Mô hình giáo dục thông minh: Cán bộ quản lý đóng vai trò lớn

GD&TĐ - Mô hình “Giáo dục thông minh” là một hệ thống hỗ trợ quản lý GD và quản trị nhà trường, giảng dạy và học tập, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) của thế kỷ 21, đáp ứng những thay đổi trong hệ thống GD hiện đại. 

Mô hình giáo dục thông minh: Cán bộ quản lý đóng vai trò lớn

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ GD Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, thực tế trong GD thông minh thì ICT chỉ là phương tiện hỗ trợ để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng GD, tạo điều kiện phát triển phẩm chất, năng lực của người học. 

Nhận diện mô hình GD thông minh

Ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho rằng, dù việc sử dụng bài giảng điện tử trong giảng dạy khá phổ biến trong các trường phổ thông hiện nay nhưng cũng chỉ là sự kết hợp những ưu điểm của phương pháp dạy học truyền thống và công nghệ.

Ông Hoàng Văn Thi phân tích: “Bài giảng điện tử và các trang thiết bị khác như máy tính, máy chiếu có thể coi là những công cụ dạy học đa năng, vì có thể thay thế cho hầu hết các công cụ từ truyền thống như tranh vẽ, bản đồ, mô hình đến hiện đại như cassette, tivi, đầu video…. Thế nhưng, bài giảng điện tử không phải là phần mềm dạy học, nó chỉ giúp cho việc giảng dạy của GV và đối tượng sử dụng là giáo viên (GV) chứ không phải là HS. Việc truyền đạt kiến thức vẫn dựa trên giao tiếp thầy - trò, chứ không phải là giao tiếp máy - người và GV vẫn là người trực tiếp điều hành việc sử dụng phần mềm”.

E - Learning được xem là hình thức học tập lấy người học làm trung tâm, GV đóng vai trò hỗ trợ. Theo đó, HS làm chủ quá trình học của mình, sử dụng máy tính để tự học các bài giảng mà GV đã soạn sẵn, hoặc xem các đoạn phim về các tiết dạy của GV, hoặc có thể trao đổi trực tuyến với GV thông qua mạng Internet.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng có những phác thảo về mô hình lớp học thông minh rất thú vị: “Trong tiết học, GV hoàn toàn không sử dụng giáo án giấy mà thay vào đó là một máy chủ kết nối toàn bộ HS trong lớp. Từ việc tổ chức dạy học tương tác, cho bài tập, kiểm tra bài tập, đưa tài liệu, nhận phản hồi từ HS… đều được thao tác trên máy. Lúc này, mỗi HS chỉ cần một phương tiện có thể kết nối mạng như máy tính bảng, điện thoại thông minh là có thể truy cập vào bài học một cách dễ dàng.

Sau khi đưa ra yêu cầu cụ thể, GV sẽ cho HS thời gian làm bài, phản hồi bài tập trong một khoảng thời gian quy định. Thông qua hệ thống, GV có thể theo dõi và biết được những HS nào đã hoàn thành việc chuẩn bị bài, HS nào chưa hoàn thành và có thể can thiệp ngay. Nếu HS không hiểu bài, gặp khó khăn hay đơn giản chỉ là lười học, GV có thể tương tác ngay. Sử dụng công nghệ như vậy giúp việc dạy và học của GV và học trò đều tiện lợi hơn rất nhiều”.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Công nghệ chỉ là phương tiện kết nối

Hầu hết các nhà khoa học GD đều cho rằng với GD thông minh, không phải đưa công nghệ vào một cách thuần túy mà phải dùng công nghệ để kết nối. Muốn xây dựng thành công GD thông minh thì phải có cách thức để lôi cuốn cả một cộng đồng cùng kết hợp với nhau thì mới làm được, ngoài các đối tượng quan trọng là cán bộ quản lý (CBQL), GV, HS thì cha mẹ HS cũng phải tham gia và có sự am hiểu nhất định mới có thể hỗ trợ và đồng hành được, rồi các tổ chức GD, doanh nghiệp… cũng có vai trò nhất định trong GD thông minh.

Ở một khía cạnh khác, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng nguồn lực quan trọng nhất trong GD thông minh chính là CBQL. “Đến bây giờ mà vẫn còn có câu chuyện GV mượn máy chiếu để phục vụ giảng dạy mà phải có đầy đủ chữ ký của đại diện Ban giám hiệu, tổ trưởng tổ chuyên môn, cán bộ phụ trách phòng bộ môn… đến bao giờ có GD thông minh cho được? Chính vì vậy, CBQL, nhất là CBQL trực tiếp tại các trường học có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy lộ trình xây dựng GD thông minh”.

Ngoài việc phải chuẩn bị sớm nguồn nhân lực, ông Vũ Đình Chuẩn cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ sớm xây dựng lộ trình triển khai GD thông minh, nghiên cứu để xây dựng các chỉ số đánh giá như thế nào là bài giảng thông minh, lớp học thông minh, trường học thông minh; hoàn thành các tiêu chuẩn quốc gia về GD thông minh.

“Có phủ kín GD thông minh đến tất cả các trường học được không, các trường vùng khó có làm được không là câu hỏi được rất nhiều CBQL, GV quan tâm. Bộ GD&ĐT và các đơn vị đối tác trong xây dựng mô hình GD thông minh sẽ tính đến giải pháp thiết kế các gói triển khai ở những mức độ khác nhau theo dạng mô – đun để đơn vị trường học nào cũng có thể lựa chọn triển khai phù hợp với điều kiện của cơ sở mình. Tài nguyên GD phục vụ dạy - học ở trên Internet rất nhiều và chúng ta đang nỗ lực để số hóa. Chúng ta tránh “phủ kín” trường học thông minh theo nghĩa là trang bị thiết bị, phương tiện đầy đủ cho tất cả các trường học rồi lấy khăn phủ kín” - ông Vũ Đình Chuẩn nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hợp nhất để vượt trội

GD&TĐ - Sau hơn ba năm, ngành công nghiệp chế tạo ô tô trên thế giới lại manh nha có sự biến đổi lớn.