Học toàn diện kiến thức để làm tốt đề tham khảo Địa lí

GD&TĐ - Phân tích đề tham khảo Địa lí, cô Phạm Thị Tuyết Nhung, GV Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) lưu ý giúp học sinh làm tốt với dạng đề này.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú.

Theo cô Phạm Thị Tuyết Nhung, đề tham khảo môn Địa lí thi tốt nghiệp THPT 2025 có nhiều thay đổi đáng chú ý cả về nội dung và hình thức, với mục tiêu đánh giá toàn diện năng lực học sinh theo Chương trình GDPT 2018.

Cụ thể, đề gồm 3 phần. Phần trắc nghiệm 4 lựa chọn, câu hỏi có sự phân bố đồng đều các chủ đề quan trọng như địa lí tự nhiên, dân cư, các ngành kinh tế, các vùng kinh tế. Điều này giúp kiểm tra toàn diện các kiến thức trọng tâm của học sinh.

Phần trắc nghiệm đúng/sai giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và phân tích của học sinh. Mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc dùng "mẹo" chọn đáp án từ các phương án nhiễu như dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Phần trắc nghiệm trả lời ngắn gần với câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả mà thí sinh phải tính toán và tự điền vào phiếu trả lời. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng chắc chắn, hạn chế được việc dùng "mẹo", khoanh bừa.

Câu hỏi trong đề bảo đảm các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng; đảm bảo khoa học, chính xác theo yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018.

Đề có sự phân hóa cao, tăng cường một số câu hỏi vận dụng thực tiễn. Học sinh đạt được điểm trung bình, khá không khó chỉ cần các em chăm chỉ, tích cực. Tuy nhiên, để đạt điểm cao, các em phải nắm chắc kiến thức và có kỹ năng phân tích, nhận xét, chăm chỉ tích cực.

“Có thể nói, đề thi tham khảo môn Địa lí được xây dựng phù hợp với mục đích thi tốt nghiệp THPT và có tính phân hoá cao từ đó có thể sử dụng kết quả đó để xét tuyển vào các trường đại học.

Giáo viên cần tích cực triển khai áp dụng cấu trúc đề tham khảo trong dạy học và ôn tập kiến thức cũng như kiểm tra đánh giá, giúp học sinh đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”, cô Phạm Thị Tuyết Nhung nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.