Dạy học thơ Đường bằng trò chơi kích hoạt kiến thức nền

GD&TĐ - Trong bối cảnh chung của thực trạng dạy và học môn Ngữ văn hiện nay, phần lớn học sinh không mấy hứng thú với thơ Đường. Dạy học thơ Đường luôn là một thử thách hết sức khó khăn đối với giáo viên THPT. Vì vậy, khơi gợi hứng thú của học sinh là việc làm thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả khi dạy học thơ Đường.

Dạy học thơ Đường bằng trò chơi kích hoạt kiến thức nền

Một trong những biện pháp hiệu quả chính là tạo hứng thú từ việc kích hoạt kiến thức nền bằng trò chơi khi bắt đầu bài học.

Tầm quan trọng của việc kích hoạt kiến thức nền

Việc kích hoạt kiến thức nền để tạo tâm thế tiếp nhận văn bản trong giờ học rất quan trọng. Đây chính là một hoạt động tạo cầu nối, giúp khơi dậy những gì học sinh đã biết để từ đó có thể hướng tới những gì các em chưa biết. Qua việc kích hoạt kiến thức nền, giáo viên sẽ tiết kiệm được thời gian diễn giảng lại những gì học sinh đã biết, tránh gây nhàm chán trong tiết học.

Riêng đối với dạy học thơ Đường ở trường THPT, việc kích hoạt kiến thức nền gắn với những tri thức về thơ Đường mà các em đã học ở cấp THCS, từ đó kéo gần khoảng cách giữa các em và thơ Đường. Các em sẽ thấy thơ Đường quen hơn, gần gũi hơn. Vì vậy, các nhiệm vụ giáo viên đưa ra để hình thành kiến thức mới cũng sẽ dễ dàng giải quyết hơn với học sinh.

Có nhiều kĩ thuật kích hoạt kiến thức nền, nhưng trong đó trò chơi là một phương thức khá hiệu quả. Bởi lẽ trò chơi có tính tương tác cao, thu hút được học sinh hợp tác trong thực hiện nhiệm vụ; tạo được hứng thú và kích thích học sinh tham gia vào tiết học. Nó được tổ chức trong thời gian ngắn đầu tiết học (5 phút) với những câu hỏi gợi nhớ kiến thức là chính.

Một số trò chơi kích hoạt kiến thức nền trong dạy học thơ Đường

Trong dạy học thơ Đường, để kích hoạt kiến thức nền tôi sử dụng các hình thức tổ chức trò chơi sau đây:

Trò chơi “Ai nhanh hơn”

Luật chơi để kích hoạt kiến thức về thơ Đường trước khi dạy một bài đầu tiên trong cụm bài thơ Đường ở trường THPT: “Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng” (Lí Bạch).

Giáo viên chia lớp thành các nhóm, sau đó yêu cầu các nhóm lên bảng viết những tác phẩm thơ Đường mà em đã học (THCS) hoặc đọc thêm theo phần bảng được chia sẵn. Các nhóm lên theo lần lượt các thành viên theo kiểu tiếp sức với nhau. Bạn lên sau bổ sung nội dung bạn trong nhóm lên trước còn thiếu. Cứ vậy đến hết thời gian. Nhóm có nhiều đáp án đúng nhất chiến thắng.

Ưu điểm của trò chơi này là dễ tổ chức, kết hợp giữa tư duy nhanh và vận động. Trò chơi này sẽ đánh thức sự hứng thú của học sinh và tạo không khí hào hứng trong tiết học.

Trò chơi “Nhìn hình đoán chữ”

Với mục đích tương tự như trên là nhắc lại các kiến thức về thơ Đường mà các em đã học ở THCS, từ đó tạo tâm thế tiếp nhận cho HS khi bước vào bài học mới, GV có thể vận dụng trò chơi “Nhìn hình đoán chữ” như sau:

GV nêu yêu cầu: Hãy cho biết hình ảnh này gợi nhắc đến bài thơ Đường nào? GV chiếu các hình ảnh, tranh vẽ liên quan đến những bài thơ Đường đã học ở THCS như: Xa ngắm thác núi Lư (Vọng Lư Sơn bộc bố)- Lí Bạch; Đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều (Phong Kiều dạ bạc) - Trương Kế; Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tĩnh dạ tứ)- Lí Bạch; Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê (Hồi hương ngẫu thư) - Hạ Tri Chương; Bài ca nhà tranh bị gió thu phá (Mao ốc vị thu phong sở phá ca) của Đỗ Phủ,…

HS trả lời sau mỗi hình ảnh. Sau khi thực hiện hoạt động theo hình thức 1 và hình thức 2, GV cần giúp HS củng cố ngắn gọn kiến thức qua câu hỏi: “Em có thể nêu ngắn gọn những hiểu biết của em về thơ Đường mà em đã được học?”, từ đó dẫn dắt vào bài mới.

Trò chơi ô chữ

GV sử dụng ô chữ như một hình thức gợi nhắc cho học sinh một số kiến thức đã học, đồng thời làm cầu nối dẫn vào bài học mới. Sau đây là một ô chữ đơn giản có thể sử dụng trong phần kích hoạt kiến thức nền bài “Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng” của Lí Bạch:

Câu 1: Tác giả bài thơ “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” - Đáp án: Đỗ Phủ

Câu 2: Tên phiên âm của bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” – Đáp án: Tĩnh dạ tứ.

Câu 3: Điền vào chỗ trống để hoàn chỉnh tên bài thơ “Vọng ….. bộc bố” – Đáp án: Lư Sơn.

Câu 4: Tác giả bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” (Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê) – Đáp án: Hạ Tri Chương.

Câu 5: Bài thơ nổi tiếng của Trương Kế là “Phong Kiều…”- Đáp án: dạ bạc

Ô chữ từ khoá gồm 6 chữ cái: LÍ BẠCH.

Với từ khoá này, GV yêu cầu HS nhắc lại những kiến thức về Lí Bạch và các bài thơ của ông: “Tĩnh dạ tứ” và “Vọng Lư sơn bộc bố” đã được học ở cấp THCS, tạo sự liên kết giữa hai cấp học. Vì vậy, HS sẽ hứng thú, tích cực hơn với bài học này.

Trong một giờ học, giáo viên có vô vàn sự lựa chọn các phương pháp, kĩ thuật tổ chức dạy học. Trên đây, chỉ là một vài hình thức tổ chức trò chơi nhằm kích hoạt kiến thức nền mong muốn khơi gợi hứng thú, phát huy tính tích cực chủ động của học sinh, từ đó nâng cao hiệu quả giờ dạy học thơ Đường nói riêng và giờ học Văn nói chung.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.