Đây là hoạt động thường niên nằm trong dự án xóa mù chữ cho đồng bào vùng dự án mà Đoàn KT-QP 5 đã triển khai thành công trong những năm qua...
Công việc thầm lặng, đầy vất vả
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là điểm Trường Mầm non bản Con Dao. Khi vừa đặt chân đến đầu bản, chúng tôi đã nghe rất rõ âm thanh “ê, a...” học bài của các “học sinh” lớp xóa mù vang vọng vào không gian, xóa tan cái tĩnh lặng nơi núi rừng miền sơn cước...
Tiết trời về đêm lạnh đến thấu xương. Nhưng dưới ánh điện sáng mờ ảo, các “thầy giáo” vẫn đang kiên trì, miệt mài đến từng bàn để hướng dẫn cách phát âm, ghép vần tiếng Việt. Còn các “học sinh” thì say sưa luyện âm, đánh vần và “vẽ” từng nét chữ lên trang giấy trắng. Nhìn những nét bút chưa “tròn vành, rõ chữ”, khẩu hình đánh vần, phát âm, luyện đọc còn khá nhọc nhằn, tôi hiểu họ đã cố gắng như thế nào để vượt qua chính mình khi học “cái chữ”.
Đại úy Hoàng Văn Cường, Đội trưởng Đội TTTTN, Đoàn KT-QP 5 cho biết: “Bà con nơi đây vốn quen với nếp sống tự cấp tự túc nên đời sống của họ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong đó, tỷ lệ người trong độ tuổi từ 6 - 60 tuổi mù chữ và tái mù chữ chiếm gần 80%. Thêm vào đó, tổ “giáo viên” là những TTTTN mới tuyển dụng, chưa quen địa bàn, lại bất đồng ngôn ngữ...
Vì thế, việc đưa cái chữ đến với đồng bào cũng lắm gian truân, vất vả...! Để nâng cao hiệu quả xóa mù và tái mù cho dân bản, chúng tôi vận dụng hình thức vừa lên lớp tập trung vào ban đêm, ban ngày, các “thầy giáo” về từng gia đình, “cõng” chữ lên tận nương rẫy để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng học” với dân bản...”.
Đồng hành trong chương trình “cõng” chữ lên nương cùng các “thầy giáo” tại bản Hạm, chúng tôi mới phần nào hiểu được những công việc thầm lặng đầy nhọc nhằn, vất vả của họ. Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn vì phải vượt qua nhiều đồi núi, đèo dốc, khe suối... là những gì chúng tôi cảm nhận trong chuyến hành trình.
Song, điều đáng trân trọng là các “thầy giáo” vẫn không quản vất vả. Dù nắng hay mưa, họ vẫn băng rừng, lội suối, lặn lội đưa cái chữ đến tận từng gia đình, rồi lại “cõng” nó lên tận nương rẫy...
Bằng cách làm kết hợp “cầm tay chỉ việc”, vừa tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, ăn ở hợp vệ sinh... qua đó, hướng dẫn “trực quan” học chữ, dạy cách nhận biết mặt chữ, con số trên cây trồng, vật nuôi và những đồ dùng trong gia đình hàng ngày...
Nhờ vậy, những con chữ “khô khan, trừu tượng” trở nên gần gũi, dễ đọc, dễ học, dễ thuộc, dễ nhớ đối với bà con. “Trước đây tôi cũng đã được học cái chữ, nhưng quên hết rồi. Không biết cái chữ khổ lắm. Mỗi lần mua cái gì hay bán cân lúa, con gà, con lợn... không biết con số, người mua hàng nói sao biết vậy! Nhưng từ khi được tham gia lớp học xóa mù chữ, nay tôi đã có thể biết đọc và biết viết tiếng Việt, nên mở mang ra nhiều điều...” - Chị Phan Thị Ton, 30 tuổi, dân tộc Dao, ở bản Con Dao bộc bạch với chúng tôi!
Điểm tựa của bà con dân bản
Chiến dịch “Vì con chữ vùng cao” cho đồng bào vùng dự án Mường Lát năm nay, trên cơ sở chương trình, kế hoạch, Đoàn KT-QP 5 đã lựa chọn và thành lập “tổ giáo viên” gồm 4 cán bộ cùng lực lượng TTTTN chuyên ngành sư phạm.
Sau khi điều tra, khảo sát, nắm chắc tình hình đặc điểm tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội; tìm hiểu đời sống, phong tục tập quán, Đoàn đã chọn bản Hạm và bản Con Dao thuộc xã Quang Chiểu để tổ chức xóa mù. Đây là 2 bản thuộc diện khó khăn của xã Quang Chiểu và huyện Mường Lát. Chiến dịch diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng đã để lại tình cảm và ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân nơi đây.
Nói về ý nghĩa đợt hoạt động lần này, Thượng tá Hoàng Văn Sơn, Phó Chính ủy Đoàn KT-QP 5 cho biết: Chiến dịch xóa mù chữ năm nay, nhờ phối hợp chặt chẽ với địa phương và các ngành chức năng, tập trung chỉ đạo làm tốt công tác khảo sát, mở các lớp xóa mù chữ và tái mù nên chỉ trong thời gian 3 tháng, đơn vị đã phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát mở được 3 lớp xóa mù cho gần 80 học viên...
Việc làm thầm lặng của những người “thầy cắm bản” đã giúp nhân dân vùng dự án không chỉ biết đọc, biết viết mà còn biết vận dụng từng con chữ, ngôn ngữ, con số phổ thông trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Đây được xem là “cú hích” để địa phương phấn đấu đạt một số nội dung, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ vững ANCT, TTATXH, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc...
Chia tay bà con nhân dân nơi “cổng trời” Mường Lát khi ngoài kia cơn mưa rừng mỗi lúc một nặng hạt. Vậy nhưng, mỗi cán bộ, nhân viên và TTTTN - những người “thầy cắm bản” vẫn lặng lẽ góp sức mình mang ánh sáng văn hóa đến với đồng bào vùng dự án. Họ được ví như điểm tựa của bà con dân bản nơi miền biên viễn...