Điểm mới đáng chú ý
Phân tích đề tham khảo môn Địa lí, Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, cô Bùi Thị Hậu, Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, đề gồm 28 câu hỏi làm trong thời gian 50 phút và có 3 dạng thức trắc nghiệm.
Dạng thức 1: Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn (dạng thức này đã được áp dụng trong nhiều năm), với 18 câu hỏi, tổng số điểm tối đa là 4,5, trải rộng ở tất cả các nội dung trong chương trình Địa lí 12.
Dạng thức 2: Câu hỏi trắc nghiệm dạng Đúng/Sai (dạng thức mới). Dạng thức này có 4 câu, mỗi câu có 4 ý, tổng số điểm tối đa cho dạng thức này là 4 điểm, kiến thức chương trình Địa lí 12.
Dạng thức 3: Câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn (dạng thức mới). Dạng thức này có 6 câu, tổng số điểm tối đa cho dạng thức này là 1,5 điểm, phạm vi kỹ năng tính toán từ lớp 10, 11, 12.
Bảng ma trận các dạng thức câu hỏi như sau:
Dạng thức câu hỏi | Số lượng | Cách tính điểm |
Trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn | 18 câu = 4,5 điểm | 0,25/câu |
Trắc nghiệm đúng sai | 4 câu. Mỗi câu gồm 4 ý. = 4,0 điểm | Điểm tối đa là 1 điểm/câu hỏi - Đúng 1 ý trong 1 câu hỏi: 0,1 điểm - Đúng 2 ý trong 1 câu hỏi: 0,25 điểm - Đúng 3 ý trong 1 câu hỏi: 0,5 điểm - Đúng cả 4 ý trong 1 câu hỏi: 1 điểm |
Trắc nghiệm trả lời ngắn | 6 câu = 1,5 điểm | 0,25 điểm/câu hỏi |
Bảng năng lực và cấp độ tư duy từ đề tham khảo như sau:
Thành phần năng lực | Phần I | Phần II | Phần III | ||||||
NB | TH | VD | NB | TH | VD | NB | TH | VD | |
Nhận thức Địa lí | 7 | 2 | 4 | 6 | 1 | 1 | |||
Tìm hiểu Địa lí | 1 | 2 | 2 | 2 | 1 | 2 | |||
Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học | 2 | 3 | 2 | 2 | |||||
Tổng | 8 | 4 | 6 | 8 | 4 | 4 | 0 | 4 | 2 |
Nội dung kiến thức trong đề tập trung chương trình lớp 12. Các kiến thức lớp 10 và 11 chỉ có phần trắc nghiệm trả lời ngắn là các dạng tính toán trong Địa lí cần rèn luyện cho học sinh trong suốt quá trình học tập.
Nhận định của cô Bùi Thị Hậu, đề tham khảo môn Địa lí có nhiều khác biệt đáng kể so với các năm trước, đặc biệt trong cách xây dựng câu hỏi và tính điểm. Cụ thể:
Số lượng câu hỏi và lệnh hỏi: Đề minh họa bao gồm 28 câu hỏi với 40 lệnh hỏi, thời gian làm bài là 50 phút. So với các năm trước, đề thi không chỉ tập trung vào dạng trắc nghiệm lựa chọn 1 đáp án đúng mà còn thêm hai dạng câu hỏi mới: trắc nghiệm đúng/sai và câu hỏi trả lời ngắn. Cụ thể, có 4 câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai với 16 lệnh hỏi và 6 câu hỏi trả lời ngắn.
Cách tính điểm: Cách tính điểm cho mỗi lệnh hỏi là 0,25 điểm. Tuy nhiên, đối với các câu hỏi trắc nghiệm đúng-sai, thí sinh chỉ đạt điểm tối đa (0,25 điểm/lệnh hỏi) khi trả lời đúng cả 4 lệnh hỏi trong một câu. Cách phân bổ điểm cụ thể như sau: nếu thí sinh chỉ chọn đúng 1 ý trong 1 câu hỏi sẽ được 0,1 điểm; chọn đúng 2 ý được 0,25 điểm; chọn đúng 3 ý được 0,5 điểm; chỉ khi chọn đúng cả 4 ý mới được 1 điểm trọn vẹn cho câu hỏi đó.
Đề minh họa được xây dựng với mục tiêu phân hóa rõ rệt giữa các học sinh. Cụ thể, 70% số câu hỏi tập trung vào các cấp độ tư duy nhận biết và thông hiểu, được triển khai dưới 3 dạng câu hỏi trắc nghiệm. 30% còn lại thuộc cấp độ vận dụng, yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức để trả lời.
Một điểm quan trọng của đề thi mới là khả năng đánh giá thực lực học sinh thông qua câu hỏi trả lời ngắn. Thí sinh không thể khoanh đáp án ngẫu nhiên như với các câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn 1 đáp án đúng. Các em cần phải thực sự hiểu vấn đề và có kỹ năng tư duy để hoàn thành các câu hỏi này.
Phương pháp dạy học phát huy hiệu quả đề tham khảo
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai đề minh họa, cô Bùi Thị Hậu cho rằng, do tính phân hóa cao của đề thi, việc dạy học và ôn tập cần được thiết kế khoa học và phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Giáo viên cần chuẩn bị bài giảng một cách chu đáo, đặc biệt là xác định rõ mục tiêu dạy học và sử dụng phương pháp dạy học tích cực.
Việc nhận diện và giải quyết những khó khăn mà học sinh gặp phải trong quá trình học là vô cùng quan trọng. Giáo viên cần lắng nghe học sinh để hiểu rõ những vấn đề mà các em còn vướng mắc, từ đó có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Quá trình ôn tập không chỉ là việc ôn lại kiến thức mà còn là cơ hội để học sinh rèn luyện kỹ năng làm bài thi thông qua các dạng câu hỏi trắc nghiệm chọn 1 đáp án đúng, trắc nghiệm đúng-sai, và câu hỏi trả lời ngắn.
Tăng cường luyện tập và rèn kỹ năng làm bài cũng rất quan trọng. Theo đó, để học sinh làm quen với các dạng câu hỏi trong đề thi, giáo viên cần tăng cường các hoạt động luyện tập và củng cố bài học, giao bài bổ sung theo tuần. Điều này không chỉ giúp các em vững kiến thức mà còn giúp phát triển khả năng tư duy và phản xạ với các dạng câu hỏi khác nhau.
Trong các tiết kiểm tra, giáo viên nên bám sát cấu trúc đề minh họa để xây dựng ma trận đề thi và biên soạn các câu hỏi giúp học sinh tiếp cận với định dạng đề thi mới. Hướng dẫn học sinh cách tự biên soạn các câu hỏi trắc nghiệm cho mỗi bài học, từ đó giúp học sinh rèn luyện kỹ năng đọc đề, làm bài và củng cố kiến thức một cách hiệu quả.
“Để tăng cường hiệu quả dạy học, ôn tập, nhà trường cũng cần tổ chức giai đoạn ôn thi sớm và định hướng học sinh lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực”, cô Bùi Thị Hậu lưu ý thêm.