Lập dàn ý bài văn thuyết minh. Tính chuẩn xác, hấp dẫn của văn bản thuyết minh. Phương pháp thuyết minh. Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh. Tóm tắt văn bản thuyết minh,... với thời lượng các bài văn thuyết minh trong chương trình Ngữ văn 10 là 8 tiết, chúng tôi dành cho hoạt động tìm hiểu nội dung liên quan đến các bài văn thuyết minh trong chương trình (học trên lớp: 2 tiết), hướng dẫn học sinh tham gia HĐTN (4 tiết) và thu hoạch HĐTN, trả bài (2 tiết). Cụ thể như sau:
Dạy lý thuyết cụm bài văn thuyết minh
Ở trung học cơ sở đã được học văn thuyết minh nên hầu hết học sinh đã nắm vững kiến thức về lí thuyết và biết thực hành bài văn thuyết minh. Tuy nhiên, để bài viết của các em sâu hơn, hay hơn, chúng tôi dành thời gian 2 tiết để giúp các em ôn tập, rèn luyện kỹ năng làm bài văn thuyết minh. Thực hiện phần này, chúng tôi đã tiến hành các bước như:
- Xác định mức độ cần đạt
Về kiến thức: Biết các kiểu kết cấu trong bài văn thuyết minh; Biết các phương pháp thường sử dụng trong văn bản thuyết minh; Biết những kiến thức cơ bản về tính chuẩn xác và tính hấp dẫn của văn bản thuyết minh, Biết trình tự lập dàn ý trong bài văn thuyết minh, Biết trình tự tóm tắt văn bản thuyết minh, Biết làm một bài văn thuyết minh hoàn chỉnh.
Về kĩ năng và thái độ: Vận dụng được những kĩ năng đã học một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo để thuyết minh chính xác, hấp dẫn những vấn đề trong học tập và trong cuộc sống; Có ý thức vận dụng những kiến thức đã học vào quá trình làm bài văn thuyết minh.
Hình thành năng lực: Năng lực tự học, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến văn bản; năng lực trình bày một vấn đề; năng lực hợp tác trong xử lý tình huống một cách sáng tạo; năng lực giải quyết vấn đề; năng lực sáng tạo; năng lực hợp tác; năng lực tự quản bản thân; Năng lực giao tiếp ứng xử ; năng lực thẩm mĩ; năng lực quản lí bản thân; Năng lực sử dụng Công nghệ thông tin; Năng lực giao tiếp tiếng Việt.
- Tổ chức các hoạt động trước khi lên lớp
Chúng tôi giao việc cho từng nhóm học sinh chuẩn bị những vấn đề liên quan đến bài học. Nhóm trưởng phác thảo kế hoạch hoạt động của nhóm và gửi giáo viên duyệt, góp ý.
Các nhóm khảo sát 1 văn bản trong sách giáo khoa “Chu Văn An – Nhà sư phạm mẫu mực” và 1 clip thuyết minh về “Làng Việt cổ Đường Lâm” (giáo viên gửi cho học sinh hoặc hướng dẫn học sinh tìm trên trang mạng Youtube) để chuẩn bị những nội dung liên quan đến bài học.
- Tổ chức các hoạt động khi lên lớp
Giới thiệu đoạn phim thuyết minh về cây lúa (1 dạng bài đã học ở THCS) để vào bài. Qua hoạt động phân tích 2 ngữ liệu “Chu Văn An – Nhà sư phạm mẫu mực” và đoạn thuyết minh về “Làng Việt cổ Đường Lâm” chúng tôi hướng dẫn học sinh thảo luận tìm hiểu các nội dung như: Các hình thức kết cấu của bài văn thuyết minh; Các phương pháp thuyết minh; Tính chuẩn xác và hấp dẫn trong văn thuyết minh; Các cách lập dàn ý trong văn thuyết minh; Cách tóm tắt văn bản thuyết minh; Thực hành kĩ năng làm bài văn thuyết minh. Học sinh tổng kết nội dung bài học bằng các sơ đồ tư duy.
Ảnh minh họa |
Hướng dẫn hoạt động trải nghiệm
Để thực hiện nội dung này, chúng tôi tiến hành lập kế hoạch hoạt động học tập trải nghiệm tổ chức hướng dẫn học sinh khối 10 tham gia hoạt động trải nghiệm về cụm bài văn thuyết minh như sau:
Bước 1: Hướng dẫn học sinh thực hiện kế hoạch Hoạt động trải nghiệm sáng tạo môn Ngữ văn 10 năm học 2018-2019; Hướng dẫn cụ thể về đề bài viết số 5 có liên quan đến HĐTN.
Bước 2: Học sinh chọn nhóm và tự lựa chọn đề tài, dự án: Gợi cho học sinh đến với các địa danh, danh lam thắng cảnh, món ăn, đặc sản vv... tại Ninh Thuận như: Tháp Po Klong Garai (Tháp Chàm), Biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái, Làng gốm Bàu Trúc, Lễ hội Ka-tê, Thiền Viện Trúc Lâm Viên Ngộ, Những cánh đồng muối, Đàn cừu, Giàn nho, Bánh canh, Bánh xèo… Học sinh tự lựa hình thức HĐTN theo cá nhân hoặc nhóm (không quá 8 người) có thể trong cùng lớp hoặc khác lớp. Sau đó các nhóm báo danh sách nhóm, đề tài, dự án cho giáo viên.
Bước 3: Học sinh trực tiếp tham gia HĐTNST bằng nhiều hình thức khác nhau, giáo viên có thể quan sát và giải đáp những thắc mắc của học sinh. Bước 4: Học sinh gửi video và bài thuyết minh bằng file Word hoặc Powerpoint cho giáo viên đúng thời gian quy định.
Hoạt động trả bài viết
Chúng tôi xác định trả bài làm văn có tầm quan trọng đặc biệt trong việc giúp học sinh nhận ra ưu, khuyết điểm của bài viết và khắc sâu hơn kiến thức, kĩ năng cần đạt nên chúng tôi đã dành thời gian 2 tiết cho hoạt động này. Ngoài việc chấm, đánh giá, nhận xét cụ thể sản phẩm của học sinh qua HĐTN, chúng tôi đã tiến hành:
- Về công tác chuẩn bị: Xây dựng đáp án, biểu điểm và tiến hành chấm bài video và file word hoặc file Powerpoint; Chuẩn bị phiếu học tập; Định hướng các phương pháp dạy học phát triển năng lực; Chuẩn bị sắp xếp các bài viết, các video của học sinh theo từng nhóm; Chuẩn bị máy chiếu, âm thanh để trình chiếu sản phẩm của học sinh…
- Tiến hành giờ trả bài làm văn
Hoạt động này được thực hiện qua 6 bước: Tạo tâm thế cho học sinh tham gia tiết trả bài; Tổ chức cho học sinh tìm hiểu đề bài; Tổ chức cho học sinh xem các video, các file word hoặc file Powerpoint và các nhóm chấm bài của nhau; Tổ chức cho học sinh phân tích và chữa lỗi; Tổ chức cho học sinh đọc và bình bài văn đoạn văn hay, đoạn phim tốt; Giáo viên công bố điểm, lưu bài vào hồ sơ dạy học và giải quyết những thắc mắc của học sinh.
4. Đánh giá kết quả
Thông qua hoạt động trải nghiệm, với 6 lớp (210 học sinh) tham gia, chúng tôi thu được 61 sản phẩm (trong đó 32 video, 26 bản word, 6 bản Powerpoint) và lựa chọn được 13 video, 6 bản word, 5 bản Powerpoint được đánh giá tốt, có thể làm tư liệu cho việc dạy và học và lưu lại trong Hồ sơ dạy học của tổ Ngữ văn.
Sau khi nhận nhiệm vụ hầu hết các em học sinh của các lớp, các nhóm đã tích cực hưởng ứng. HĐTN thực sự đem đến cho học sinh những bài học không có từ sách vở hay chỉ ngồi ở lớp. Các em đã trải nghiệm thực học, biết đến những giá trị văn hóa, biết chia sẻ và nâng niu trân trọng những giá trị cuộc sống và biết quảng bá những vẻ đẹp của quê hương qua các thước phim chính các em biên tập; HĐTN xây dựng được mục tiêu chung, có những chủ đề mang tính chiều sâu, từ khâu lập kế hoạch, tổ chức, đánh giá, thu hoạch... Nó thể hiện được tính tích hợp, liên môn mà ngành giáo dục đang hướng đến.
Chúng tôi cũng thấy rõ: cùng một điểm đến nhưng mỗi lớp, mỗi cá nhân, mỗi nhóm có những cách trải nghiệm khác nhau và sản phẩm của các em cũng khác nhau. Các em đã trở nên năng động, biết sáng tạo, kết hợp được kiến thức và kĩ năng của các bộ môn làm ra sản phẩm. Điểm lớn nhất sau khi thực hiện HĐTN này là được phụ huynh đồng thuận và ủng hộ rất cao, bởi đã thấy được con họ thực sự được trải nghiệm và HĐTN giúp các em trưởng thành hơn.