Đặc biệt, ở môn học thiên về cảm xúc như Ngữ văn thì người giáo viên cần chú ý hơn nữa. Một trong những cách thức tác động tích cực đến việc học đó là tạo ra những mâu thuẫn, những thách thức trong quá trình chiếm lĩnh tri thức của các em.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, cô Chúc Liên, GV Trường THCS Đồng Đen, Bình Chánh, TPHCM chia sẻ một số cách thức khơi dậy sự yêu thích môn Ngữ Văn cho học sinh.
Tạo tâm thế học tập cho học sinh
Môn học Ngữ văn mang tính đặc thù là môn học hướng người học đến với những phạm trù thẩm mĩ: cái tốt, cái đẹp, cái xấu … Nó thuộc môn học về tình cảm. Vì thế “tạo tâm thế học tập” là một điều cần thiết giúp người dạy dễ dàng đạt được mục tiêu giảng dạy cần đạt nếu thực hiện thành công bước “tạo tâm thế học tập này”.
Điều đó có nghĩa là người giảng dạy tạo ra sự đam mê, óc tò mò, tư thế vững vàng, tâm lí thoải mái, một cảm xúc mãnh liệt muốn tìm đến với kiến thức mới, chẳng hạn như: một bài thơ, một tác phẩm truyện …
Để tạo tâm thế tốt cho người học trong môn Ngữ văn nói riêng, quan trọng hơn hết, người giáo viên cần gạt bỏ đi những cảm xúc riêng của bản thân trước khi bước lên bục giảng.
Và trong giờ “Văn”, người giáo viên phải dìu dắt người học đến với những vương quốc của cảm xúc: hỉ, nộ, ái, ố của văn chương, của nghệ thuật ngôn từ. Ở đó, những số phận, những nhân vật, những độc đáo trong việc sử dụng ngôn từ, … đều được bốc, vỡ ra từng mảnh rõ rệt, khiến người học hiểu sâu sắc, nhớ kĩ càng về những vấn đề đã được người dạy hướng dẫn tìm hiểu.
Có rất nhiều cách thức để tạo tâm thế học tập giờ Ngữ văn. Chúng ta có thể hát một câu hát, câu hò; kể một câu chuyện ngắn; chia sẻ những cảm xúc chân thành của bản thân; … liên quan đến chủ đề bài học sắp giảng dạy. Những hoạt động khởi động ấy như một chất xúc tác giúp học sinh đi vào bài học khá dễ dàng.
Nếu có thể, bản thân giáo viên có thể thiết kế những trò chơi giúp học sinh hứng thú hơn, mong muốn được đến với nội dung bài học hơn. Chẳng hạn như, khi giảng dạy bài: “Đồng chí” của Chính Hữu hay “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật trong chương trình Ngữ văn 9, giáo viên cho học sinh nghe một đoạn nhạc trong bài hát được phổ nhạc từ bài thơ. Cũng có lúc, giáo viên kể câu chuyện với chủ đề về người lính; đọc bài thơ về người lính.
Thậm chí, giáo viên còn đã hát cho học sinh nghe một đoạn thơ phổ nhạc, … Từ đó tạo một không khí học tập thoải mái.
Hay khi giảng dạy văn bản “Lặng lẽ SaPa” của tác giả Nguyễn Thành Long, giáo viên đã cho học sinh chơi trò chơi “Tay lái lụa” được chính người dạy thiết kế dựa trên phần mềm Violet.
Và ở đó, câu hỏi hay những ngữ liệu liên quan đến bài học được mở ra sau khi học sinh vượt qua những chướng ngại vật. Vậy là nội dung kiến thức, mục tiêu giáo dục đã được thể hiện phần nào trong trò chơi ấy. Hoạt động hình thành kiến thức mới trở nên nhẹ nhàng nhưng hiệu quả lại cao.
Tạo ra những thử thách
Tạo thử thách cho học sinh THCS là cách dễ dàng nhất để giải quyết những mâu thuẫn tâm sinh lí lứa tuổi đang có. Vì qua những thử thách, các em sẽ dần hoàn thiện bản thân hơn, học nhiều hơn những gì giáo viên kì vọng! Các hoạt động tạo thử thách trong học tập cho học sinh đã được ứng dụng như:
Thứ nhất, Biến các học sinh thành “chuyên gia” trong một vấn đề: Ở đây, nhìn bề ngoài hoạt động mang tính khu biệt đối tượng. Tuy nhiên, người giảng dạy sẽ rất ngạc nhiên khi thấy học sinh có nhiều tiềm năng đến thế nào nếu yêu cầu các em thuyết trình về một đề tài theo nhóm hoặc cá nhân. Các em sẽ cảm thấy hứng thú và có trách nhiệm khi trở thành chuyên gia trong một vấn đề cụ thể. Và đây cũng là một cách hay để bạn làm mới chương trình học và tạo sự thú vị cho buổi học.
Có rất nhiều hoạt động tạo sự yêu thích cho học sinh theo định hướng này, như: “Một giờ làm giáo viên”; “Lớp học đảo ngược”; … ngay cả đây chỉ là hoạt động thảo luận nhóm. Và hình thức này trong giáo dục hiện đại ngày nay là khá phổ biến. Vì thế, đối với môn Ngữ văn, việc ứng dụng cần dần dần mang tính chiều sâu hơn.
Thứ hai, khuyến khích học sinh làm việc theo nhóm: Trong môn học Ngữ văn, người giáo viên cần tạo điều kiện cho người học có sự cạnh tranh nhất định khi học tập. Chẳng hạn như thảo luận nhóm và tích điểm thưởng cho mỗi cá nhân để từ đó nêu lên nhận xét, đánh giá chung cho từng nhóm, từng cá nhân.
Trong hình thức này, cần cố gắng hạn chế nêu khuyết điểm của học sinh ngay trên lớp hay trên điểm chấm – trừ trường hợp tái phạm nhiều lần cần nghiêm khắc. Giáo viên cần linh hoạt trên từng đối tượng cụ thể, tránh tình trạng mất niềm tin và nghị lực phấn đấu do quá nhiều sai phạm, nhiều điểm trừ.
Thứ ba, cung cấp các lựa chọn: Sự thành công của việc dạy học được đánh giá ở thái độ học tập của học sinh. Để học sinh có thái độ tốt, trước hết, bản thân giáo viên cần có những định hướng, hoạt động giúp các em hoàn thành tốt nhiệm vụ của bản thân trong tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái. Một trong những cách thức dễ dàng để người giáo viên thực hiện đó là cung cấp sự lựa chọn cho học sinh. Học sinh sẽ có động lực hơn nếu được lựa chọn trong quá trình học. Các lựa chọn giúp học sinh cảm thấy mình có quyền quyết định việc học cũng như động lực của mình. Hãy cho học sinh chọn bạn cùng làm thảo luận nhóm, làm sản phẩm học tập hay cho các em một số lựa chọn khi giao bài về nhà, ….
Hoặc giáo viên vẫn có thể cung cấp cho học sinh rất nhiều cấu trúc mà vẫn cho phép học sinh được lựa chọn.
Chẳng hạn như, khi yêu cầu thực hiện dự án dạy học như: “ An toàn đến trường” của học sinh lớp 6 thông qua hệ thống kiến thức “Ôn tập kể chuyện”, học sinh có thể chọn nhóm bạn thực hiện, chọn cách thức thực hiện, chọn loại sản phẩm thực hiện và cách trình bày. Từ đó, tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn rất nhiều, không còn khô khan, giáo điều, lí thuyết nữa.
Tạo sự yêu thích thông qua các dự án học tập
Thực hiện giảng dạy theo định hướng giáo dục mới thì việc dạy học theo dự án không còn xa lạ với giáo viên chúng ta. Và nó cũng là một cách thức để học sinh có thêm động lực học tập.
Ở môn Ngữ văn, việc thực hiện dự án học tập này khá thuận lợi bởi có thể đa dạng hóa sản phẩm. Có thể là một bức tranh, một bài thơ, một sơ đồ, một đoạn phim ngắn hay cả một chương trình thực nghiệm trong cuộc sống.
Để hướng dẫn một dự án học tập cho học sinh có hiệu quả cao, người giảng dạy cần thực hiện theo một số bước cơ bản: chuẩn bị rất kĩ về kế hoạch bài dạy, kế hoạch dự án, các thang bậc đánh giá và chi tiết hóa các hoạt động cụ thể; cần theo sát học sinh thông qua hình thức trực tiếp hoặc online. Vừa quan sát, nhận xét và định hướng cho người học; …
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể sử dụng một số biện pháp phổ biến khác lồng vào nhau, như: tổ chức trò chơi, sử dụng mindmap trong dạy học, …
Mong rằng, với sự trải nghiệm, học hỏi, chia sẻ của mỗi bản thân giáo viên sẽ góp phần nâng cao hơn ý thức, sự yêu thích học tập của các em học sinh. Tất cả đều hướng đến việc xây dựng môi trường giáo dục ngày càng hiện đại hơn.