Dạy học bằng ngoại ngữ: Tham vọng riêng mỗi trường

GD&TĐ - Cùng với xu hướng quốc tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn nước ngoài, trong đó, việc dạy - học bằng ngoại ngữ được xem là sự khác biệt cơ bản nhất.

Dạy học ngoại ngữ theo phương pháp step by step.
Dạy học ngoại ngữ theo phương pháp step by step.

Lớp tiếng Anh tăng cường trong mùa hè

Trong mùa hè 2019, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (VNUK – ĐH Đà Nẵng) tổ chức hai khóa Tiếng Anh tăng cường – Summer Intensive Course với cách thức học liên tục, tăng cường giúp cải thiện, xây dựng nền tảng tiếng Anh trong thời gian ngắn theo phương pháp step – by – step.

Từ năm học 2018 – 2019, trong học kỳ I, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tập trung giảng dạy tiếng Anh cho SV năm thứ nhất các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của chương trình học.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa cho biết: “Nhà trường liên kết với một trung tâm ngoại ngữ đã được chọn lọc để giảng dạy, nâng cao trình độ tiếng Anh cho SV đủ khả năng đạt chuẩn tiếng Anh đầu khóa, chuẩn bị hành trang theo học cho những năm tiếp theo. Ngoài thời gian học tiếng Anh, nhà trường chỉ lên thời khóa biểu để SV học thêm môn Toán đại cương và nhập môn ngành. Chi phí cho một học kỳ học ngoại ngữ theo kiểu tập trung này đã nằm trọn trong gói học phí của SV”.

Các môn học của chương trình tiên tiến, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đều được giảng dạy bằng tiếng Anh, trừ các môn Lý luận chính trị, Quốc phòng và An ninh, Giáo dục thể chất. Cả chương trình tiên tiến và chương trình chất lượng cao của trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đều áp dụng theo Mô hình Dạy học qua dự án (Project-based Learning - PBL) theo hướng tích hợp liên môn.

Trong mỗi học kỳ, SV sẽ được học lý thuyết cơ bản nhất trong các môn học với thời lượng giảm nhiều so với trước đây. Sau đó, SV sẽ được giao các dự án hoặc bài tập lớn liên môn. Để thực hiện nội dung này, với nhiều môn học, SV phải tự đọc thêm, học thêm kiến thức chuyên sâu và kiến thức liên quan của các môn học trong học kỳ bằng tài liệu tiếng Anh dưới sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên và trợ giảng của nhà trường nên việc tăng cường tiếng Anh ngay từ học kỳ I năm thứ nhất là điều tối quan trọng.

Những năm học sau, SV tiếp tục học ngoại ngữ và phải đạt những mốc yêu cầu đã được công khai, nếu SV nào không đạt chuẩn thì tạm dừng tiến độ học tập để tập trung cải thiện trình độ tiếng Anh.

Ảnh minh họa/ Internet
 Ảnh minh họa/ Internet

Xây dựng môi trường học tập đa văn hóa

TS Đặng Đức Long - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế - VNUK cho rằng, với xu hướng quốc tế hóa đại học, ngoài giảng dạy bằng ngôn ngữ quốc tế thì việc tuyển chọn SV nước ngoài đến học tập sẽ tạo cách nhìn đa dạng hơn cho SV và muốn quốc tế hóa được thì phải có SV quốc tế để tạo môi trường đa văn hóa. Với việc SV tiếp xúc, hiểu biết về cách nghĩ, cách làm việc và các nền văn hóa khác nhau là rất quan trọng, tạo điều kiện cho các em nhanh chóng thích ứng khi tham gia thị trường lao động quốc tế.

Các trường ĐH tổ chức dạy học theo các chương trình quốc tế đều đẩy mạnh trao đổi SV ở cả hai hướng gửi SV theo học ở các trường đối tác và tiếp nhận SV nước ngoài.

Nếu gửi SV đi, sẽ có các khóa học ngắn hạn như chương trình mùa hè, ở chương trình dài hạn, SV học một năm ở trường đối tác sau đó quay trở lại tiếp tục học tại trường. Về tiếp nhận SV quốc tế, các trường ĐH Việt Nam có thể tiếp nhận SV trường đối tác sang học một học kỳ, một năm hoặc thực tập. Như VNUK đã tiếp nhận 3 SV của Anh sang thực tập một năm tại VNUK và 4 SV Hungary sang học một học kỳ ở môn Quản trị và kinh doanh quốc tế.

Kỳ tuyển sinh năm 2019 này, VNUK có 3 SV đến từ Ấn Độ, Hàn Quốc và Bangladesh theo học ngành Khoa học máy tính và Kinh doanh quốc tế.

Ngoại ngữ là yêu cầu nghiêm ngặt đối với SV theo học các chương trình này bởi nếu không đáp ứng đủ 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết thì không thể nghe giảng, đọc tài liệu, tiếp nhận kiến thức. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.