luôn phải đề cao sự sáng tạo, tính tương tác trong hoạt động dạy học. Giáo dục trải nghiệm, sáng tạo là một trong những phương pháp được áp dụng để tăng tính tương tác giữa giảng viên với SV, giữa SV với nhau và hoạt động dạy học gắn với thực tiễn.
“Bằng việc thay đổi giáo cụ trực quan, tạo ra không gian học mới cùng với áp lực về thời gian, tình huống bất ngờ phát sinh trong quá trình thuyết trình chính là những thử thách mà SV có thể cảm nhận được trong chuyến đi tuyển sinh, hướng nghiệp của SV Học viện BC&TT. Nhiều em sau chuyến đi đã có những chia sẻ tâm đắc về việc tích lũy kinh nghiệm bổ ích, tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc cho cuộc sống của họ từ phương pháp dạy học tương tác tích cực này…”, TS Vũ Hoài Phương chia sẻ.
SV Học viện BC&TT chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên trong mái ấm Thanh Tâm trong chương trình “Lan tỏa yêu thương” |
Những bài học nhân văn
Trong chuyến đi thực tế, các SV đã đến thăm mái ấm Thánh Tâm ở xã Tuy Xá (huyện Mỹ Đức TP Hà Nội), gặp gỡ linh mục Anton Vũ Ngọc Tho, trao đổi về hiệu quả của công tác phối hợp giữa nhà thờ và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào là giáo dân tại địa bàn và thực hiện chương trình thiện nguyện “Lan tỏa yêu thương”. Đây là những nội dung trong khuôn khổ hai môn học Lý thuyết truyền thông vận động và Tổ chức sự kiện của SV đang học.
Có thể thấy, đổi mới phương pháp GD, trong đó tăng cường các phương pháp đề cao tính tương tác, sáng tạo, vận dụng các kỹ năng trong các môn học ở Khoa Tuyên truyền, Học viện BC&TT hiện nay, đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực cho công tác GD của Học viện trong thời kỳ mới.
Bằng việc tiếp xúc và trao đổi với linh mục về công tác dân vận, tuyên truyền giữa Nhà nước và giáo hội của một số tôn giáo hiện nay, SV Học viện BC&TT đã có thêm những góc nhìn khách quan và kinh nghiệm cho việc thực hành công tác tuyên truyền. Cụ thể, ngoài việc được học lý thuyết các môn chuyên ngành ở giảng đường, chuyến đi thực tế còn là cơ hội cho SV trực tiếp xây dựng chương trình thiện nguyện với nhiều công đoạn từ lập kế hoạch, vận động nguồn lực đến các khâu tổ chức thực hiện.
Thực hành dưới sự hướng dẫn của giảng viên được xem là phương pháp tích cực trong đổi mới giáo dục và cần được phát huy. Bởi sau chuyến đi, sinh viên Học viện BC&TT ngoài việc tiếp cận và vận dụng các kỹ năng đã học vào môi trường thực tế thì đây cũng là bài học về để các em cảm nhận, chia sẻ về những điều tốt đẹp xung quanh. Cảm thông cho những mảnh đời bất hạnh, cũng như góp sức, cống hiến mình vào những hoạt động nhân đạo sẽ giúp các em có cái nhìn thực tế, nhân văn hơn với những gì đã và đang diễn ra trong cuộc sống thường nhật.