Đột phá trong phát triển mạng lưới trường lớp
Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành GD-ĐT Lào Cai triển khai thực hiện Đề án rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2015 - 2020.
Theo đó, ngành GD-ĐT đã sáp nhập 109 trường thành 53 trường, đạt 83,3% mục tiêu đề án; sáp nhập 232/194 điểm trường lẻ MN với TH, đạt 119,58%; xóa 92/41 điểm trường, đạt 224,4%; đưa 14.271/8.300 HS ở điểm trường lẻ về trường chính, đạt 172% mục tiêu đề án. Nâng cấp 4 trường PTDT nội trú THCS&THPT. Tiết kiệm trên 700 biên chế.
Kết thúc năm học 2018 - 2019, 100% các cơ sở giáo dục đã có nhà lớp học kiên cố tại trường chính, diện tích đất cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và các hoạt động của nhà trường; cơ sở vật chất trường, lớp học sạch, đẹp, từng bước hiện đại từ vùng thấp đến vùng cao, trong từng thôn, bản. Tỷ lệ phòng học/lớp học khá cao (đạt gần 1 phòng/1 lớp học, toàn quốc trung bình 0,7 phòng học/lớp), cơ bản bảo đảm học 2 buổi/ngày; đủ nhà ở công vụ giáo viên, nhà ở học sinh bán trú; nhà vệ sinh, nhà tắm cho trường bán trú (872 công trình, trong đó, xây mới 555 công trình, kinh phí 105,4 tỷ đồng).
Sắp xếp cơ sở giáo dục gắn với nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu người học là mục tiêu năm học vừa qua tại Điện Biên. Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ đã có nhiều đổi mới. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tăng nhanh, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Tính đến cuối năm học, ngành quản lý 15.916 công chức, viên chức và người lao động, bao gồm: 129 biên chế công chức hành chính trong cơ quan quản lý giáo dục; 15.787 viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp (1.329 cán bộ quản lý, 11.788 giáo viên, 2.670 nhân viên).
Đầu tư hệ thống trường lớp không chỉ là bài toán nan giải với các tỉnh vùng khó, Hà Nội cũng gặp nhiều áp lực trong việc đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Tăng cường nguồn lực đầu tư cho các điều kiện học tập của HS vừa là mục tiêu, giải pháp của ngành GD Thủ đô.
Thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2018 - 2019, thành phố có 2.713 đơn vị trường học với gần 2 triệu HS. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong các đơn vị trường học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ và hiện đại.
Trong 5 năm gần đây, thành phố đã triển khai đầu tư 980 dự án cải tạo và xây mới trường, lớp học với tổng kinh phí hơn 24.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách, các dự án xã hội hóa phát triển tập trung tại các quận và khu vực có điều kiện thuận lợi về kinh tế - xã hội. Cách thức đầu tư này không chỉ nhằm hỗ trợ cho các địa phương còn khó khăn, mà còn góp phần giảm dần sự chênh lệch về điều kiện dạy - học ở các nhà trường, giúp mọi HS, dù sinh sống, học tập ở địa bàn nào cũng đều được tiếp cận với các điều kiện học tập có chất lượng.
|
Tập trung giáo dục mũi nhọn
Nhiều năm qua, ngành Giáo dục Hải Phòng luôn là đơn vị giữ vững vị trí “top” đầu về công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Năm học 2018 - 2019, thành phố có 72 thí sinh đoạt giải. Trong đó: 6 giải Nhất (Hóa học 1, Địa lý 1, Tiếng Anh 3, tiếng Trung 1), 23 giải Nhì, 18 giải Ba, 25 giải Khuyến khích. Trong đó có 2 học sinh được chọn vào đội tuyển Olympic quốc tế Toán và Tin học. Trong cuộc thi Olympic Toán học quốc tế 2019 tại Vương quốc Anh, Hải Phòng có 1 học sinh tham dự và đoạt Huy chương Vàng là em Nguyễn Thuận Hưng, học sinh lớp 12 chuyên Toán, Trường THPT chuyên Trần Phú. Tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc gia 2019, Hải Phòng có 12 dự án đoạt giải, gồm: 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 5 giải Ba, 3 giải Tư. Có 1 dự án lựa chọn dự thi quốc tế tại Mỹ.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết: Để có cơ chế chính sách tốt thể hiện sự đãi ngộ của thành phố với những học sinh và giáo viên đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, ngành GD-ĐT đã tham mưu với HĐND thành phố ban hành các Nghị quyết có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp phát triển ngành GD-ĐT. Theo đó, mức thưởng tối đa cho một học sinh đoạt giải là 500 triệu đồng, giáo viên có học sinh đoạt giải là 250 triệu đồng và tính tổng cho các giải.
Theo nhận định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam, thành phố luôn dành sự quan tâm, đầu tư với sự nghiệp giáo dục thông qua cơ chế đặc thù. Từ đó, chất lượng giáo dục toàn diện luôn được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển.
Tập trung cho giáo dục mũi nhọn cũng là đích đến của các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Cho dù điều kiện kinh tế còn hạn chế, không ít người dân chưa mặn mà với việc học của con em nhưng bằng nhiều hình thức, ngành GD tại các tỉnh thành khu vực này đã có bước phát triển vượt bậc, giành nhiều thành tích cao ở đấu trường trong nước và khu vực.
Trong năm học vừa qua, Đắk Lắk là đơn vị dẫn đầu trong 10 tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt, có một học sinh đoạt giải nhất - thủ khoa môn Tin học và được chọn tham dự Kỳ thi Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2019.
Tương tự, năm học 2018 - 2019, lần đầu tiên tỉnh Đắk Nông có 15 học sinh giỏi quốc gia. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT trên 92%... Không thua kém các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, trong năm 2018, Sở GD&ĐT Lâm Đồng được tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ. Sở GD&ĐT được xếp thứ 2/20 sở ngành về chỉ số cải cách hành chính năm 2018 (tăng 1 bậc so với năm 2017). Ngoài ra, năm học vừa qua, hàng trăm tỷ đồng được đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, cải thiện từng bước, tỷ lệ kiên cố hóa tăng lên theo từng năm học.
|
Tạo nền tảng vững chắc cho Chương trình GDPT mới
Bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ chia sẻ: Năm học 2018 - 2019, thành phố thực hiện nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, với sự vào cuộc chủ động của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Ngành GD thành phố tham mưu UBND thành phố trình HĐND ban hành Nghị quyết số 12/2018, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển GD-ĐT Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư, phù hợp với nhu cầu xã hội; tăng cường công tác dự báo về phát triển trường lớp, đội ngũ đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới. Triển khai Kế hoạch Trường điển hình đổi mới giai đoạn 2018 - 2020 đã phát huy hiệu quả tích cực, tính lan tỏa rộng và có bước đột phá chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục; góp phần giáo dục học sinh phát triển toàn diện…
Còn tại Quảng Trị, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý được ngành GD chọn là điểm nhấn trong năm học 2018 - 2019.
Sở GD&ĐT đã hoàn thành Hệ thống quản lý ngân hàng đề thi phục vụ dạy học, hướng đến xây xựng một hệ thống ngân hàng đề thi trực tuyến trong toàn ngành phục vụ dạy học và kiểm tra đánh giá. Việc sinh hoạt chuyên môn trên “Trường học kết nối” được GV và HS quan tâm, tích cực tham gia và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chuyên môn. Đến nay toàn tỉnh đã có 9.406 GV và 37.257 HS được cấp tài khoản trên “Trường học kết nối”; có 20.766 khóa học và chủ đề dạy học được thực hiện; có 3.885 lượt tổ, nhóm chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn trên “Trường học kết nối”.
Việc ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp đã đem lại hiệu quả cao trong dạy học, giúp HS rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo và khả năng tìm tòi khám phá tri thức, định hướng và phát triển năng lực cá nhân tốt, tạo tiền đề phát triển mô hình trường học thông minh và triển khai lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông...
Mô hình hay, cách làm mới
Năm học 2018 – 2019, Sở GD&ĐT Tuyên Quang chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện mô hình nhà trường gắn liền với sản xuất kinh doanh tại địa phương, tích cực đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học. Các tổ, nhóm chuyên môn tại trường học đã lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học của môn học và các chủ đề tích hợp, liên môn, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các điều kiện thực tế tại các nhà trường.
Có thể kể tên những “thương hiệu” Dạy học tại đồi chè – Trường THPT Tháng 10, THPT Sơn Dương; Vườn mía – Trường THPT Kim Xuyên, THPT Hòa Phú, PTDTNT ATK Sơn Dương; Đồi cam – Trường THPT Phù Lưu...
Có thể thấy, mô hình trường học gắn liền với sản xuất kinh doanh tại địa phương ở Tuyên Quang đã góp phần thay đổi phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá HS. Cách học này phát huy được tính chủ động sáng tạo của GV trong quá trình dạy học. GV được chủ động lựa chọn nội dung dạy học phù hợp với trình độ của HS và điều kiện thực tế của nhà trường. Bên cạnh đó, HS tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình học. Các em được tiếp thu lượng tri thức vừa sức, có tính thực tiễn và chủ động tìm hiểu kiến thức thông qua hoạt động thực tiễn dưới sự định hướng của GV. Giờ học nào HS cũng háo hức mong được mắt thấy tai nghe tại các di sản, tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông trường, nhà máy… từ đó xác định rõ hướng đi cho mình sau khi tốt nghiệp THPT.
Với chủ trương gửi đến thế hệ trẻ sự tử tế trong giáo dục, Sở GD&ĐT Đà Nẵng không chỉ dừng lại ở nỗ lực cải thiện các điều kiện, cơ sở vật chất dạy -học, tạo môi trường thuận lợi để HS phát triển toàn diện mà còn ở các chính sách đối với giáo viên, sự minh bạch về thông tin, những chủ trương tạo cảm hứng, động lực cho việc dạy và học...
“Tùy theo điều kiện của mình, các trường học đẩy mạnh và thực hiện đa dạng các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo dưới nhiều hình thức như câu lạc bộ, sân khấu tương tác, dã ngoại, hội thi... tổ chức thường xuyên theo chủ đề từng tháng để các em có cơ hội tham gia, rèn luyện và phát triển các kỹ năng cho bản thân. Với những nội dung bài học phù hợp, giáo viên tổ chức cho HS học tập ngoài trời như quan sát vườn trường, hoạt động trò chơi nhỏ liên hoàn, thực hành các kỹ năng sống, miêu tả cây cối, trường lớp, tập giới thiệu về ngôi trường của mình... hoặc tổ chức cho HS đi trải nghiệm thực tế như đến thăm khu di tích lịch sử, tham quan danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống địa phương...; mời cảnh sát phòng cháy chữa cháy về tập huấn cho HS kỹ năng xử lí khi có thảm hoạ” - bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GĐ&ĐT Đà Nẵng chia sẻ.
Ngoài ra, từ thành công của chương trình Ngày yêu thương, năm học 2018 - 2019, tùy theo điều kiện, mỗi trường học có thể khuyến khích HS tự xây dựng những chương trình đồng hành nhân đạo để chia sẻ khó khăn về vật chất, tinh thần với những bạn bè gặp hoạn nạn, có hoàn cảnh khó khăn. Từ đây, đã có nhiều HS tiêu biểu trong phong trào Giúp bạn đến trường, HS học được tinh thần tương thân tương ái, biết quan tâm, chia sẻ, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, bạn bè…
Bước đột phá của ngành GD TPHCM trong năm qua là tiếp tục đẩy mạnh việc dạy ngoại ngữ cho học sinh, nhất là tiếng Anh. Thành phố đã triển khai thành công hoạt động cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh (toàn thành phố có 82.000 trẻ tham gia làm quen tiếng Anh trong 559 trường mầm non) giúp trẻ thuận lợi trong những năm bắt đầu phát triển kỹ năng ngôn ngữ.
Ở cấp tiểu học, thành quả của Chương trình tiếng Anh tăng cường và chương trình “Dạy và học Toán, Khoa học, tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” được triển khai thực hiện nhiều năm qua đã giúp việc dạy học tiếng Anh cho học sinh tiểu học đạt hiệu quả tích cực. Đến nay, tỷ lệ học sinh được học môn Tiếng Anh trong nhà trường tiểu học đạt 94,9%, tăng 4,8% so với năm học trước. Tỷ lệ học sinh phổ thông thành phố đạt các chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh ngày càng tăng.
Năm học 2018 - 2019, là năm thứ 2 TPHCM tuyển dụng giáo viên không cần hộ khẩu thành phố. Việc bỏ hộ khẩu đã giúp nguồn tuyển được mở rộng; Có 45% giáo viên được tuyển dụng đến từ các tỉnh và một số môn học trước đây không có ứng viên thì nay đã có thể đáp ứng nhu cầu của các trường.