Dạy học thể dục: Trong cái khó ló cái khôn

GD&TĐ - Nhiều trường học tại TPHCM không có đủ điều kiện sân bãi, nhà thi đấu để học sinh (HS) học các môn Giáo dục thể chất tại trường. Để HS có không gian học tập, nhiều mô hình phối hợp dạy học sáng tạo được áp dụng.

HS Trường THCS Nguyễn Du - Quận 1 - TPHCM tranh thủ tập luyện môn đá cầu vào buổi trưa. Ảnh: TG
HS Trường THCS Nguyễn Du - Quận 1 - TPHCM tranh thủ tập luyện môn đá cầu vào buổi trưa. Ảnh: TG

Dù khuôn viên chật hẹp, giờ nghỉ trưa, nhiều HS Trường THCS Nguyễn Du – Quận 1, TPHCM vẫn hăng say tham gia tập thể dục như đá cầu hay nhảy Flashmob chuẩn bị tham gia hội thao của trường. Cô Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du chia sẻ: Khuôn viên sân trường hạn chế, song ngay gần trường có Nhà thi đấu Nguyễn Du - Quận 1 và Trung tâm TDTT Quận 1, nên hằng năm, nhà trường đều gửi công văn về việc  mượn sân bãi. Được sự đồng ý của các đơn vị này, trường dẫn HS qua học các môn giáo dục thể chất. Còn nếu bên đó có sự kiện lễ hội... các em có thể tập ở sân ngoài công viên gần trường.

Để giúp cho HS bán trú tăng cường vận động thể chất, nhà trường mở các câu lạc bộ (CLB) thể thao. CLB hoạt động vào cuối giờ với các môn cờ vua, cờ tướng, bóng rổ. HS tập từ 16 giờ 20 - 17 giờ 20, phụ huynh đến đón. Với môn cầu lông và bóng rổ, trường không có sẵn huấn luyện viên nên khi tham gia CLB, học sinh phải đóng phí. Còn những môn GV trong trường có thế mạnh, trường bố trí thầy dạy tuần 2 - 3 buổi cho các em.

Tại Trường THPT Trần Hữu Trang - đường Trần Hưng Đạo, Quận 5, TPHCM, học sinh chơi các môn bóng rổ, đá cầu tại sân dùng chung với Hội quán Quỳnh Phủ (Hải Nam). Đặc biệt, nhiều giờ giáo dục thể chất, các em được học ở trên sân thượng hay mượn sân tập của Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TPHCM.

HS lớp 11 Trường THPT Trần Hữu Trang - Quận 5 - TPHCM tập nhảy Flashmob tại công viên Văn Lang. Ảnh: TG
HS lớp 11 Trường THPT Trần Hữu Trang - Quận 5 - TPHCM tập nhảy Flashmob tại công viên Văn Lang. Ảnh: TG

Thầy Võ Thiện Cang - Hiệu trưởng trường cho biết: Điều kiện sân tập cho HS còn thiếu, nhà trường đã cải tạo lại sân thượng làm khu sân tập bóng rổ. Ngoài ra, hơn 2 năm nay, nhà trường được Trường ĐH Sư phạm TDTT TPHCM  cho mượn sân tập khi trống nên HS của trường có điều kiện học giáo dục thể chất tốt hơn. Tranh thủ điều kiện có hồ bơi của Trường ĐH Sư phạm TDTT, nhà trường cũng mạnh dạn phổ cập môn này cho HS.

Tại trường THCS Ba Đình - Quận 5, TPHCM, vào giờ giáo dục thể chất, HS các lớp được chia ca để học như khối lớp 6, lớp 9 học buổi sáng, khối lớp 7, lớp 8 học buổi chiều. Các giờ học chia theo nhóm, nhóm này tập, nhóm khác được “giải lao” bởi không gian sân tập không đủ cho cả lớp.

Theo thầy Trần Văn Đồng, Tổ trưởng chuyên môn tổ Văn thể mỹ, Trường THCS Ba Đình, trường không có nhà thi đấu, điều kiện sân bãi thiếu, chật hẹp, HS có thể tập luyện những môn thể thao phù hợp, giúp phát triển tư duy sáng tạo, phán đoán tốt như đá cầu, bống rổ 3 người, cầu lông, các động tác, bài tập bổ trợ, bài tập phát triển thể lực chung...

Nhờ linh động, chủ động khắc phục khó khăn về sân bãi, sáng tạo với nhiều hình thức hợp tác, chất lượng giáo dục thể chất của nhiều trường học tại TPHCM được cải thiện. Hướng hợp tác với ngành thể thao để tranh thủ điều kiện cơ sở vật chất trong dạy học cũng đã được ngành GD thành phố quan tâm. 

Tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp TP năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT và Sở VH-TT TPHCM thông qua kế hoạch liên tịch giữa hai ngành trong việc phối hợp tổ chức và nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong trường học. Đồng thời, 24 phòng GD&ĐT cũng ký kết liên tịch với trung tâm thể dục thể thao các quận, huyện để đưa hoạt động giáo dục thể chất đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện cho HS.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.