Nhận diện dạy học phát triển năng lực
Trên cơ sở phân tích Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các tài liệu, công trình nghiên cứu liên quan, PGS.TS Lê Huy Hoàng, Chủ nhiệm Khoa Sư phạm Kỹ thuật (Trường ĐH Sư phạm Hà Hội), Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Công nghệ, rút ra những đặc điểm nổi bật về dạy học phát triển năng lực, phẩm chất. Theo đó, hệ thống năng lực, phẩm chất được xác định một cách rõ ràng như kết quả đầu ra của chương trình đào tạo. Dưới góc độ dạy học bộ môn, năng lực cần hình thành, phát triển bao gồm năng lực chung cốt lõi và năng lực đặc thù của môn học. Trong chương trình, hệ thống năng lực được mô tả dưới dạng yêu cầu cần đạt cho thời điểm cuối mỗi cấp học. Nội dung dạy học trong chương trình định hướng phát triển năng lực có xu hướng tích hợp, gắn với thực tiễn, được cấu trúc thành các chủ đề trọn vẹn.
Trong chương trình định hướng phát triển năng lực, phương pháp dạy học chú trọng vào hành động, trải nghiệm; tăng cường thí nghiệm và thực hành; đa dạng hóa các hình thức dạy học, kết nối kiến thức học đường với thực tiễn đời sống; phát huy tối đa lợi thế trong vai trò hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của một số phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực.
Đánh giá trong chương trình định hướng phát triển năng lực được xác định là thành phần tích hợp ngay trong quá trình dạy học. Chú trọng đánh giá quá trình, đánh giá xác thực và dựa trên tiêu chí. Hoạt động đánh giá giúp cho người học nhận thức rõ mức độ đạt được so với yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng, năng lực. Trên cơ sở đó, có kế hoạch dạy học phù hợp tới từng cá nhân.
Mỗi bài học, hoạt động giáo dục đều góp phần hình thành và phát triển một, một số yêu cầu cần đạt của năng lực, phẩm chất. Vai trò này cần được thể hiện tường minh trong mục tiêu của bài học, hoạt động giáo dục. Khi đó, trong mỗi hoạt động dạy học phải thể hiện rõ vai trò của hoạt động góp phần phát triển yêu cầu cần đạt về năng lực, phẩm chất như thế nào.
“Năng lực, phẩm chất được hình thành và phát triển theo thời gian, đạt từng cấp độ từ thấp đến cao. Để hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất, cần nhận thức đầy đủ về năng lực, hành động và trải nghiệm có ý thức, nỗ lực và kiên trì trong các bối cảnh cụ thể đòi hỏi phải thể hiện (hay phản ánh) trong mỗi bài học, hoạt động giáo dục. Sự khác biệt về năng lực, phẩm chất chỉ có thể bộc lộ rõ ràng sau mỗi giai đoạn học tập nhất định” – PGS Lê Huy Hoàng lưu ý.
Đổi mới trên nhiều phương diện
Từng là giáo viên tiêu biểu toàn quốc, cô Nguyễn Thị Mỹ Dung, Trường THPT Nguyễn Văn Hai (Trà Vinh) cho rằng: Ngành Giáo dục đang từng bước nâng cao cơ sở vật chất, nguồn lực con người; tuy nhiên giao thoa giữa cũ và mới khó tránh khỏi có khó khăn. Bên cạnh đó, giáo dục là quá trình, không thể đòi hỏi kết quả một sớm, một chiều.
“Muốn phát huy năng lực của HS cần có chương trình, phương pháp phù hợp, và Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giáo viên cần triển khai các phương pháp dạy mới để thay đổi tư duy cũ; phải tạo cho HS cảm hứng trong từng bài học; có thời gian cho HS trải nghiệm, không truyền thụ kiến thức một chiều” – cô Dung cho hay.
Cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) nhấn mạnh: Thực hiện dạy học phát triển năng lực phẩm chất, giáo viên cần hiểu rõ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình môn học; vận dụng tốt, linh hoạt một số biện pháp, kỹ thuật dạy học tích cực để phát triển được năng lực, phẩm chất người học. Bên cạnh đó, trong kiểm tra, đánh giá cần có sự đổi mới: Đánh giá bằng nhiều hình thức (thường xuyên, định kỳ); biết sử dụng nhóm phương pháp đánh giá như kiểm tra viết, hỏi đáp, đánh giá qua sản phẩm. Giáo viên cũng cần xây dựng được kế hoạch giáo dục môn học trên cơ sở mục tiêu của chương trình, từ đó xây dựng kế hoạch dạy học (giáo án) phù hợp với HS.
“Có thể nói, muốn dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học, giáo viên phải đổi mới từ tư duy đến hành động; vận dụng đúng, linh hoạt các phương pháp và kỹ thuật dạy học, từ đó khơi gợi niềm đam mê cho người học” – cô Vũ Thị Anh chia sẻ.
Là giáo viên cốt cán môn Ngữ văn của Phú Yên, thầy Nguyễn Đình Thời, Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (Thị xã sông Cầu) lưu ý: Thực hiện hoạt động dạy học Ngữ văn theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, giáo viên phải thực sự “mới” trên nhiều phương diện, đặc biệt là vấn đề sử dụng phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.
Về phương pháp dạy học, người thầy cần chú trọng tổ chức hoạt động cho học sinh, thông qua đó hình thành phẩm chất và năng lực môn học. Cùng với đó, kế thừa những phương pháp dạy học phù hợp với đặc trưng môn học để phát triển các năng lực đặc thù. Với kiểm tra, đánh giá, giáo viên cần xác định đây là khâu cuối cùng hoàn tất quá trình dạy học phát triển phẩm chất, năng lực. Đánh giá thường xuyên, định kì cùng với các phương pháp, công cụ đánh giá phù hợp sự tiến bộ của học sinh. Hiệu quả dạy học chỉ có thể có được khi giáo viên có cách nhìn toàn diện; thay đổi từ nhận thức đến hành động. Bên cạnh đó, năng lực công nghệ thông tin cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ giáo viên trong quá trình chuyển đổi từ cách tiếp cận nội dung sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.