Dạy học nơi Cổng trời

GD&TĐ - Với quan niệm, chỉ có đi rẫy mới làm no được “cái bụng” và học xong cũng chỉ để… làm rẫy, nên các bậc phụ huynh nơi đây ít quan tâm đến việc học của con em mình. Do vậy, việc gieo chữ đối với giáo viên ở đỉnh Ngọc Linh là cả một quá trình tận tụy hết mình vì học sinh nơi đây.

Dạy học nơi Cổng trời

Gian nan “nuôi” con chữ

Dãy núi Ngọc Linh có độ cao 2.600m so với mực nước biển, vốn được xem như nóc nhà của miền Nam. Đỉnh Ngọc Linh cao vời vợi, mây phủ bốn mùa. Nơi đây là thủ phủ của loài sâm Ngọc Linh nổi tiếng khắp thế giới. Dù sống ở xứ “thiên đường sâm” nhưng đời sống của người Xê Đăng, Ca Dong còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. 

Chúng tôi đến xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) vào lúc trời nhá nhem tối. Đang loay hoay hỏi đường về trường, thì được người dân chỉ: “Các chú chờ đây, tí sẽ gặp được các thầy. Hàng ngày, vào giờ này các thầy sẽ đi qua đây vào làng tìm học sinh”. Vừa dứt lời, 2 chiếc xe máy chở theo 2 học sinh đi ngang qua. “Đấy, thầy hiệu trưởng và hiệu phó mới chở học sinh đi vào làng đó, các chú chạy xe máy theo đi”, người dân chỉ cho chúng tôi.

Sau mấy phút bám đuôi, chúng tôi cũng đuổi kịp 2 thầy giáo. Thầy Tưởng Văn Quang - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Măng Ri (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) cho biết, đang vào trong làng ở dưới chân núi để vận động em học sinh nghỉ học mấy ngày nay theo cha mẹ lên rẫy, tranh thủ tiện đường chở 2 em học sinh về nhà.

Về “bí kíp” ngăn học sinh bỏ học, thầy Quang nói đó chính là sự quan tâm, yêu nghề, yêu trẻ của những giáo viên. Học sinh của trường rải rác ở các thôn làng, trong đó đa phần ở các làng xa trường. Để động viên các em đến lớp, trường chọn giải pháp đầu tiên là thuyết phục, giảng giải cho phụ huynh hiểu tầm quan trọng của việc học chữ. Khi các em đến trường, các thầy cô vận động các nhà hảo tâm từ chiếc cặp, chiếc áo đến đôi dép cho các em.

Thầy Lê Văn Quốc - Hiệu phó nhà trường không nhớ hết những năm qua mình đã bao nhiêu lần đi vận động học sinh. Chỉ biết đi nhiều đến nỗi, nhà học sinh nằm trong các ngóc ngách trên rừng sâu, cách trường hàng chục cây số, thầy đều nắm rõ như lòng bàn tay.

“Biết khó khăn, vất vả nhưng không một ai kêu ca vì chúng tôi đã xác định việc gieo chữ ở vùng xa thì phải chấp nhận hi sinh. Đối với chúng tôi, bao khổ cực, thiệt thòi mấy cũng chịu được, miễn các em chuyên cần đến lớp để học chữ, đừng bỏ học là hạnh phúc quá rồi” - thầy Quốc bộc bạch.

Thầy Tưởng Văn Quang tiếp lời: “Là một ngôi trường ở vùng sâu nên trường thiếu đủ thứ. Gọi là trường bán trú nhưng thiếu phòng ở của học sinh và giáo viên. Thiếu chỗ ở, phụ huynh thấy thế dựng tạm cho căn phòng tạm để ở. Ngoài ra để đáp ứng được nhu cầu ở lại của thầy trò, nhà trường tận dụng các phòng chức năng khác làm chỗ ở. Ngay cả chỗ vệ sinh cũng thiếu. Bí quá, nhà trường lấy tôn làm tạm 3 nhà vệ sinh. Nghe nói sang năm, cấp trên có cấp kinh phí cho xây dựng nhà vệ sinh mới, thầy và trò nghe vậy mừng lắm”.

Thầy cô xách nước cho học sinh tắm giặt

Tạm biệt ngôi trường tại xã Măng Ri, chúng tôi tìm đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Văn Xuôi (xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông). Trường có 80 học sinh và 20 giáo viên. Học sinh của trường là con em của các dân tộc sống xung quanh dãy núi Ngọc Linh. Các giáo viên phần lớn đều ở dưới xuôi lên đây dạy.

Để có nước cho cả thầy và trò dùng, giáo viên phải xuống nhà dân xin từng can nước. Hôm nay theo lịch, thầy Phan Thanh Giản và thầy Phạm Ngọc Phương nhận nhiệm vụ đi lấy nước. Khi đến 1 căn nhà sàn của người dân ở đầu con dốc, thầy Giản gọi to: “Có ai ở nhà không, cho chúng tôi xin hứng ít nước về cho học sinh dùng”. Từ trong nhà 1 người dân nói vọng ra: “Vâng! Các thầy cứ hứng đi, giờ nước còn chảy đó”.

Thầy Giản và thầy Phương vội xách 2 can vào hứng dưới vòi chảy. Đợi khoảng 15 phút, 2 can nước đầy, các thầy xách bộ ra xe rồi chở về trường. Thầy Giản cho biết: “Đây là hệ thống nước tự chảy của người dân. Nước được lấy từ trên suối xuống qua đường ống dẫn về nhà. Lâu nay, các giáo viên vẫn phải xuống nhà dân thay nhau xin nước về cho học sinh bán trú tắm giặt, nấu cơm. Còn các giáo viên muốn tắm, giặt phải xuống nhà dân và trụ sở UBND xã”.

Theo thầy Lê Văn Giang - Hiệu phó nhà trường, phần lớn nguồn nước của nhà trường là đi xin từ nước suối tự chảy của dân. Mùa khô nước khan hiếm, thầy trò phải chi li từng giọt. Mùa mưa cũng chẳng khá khẩm hơn, mưa nhiều rác ở suối theo đường dẫn chảy về khiến nước đục ngầu. Để khắc phục, nhà trường có đào 1 giếng nhưng nước rất ít.

Không chỉ riêng các trường ở xã Măng Ri và Văn Xuôi, phần lớn các trường còn lại đều chung tình cảnh.

Thầy Lê Văn Hoàn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Trên địa bàn huyện có 34 đơn vị trường học, có 91 điểm trường lẻ. Theo số liệu đầu năm học, có hơn 60 điểm trường thiếu nước và thiếu nhà vệ sinh. Để khắc phục, các trường đã làm các nhà vệ sinh tạm bằng cách đào hố, quây tôn. Vừa rồi, UBND huyện và tỉnh cũng đã cấp kinh phí để khắc phục tình trạng thiếu nước và nhà vệ sinh ở các trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.