Thách thức đặt ra cho cả người dạy và người học đó chính là năng lực tiếp cận cái mới. Chủ đề tích hợp liên môn thường được coi là những chủ đề có nội dung kiến thức liên quan đến 2 hay nhiều môn học thể hiện ở sự ứng dụng chúng trong cùng một hiện tượng trong tự nhiên hay xã hội.
Trong giảng dạy có 3 loại chủ đề tích hợp liên môn, bao gồm: Chủ đề được đề cập trong nhiều môn học; Chủ đề trong thực tiễn liên quan tới kiến thức, kỹ năng của nhiều môn học; Chủ đề trong 1 môn học kết hợp với các môn học khác theo nghĩa công cụ. Căn cứ vào đó chúng ta có các phương pháp xác định chủ đề liên môn trên bình diện: chương trình, môn học, môn học công cụ.
- Trên bình diện chương trình có 4 bước: Rà soát chương trình các môn học có liên quan, xác định các chủ đề trùng nhau, liệt kê danh sách các chủ đề, chia sẻ, thảo luận và thống nhất các chủ đề trong phạm vi chương trình.
- Trên bình diện môn học có 6 bước: Xuất phát từ nội dung, kết nối nội dung với các sự vật hiện tượng thực tiễn; phân tích sự vật, hiện tượng thực tiễn; chỉ ra các kiến thức, kỹ năng có trong các môn học liên quan; liệt kê danh sách chủ đề; thảo luận và thống nhất các chủ đề.
- Trên bình diện môn học công cụ có 2 bước: Lựa chọn chủ đề trong môn học, sử dụng các môn học công cụ tích hợp dạy học chủ đề.
Ví dụ tổ chức dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn “Cảm hứng yêu nước trong Văn học trung đại Việt Nam từ thế kỷ X-XV” - Chương trình Ngữ văn 10), chúng tôi xác định mục tiêu, chủ đề bài học theo kiến thức, kỹ năng, thái độ tình cảm đối với bài học. Đó là hiểu biết về khái niệm và biểu hiện “cảm hứng yêu nước” để người học nắm đặc trưng cơ bản của các thể loại, biết được đặc điểm một số nhân vật, địa danh, sự kiện lịch sử phản ánh trong dòng văn học cảm hứng yêu nước, từ đó hiểu được trách nhiệm công dân trong việc phát triển truyền thống yêu nước.
Biết cách sử dụng các đơn vị kiến thức khái quát để cụ thể hóa chủ đề; cách phân tích tìm hiểu chủ đề; cách vận dụng tích hợp các đơn vị kiến thức ngoài bộ môn; cách liên hệ chủ đề với cuộc sống hiện tại; kỹ năng thể hiện chủ đề thông qua thu thập dữ liệu khái quát bằng sơ đồ tư duy; trình bày dưới hình thức một sản phẩm dự án…
Thông qua đó, người học có hứng thú với chủ đề và phương pháp học tập mới, từ đó bồi dưỡng niềm say mê học tập môn Ngữ văn, tích cực sáng tạo trong tìm hiểu chủ đề, tích cực gìn giữ phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, ý thức về vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phản đối và sẵn sàng đấu tranh đối với các hành vi xâm phạm chủ quyền làm tổn hại nền độc lập của tổ quốc.
Định hướng phát triển năng lực giúp HS có khả năng giao tiếp và hợp tác làm việc theo nhóm, bước đầu tiếp cận với phương pháp nghiên cứu khoa học, rèn luyện tính sáng tạo và khả năng tư duy mạch lạc, logic theo hướng phản biện. Bồi dưỡng khả năng tự học và tự học suốt đời cho HS. HS còn có thêm năng lực sử dụng công nghệ thông tin, năng lực vận dụng kiến thức liên môn.
Trong quá trình tổ chức dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn, chúng tôi đã gặp những thuận lợi và khó khăn nhất định.
- Về thuận lợi, HS hợp tác với GV trong việc thảo luận về kế hoạch bài dạy, tiêu chí đánh giá bộ câu hỏi định hướng, từ đó các em có thể chủ động tìm hiểu bài học và thực hiện sản phẩm sát với chủ đề. Hầu hết HS năng động, có tính sáng tạo, yêu thích học theo phương pháp mới và thể hiện được sự hứng khởi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập.
- Về khó khăn cũng có không ít, đó là quá trình thực hiện đòi hỏi GV phải đầu tư nhiều thời gian công sức, phải tự rèn luyện khả năng phân tích, tổng hợp, kiến thức để có thể định hướng thật sự có hiệu quả, phù hợp cho hoạt động dạy học. Một bộ phận GV còn hạn chế trong việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin nên lúng túng trong hướng dẫn HS thực hiện sản phẩm học tập một cách chủ động và đạt hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, HS còn hạn chế trong năng lực tìm tài liệu, tổng hợp viết bài bộc lộ suy nghĩ, quan điểm riêng. Đa phần HS yếu các kỹ năng mềm như thuyết trình, giao tiếp, hợp tác nhóm... khiến GV mất nhiều thời gian hướng dẫn rèn kỹ năng. Việc ứng dụng thường xuyên dạy học theo chủ đề tích hợp liên là khó khả thi vì chương trình học còn cồng kềnh, HS còn phải lo làm nhiều bài tập khác nên tạo ra nhiều áp lực căng thẳng cho người học. Việc đánh giá HS thông qua sản phẩm dự án chưa được GV sử dụng thuần thục, sự phối hợp cùng lên kế hoạch và thực hiện chủ đề dạy học liên môn ở các GV thuộc bộ môn khác nhau chưa được thực sự quan tâm.
Qua nghiên cứu và thực nghiệm chúng tôi đúc kết được mấy vấn đề sau:
- Tùy từng đối tượng HS, GV cần triển khai chủ đề dạy học phù hợp với trình độ, nhận thức của các em.
- GV cần nâng cao trình độ nghiên cứu về kiến thức chuyên môn, tìm tòi học hỏi công nghệ thông tin để hướng dẫn HS tốt hơn. GV luôn theo sát và đôn đốc, giải đáp thắc mắc cho HS kịp thời, giúp đỡ HS trên tinh thần là bạn đồng hành trên con đường khám phá tri thức.
- Cho HS ký vào hợp đồng học tập và biên bản nghiệm thu sản phẩm để HS thấy được tính chất quan trọng của bài học và có trách nhiệm với hoạt động học tập của chính mình.
- GV các bộ môn cần bắt tay cùng lên kế hoạch thực hiện đồng bộ để bảo đảm tinh thần của tích hợp liên môn.